Lãi suất giảm có tạo nên 'cửa sáng' cho chứng khoán?

(ĐTTCO) - Từ đầu tháng 3, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng loạt giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn. Điều này dường như là trái ngược với dự báo của nhiều tổ chức đầu tư trong lẫn ngoài nước, rằng lãi suất VNĐ có thể sẽ còn một đợt tăng nữa, khi Fed tiếp tục nâng lãi suất nhanh hơn tới đây.
Lãi suất giảm có tạo nên 'cửa sáng' cho chứng khoán?

Thị trường chứng khoán (TTCK) cuối tuần qua đã phục hồi khá tích cực sau khi VN Index lùi về sát ngưỡng 1.000 điểm. Nhưng nhà đầu tư (NĐT) vẫn nên cẩn trọng với việc công bố “lãi suất giảm”, vì đằng sau đó còn nhiều vấn đề.

Lãi suất khó giảm sâu

Dạo qua một số NHTM, nhóm NH những tháng trước duy trì mức lãi suất huy động cao nhất thị trường, mặt bằng lãi suất tiết kiệm quả thực đã hạ xuống. Đơn cử SHB, mức lãi suất tiết kiệm online thời điểm cuối tháng 2-2023 còn tới 9,1%/năm, thì ngay đầu tháng 3 đã xuống còn 8,82%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tuy vậy, mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng vẫn duy trì khá cao ở ngưỡng 8,42%/năm. Với Techcombank, lãi suất huy động 12 tháng trở lên cũng tụt từ quanh 9%/năm xuống 8,1%/năm.

Theo số liệu thống kê, mặt bằng lãi suất bình quân của các nhóm NH cũng đã bắt đầu giảm xuống từ đầu tháng 3. Đáng chú ý nhất là nhóm NH nhỏ cũng đang hạ dần lãi suất. Thời điểm giữa tháng 2-2023, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhóm này vào khoảng 8,9%/năm, thì hiện chỉ còn 8,73%/năm.

Nhóm NH lớn như MBB, ACB, TCB, VPB... cũng giảm từ mức trung bình 8,3%/năm xuống 8,18%/năm. Đối với nhóm NHTM có vốn nhà nước, tính dẫn dắt thị trường lãi suất vẫn được duy trì từ đầu năm đến nay ở mức trung bình 7,4%/năm.

Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn còn có cái gọi “lãi suất hỗ trợ thêm” vì a, x, z… bởi NH vẫn rất cần tiền và cuộc cạnh tranh huy động vốn giữa các NH, nhưng không diễn ra rầm rộ.

Mặt bằng lãi suất huy động giảm xuống đúng thời điểm các NH được phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2023. Trong những ngày tới, theo tin từ Hiệp hội NH, mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục giảm thêm chút nữa khi có sự đồng thuận từ các thành viên. Tuy nhiên, mức giảm sẽ không nhiều và cũng cho các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Tỷ giá VNĐ/USD (thị trường tự do và ngân hàng) và mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các nhóm ngân hàng. Nguồn: Wichart.

Tỷ giá VNĐ/USD (thị trường tự do và ngân hàng) và mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các nhóm ngân hàng. Nguồn: Wichart.

Thực ra áp lực thanh khoản không quá căng như những tháng đầu năm. Theo một ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect, từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 2, NHNN đã mua vào khoảng 3,6 tỷ USD để bổ sung dự trữ ngoại hối, tương ứng với việc cung tiền đồng ra thị trường.

Thế nhưng, kể từ đầu tháng 2 đến nay, đồng USD tăng giá trên thế giới khi số liệu lạm phát lõi của Mỹ tiếp tục tăng nhanh hơn dự kiến, và nhiều dự báo tốc độ tăng lãi suất tới đây sẽ không phải mức thấp 0,25% như hồi tháng 1-2023. Chỉ số USD Index đã tăng khoảng 3% trong tháng 2-2023, nhưng tỷ giá trong nước không biến động nhiều. Tỷ giá tự do và tỷ giá bán ra tại các NH chỉ tăng khoảng 1,2% trong tháng 2.

Sức ép tăng giá của đồng USD là một trong những mối lo lớn nhất đối với mặt bằng lãi suất trong nước, vì thực tế thời gian qua công cụ lãi suất chủ yếu được sử dụng để phản ứng với đà tăng của tỷ giá.

Dù sức ép lên lãi suất đồng nội tệ khá “dễ thở” ở thời điểm hiện tại, nhưng điều đó không có nghĩa rằng lãi suất có thể tiếp tục giảm. Bởi đồng USD vẫn đang được hỗ trợ từ kỳ vọng Fed sẽ quay lại bước tăng lãi suất 0,5% trong tháng 3 này, sau khi những số liệu lạm phát mới cũng như thông tin từ các biên bản kỳ họp trước đó.

Như vậy, việc giảm lãi suất trong nước phần nhiều đến từ sức ép “đồng thuận” của các NH cũng như từ NHNN để tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất.

CK vùng đáy khi các rủi ro đạt đỉnh

Lãi suất và lạm phát vốn được coi là “kẻ thù” của chứng khoán, nên bất kỳ thông tin hạ nhiệt nào của các yếu tố trên đều được TTCK hoan nghênh. VNIndex đã có nhịp điều chỉnh khoảng 8,3% trong tháng 2-2023, có lúc đẩy chỉ số này về thấp nhất 1.013 điểm. Song khả năng cân bằng của thị trường quanh ngưỡng 1.000 điểm không hẳn đến từ kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm mạnh, mà là kỳ vọng lãi suất đã đạt đỉnh.

Thực vậy, TTCK luôn đi trước các chỉ số vĩ mô dựa trên các tín hiệu dự đoán để xây dựng kỳ vọng. Đồng USD đã đạt đỉnh vào tháng 11-2022 như nhiều tổ chức quốc tế dự đoán, thì sức ép từ bên ngoài cũng sẽ không còn mạnh.

Trong nước, mặt bằng lãi suất lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2022 và duy trì trong tháng 1-2023 và bắt đầu hạ xuống. Khi các yếu tố tạo sức ép không còn lớn như trước, khả năng lãi suất tăng vượt đỉnh 2022 là không xảy ra.

Đó mới là điều TTCK cảm thấy chắc chắn, dù mặt bằng lãi suất vẫn sẽ bị neo cao cho tới khi bối cảnh sức ép chung dần giảm xuống, thậm chí tới khi Fed dừng chính sách tăng lãi suất và đảo ngược chính sách, dự kiến vào cuối năm 2023, đầu 2024.

Nói cách khác, khi TTCK kỳ vọng rủi ro đã đạt đỉnh thì có thể tạo đáy, nhưng chưa thể chuyển pha sang giai đoạn tăng bùng nổ. Một thí dụ dễ thấy là suốt cả năm 2019, mặt bằng lãi suất gần tương đương hiện tại, TTCK cũng chỉ có thể đi ngang sau một pha tăng mạnh kéo dài từ đầu năm 2016 đến đầu 2018.

Vẫn còn nhiều sức ép nội tại trên thị trường, mà rõ nhất là các đợt đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, sẽ dồn vào quý II và quý III. Gần hơn, thị trường cần số liệu để đánh giá liệu hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất cao sẽ bị tác động như thế nào.

Nếu như về góc độ vĩ mô, mặt bằng lãi suất đã đạt đỉnh, điều còn thiếu là góc độ vi mô, lợi nhuận doanh nghiệp đã chạm đáy hay chưa?

Sức ép tăng giá của đồng USD là một trong những mối lo lớn nhất đối với mặt bằng lãi suất trong nước, vì thực tế thời gian qua công cụ lãi suất chủ yếu được sử dụng để phản ứng với đà tăng của tỷ giá. Trong khi đồng USD vẫn đang được hỗ trợ từ Fed sẽ quay lại bước tăng lãi suất 0,5% trong tháng 3 này.

Các tin khác