Lãi suất trong cuộc chiến lạm phát

Xung quanh việc điều hành chính sách tiền tệ, ĐTTC ghi nhận ý kiến của Th.S Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM.

Xung quanh việc điều hành chính sách tiền tệ, ĐTTC ghi nhận ý kiến của Th.S Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM.

Điều hành lãi suất cơ bản trên thế giới

Lãi suất cơ bản (LSCB - benchmark interest rate) là công cụ chính và quan trọng nhất để NHTW các nước trên thế giới thực hiện chống lạm phát. Khi lạm phát tăng, NHTW tăng LSCB nhằm giảm bớt lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, từ đó giảm lạm phát. Ngược lại, khi lạm phát hạ nhiệt, LSCB có thể giữ ở mức thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, để LSCB thực sự trở thành công cụ điều hành chính sách tiền tệ theo ý chí của NHTW, LSCB phải được vận hành theo cơ chế thị trường. Điều này có nghĩa LSCB thông qua thị trường tiền tệ phải có sự tác động đến chi phí vốn của NHTM. Khi NHTW tăng LSCB, chi phí vốn của các NHTM tăng lên khiến cho hoạt động tín dụng co hẹp. Ngược lại, khi NHTW giảm LSCB, chi phí vốn của NHTM giảm đi, lãi suất cho vay thấp kích thích hoạt động tín dụng.

Tại Hoa Kỳ, LSCB được gọi là “lãi suất tài trợ liên bang” (federal fund rate). Đây là lãi suất mà các định chế tiền gửi (chủ yếu là các NHTM) cho vay lẫn nhau số dư tại FED. Thông thường đây là các khoản cho vay qua đêm, được xác định theo sự thỏa thuận giữa hai ngân hàng, còn gọi là “lãi suất hiệu lực liên bang” (federal funds effective rate).

Tại Hoa Kỳ còn có “lãi suất mục tiêu liên bang” (federal funds target rate) được xác định tại cuộc họp giữa các thành viên thuộc Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC-Federal Open Market Committee) và theo định kỳ 6 tuần họp một lần để quyết định mức “lãi suất mục tiêu liên bang”. FED sử dụng hoạt động của thị trường mở để tác động đến cung tiền trên thị trường Hoa Kỳ sao cho “lãi suất hiệu lực liên bang” xoay quanh “lãi suất mục tiêu liên bang”.

Sở dĩ lãi suất tài trợ liên bang có vai trò quan trọng đối với các NHTM do quy định về khoản tiền dự trữ, mức độ dự trữ được xác định theo giá trị các tài sản hiện có và các khoản nợ của các định chế tiền gửi. Nếu lượng tiền gửi của các ngân hàng giảm xuống thấp hơn mức dự trữ pháp định, họ phải đi vay trên thị trường mở để duy trì theo đúng quy định.

Do đó FED thông qua thị trường mở có thể điều hành lãi suất theo mục tiêu của mình. Nếu như muốn hạ lãi suất, FED sẽ thực hiện mua các giấy tờ có giá, tức bơm tiền ra. Ngược lại, nếu muốn tăng lãi suất, FED sẽ thực hiện bán các giấy tờ có giá cho các NHTM để rút tiền về. Do đó, lãi suất tài trợ liên bang thực tế giao động quanh “lãi suất mục tiêu liên bang” do FED đề ra.

Tuy nhiên, cần tránh nhầm lẫn giữa “lãi suất tái chiết khấu” qua cửa sổ chiết khấu (discount window) và “lãi suất tài trợ liên bang” (federal fund rate). Cửa sổ chiết khấu là lãi suất mà các ngân hàng vay trực tiếp từ FED và đây là lãi suất do FED đặt ra. Lãi suất chiết khấu thông thường cao hơn lãi suất tài trợ liên bang. Hiện tại, lãi suất tài trợ liên bang của Hoa Kỳ đang được duy trì ở mức 0-0,25%/năm trong khi lãi suất tái chiết khấu ở mức 0,75%/năm.

Do LSCB một số nước đang phát triển có thị trường tiền tệ chưa phát triển (chẳng hạn như thị trường các giấy tờ có giá) nên không có sự tác động mạnh đến chi phí vốn của các NHTM. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ tự do hóa lãi suất của từng quốc gia, LSCB vẫn đóng vai trò nhất định trong việc chống lạm phát. Bên cạnh LSCB, các nước này cũng sử dụng mạnh các công cụ lãi suất khác như “lãi suất tái chiết khấu”, “lãi suất tái cấp vốn”, tỷ lệ dự trữ bắt buộc...

Sử dụng công cụ nào để kiềm chế lạm phát?

Mặc dù lạm phát của Việt Nam vẫn còn tăng cao, với mức lạm phát theo năm của tháng 6-2011 lên đến 20,82%, đứng thứ 2 thế giới, nhưng LSCB gần như không tăng nhiều trong suốt 2 năm qua. Động thái tăng LSCB gần đây nhất của NHNN là vào ngày 5-11-2010 từ mức 8%/năm lên 9%/năm.

Trong khi các nước như Thái Lan, Brazil, Hàn Quốc (không nằm trong top 20 quốc gia có mức lạm phát cao), trong 6 tháng đầu năm 2011 cũng liên tục có động thái tăng LSCB để chống lại lạm phát (theo thống kê của Trading Economics). Chẳng hạn vào ngày 13-7-2011, Thái Lan tăng LSCB lần thứ 8 trong năm lên mức 3,25%/năm. Ngày 21-7-2011, Brazil cũng nâng LSCB lần thứ 5 trong năm lên mức 12,5%/năm. Vào giữa tháng 6, Hàn Quốc cũng lần thứ 3 trong năm nâng LSCB lên mức 3,25%/năm. Trung Quốc vào ngày 6-7-2011 cũng đã tiến hành nâng LSCB lần thứ 3 trong năm là 6,56%/năm (cho vay) và 3,5%/năm (tiền gửi)…

Tại Việt Nam, trong bối cảnh LSCB bị vô hiệu hóa, điều tất yếu là phải sử dụng các công cụ lãi suất khác, như lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Điều này cần xem xét đến cơ cấu nguồn vốn huy động của các NHTM nước ta. Thứ nhất, do cơ cấu nguồn vốn huy động của các NHTM, đặc biệt là các NHTM không thuộc sở hữu nhà nước, có tỷ trọng nguồn vốn huy động bằng tiền mặt cao.

Do vậy, việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ có tác động mạnh đến chi phí vốn của các NHTM nhiều hơn so với các công cụ khác.

Thứ hai, hầu hết các NHTM không thuộc nhà nước ít nắm giữ các giấy tờ có giá nên không thể tham gia vào hoạt động tái chiết khấu, các hoạt động trên thị trường mở. Hiện tại, chỉ các NHTM thuộc sở hữu nhà nước mới nắm giữ nhiều nhất lượng trái phiếu chính phủ nên có thể tham gia thực hiện tái chiết khấu và hoạt động trên thị trường mở.

Thứ ba, cũng do không nắm giữ các giấy tờ có giá nên các NHTM không thuộc sở hữu nhà nước bị hạn chế trong việc sử dụng công cụ tái cấp vốn từ NHNN. Chính vì vậy, việc điều chỉnh lãi suất thông qua lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất thị trường mở khó tác động đến chi phí vốn của các NHTM.

Trong thời gian qua, khi NHNN tác động lên thị trường mở (OMO) để đưa lãi suất từ 15%/năm xuống 14%/năm đã gây ra sự hiểu nhầm của các nhà quan sát trên thị trường, nhất là các tổ chức nước ngoài cho rằng động thái giảm lãi suất trên đã nới lỏng chính sách tiền tệ và hệ lụy là lạm phát tiềm ẩn và áp lực tỷ giá.

Bởi lẽ, lãi suất trên OMO được xem như LSCB mà NHTW các nước sử dụng để điều chỉnh cung tiền nền kinh tế. Trong khi đó, LSCB nước ta lại bị vô hiệu hóa nên thường phải sử dụng các công cụ lãi suất khác để can thiệp vào cung tiền, vì thế động thái giảm lãi suất trên OMO không được NHNN xem là động thái nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nhìn từ Trung Quốc

Giống như Việt Nam, các NHTM ở Trung Quốc xác định lãi suất cho vay và lãi suất huy động dựa trên LSCB cộng trừ biên độ 10%. Do việc điều hành mang tính hành chính, nên LSCB của Trung Quốc phần nào cũng bị hạn chế (gần đây nước này mới bắt đầu thực hiện chủ trương tự do hóa lãi suất theo lộ trình).

Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc sử dụng khá mạnh tay công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong cuộc chiến lạm phát. Năm 2010, Trung Quốc đã 5 lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Và tính từ đầu năm 2011 đến nay, Trung Quốc lại có thêm 6 lần tiến hành nâng dự trữ bắt buộc. Do vậy, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Trung Quốc hiện ở mức cao, lên đến 21,5%.

Trong khi đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Việt Nam rất thấp, đối với tiền gửi bằng VNĐ đối với các tổ chức tín dụng (ngoại trừ Agribank) ở các kỳ hạn dưới 12 tháng là 3%, ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1%. Trung Quốc có vẻ rất ít sử dụng công cụ lãi suất tái chiết khấu, lần tăng lãi suất tái chiết khấu gần đây nhất là vào cuối tháng 12-2010 (ở mức 2,25%/năm) và giữ nguyên cho đến nay.

Tóm lại, không phải việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam phải giống Trung Quốc. Để kiềm chế lạm phát một cách có hiệu quả, phải thực hiện phối hợp nhiều công cụ của chính sách tiền tệ. NHNN cần phải lựa chọn công cụ nào có tác động mạnh đến chi phí vốn huy động của các NHTM trong bối cảnh LSCB bị tê liệt. Thực tế thời gian qua cho thấy, Việt Nam chỉ sử dụng mỗi công cụ lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất thị trường mở để chống lạm phát.

Các tin khác