Đằng sau.. cho vay ưu đãi
Theo một báo cáo do CTCP Chứng khoán SSI công bố, sau các NHTM có vốn nhà nước, các NHTMCP cũng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa các nhóm NH về mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Hiện tại, lãi suất tiền gửi ở mức 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng, và đang là vùng thấp lịch sử.
Quan sát tại các NHTM, sau khi giảm lãi suất huy động, hầu như nhà băng nào cũng triển khai các gói tín dụng hoặc chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, chỉ từ 6-7%/năm, tập trung vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), DN siêu nhỏ và cá nhân.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, NH buộc phải tăng tốc các gói ưu đãi lãi suất bởi theo số liệu của NHNN, đến ngày 17-11-2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7,26%, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 10,28%. Đối với một nền kinh tế chủ yếu kinh doanh trên nợ như Việt Nam, con số này phản ánh tốc độ hấp thụ vốn của nền kinh tế đã yếu đi do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Về nguyên nhân, ngoài việc đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và NHNN phải giảm lãi suất cho vay để đồng hành cùng DN, hỗ trợ nền kinh tế, cũng là cách để các NH cải thiện tăng trưởng tín dụng. Bởi cho đến nay hoạt động kinh doanh cốt lõi, đem về nguồn thu chủ yếu cho các NH khi chiếm tới 70-80% tổng doanh thu, lợi nhuận vẫn là tín dụng.
Song nếu xét trên thực tế, các gói vay đó vẫn tiếp diễn những chiêu trước đây đã từng được các nhà băng sử dụng. Chẳng hạn chương trình cho vay do một NHTMCP đang triển khai đối với DNNVV: Hỗ trợ DNNVV vay trung và dài hạn chỉ từ 5,9%/năm. Nhưng khi diễn giải cụ thể, NH cho biết lãi suất 5,9%/năm được áp dụng trong 3 tháng; 6,9%/năm trong 6 tháng và 8,3%/năm trong thời gian 12 tháng, tùy theo lựa chọn của DN, thời gian vay tối thiểu 48 tháng. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay được điều chỉnh cộng biên độ chỉ từ 3,2%/năm.
Thông thường, công thức tính lãi suất sau ưu đãi như sau: Lãi suất sau ưu đãi = lãi suất cơ sở/lãi suất tham chiếu/lãi suất tiết kiệm 24 tháng/lãi suất tiết kiệm 12 tháng/lãi suất tiết kiệm 13 tháng cao nhất + biên độ lãi suất cho vay. Ở NH nói trên, lãi suất cơ sở thời gian vay 6 tháng là 7%/năm; 12 tháng là 7,4%/năm; 24 tháng là 7,7%/năm; 48 tháng là 7,9%/năm. Như vậy, sau thời gian ưu đãi, cộng thêm biên độ 3,2%, lãi vay không dưới 10%/năm.
Hay một NH khác cũng đang ưu đãi cá nhân vay trung, dài hạn lãi suất ưu đãi, chỉ từ 7%/năm khi vay phục vụ sản xuất kinh doanh, mua nhà và chỉ từ 7,3%/năm khi vay mua ô tô, tiêu dùng. Tuy nhiên, biên độ lãi suất sau ưu đãi là 3%, cùng với lãi suất cơ sở kỳ hạn vay trên 12 tháng là 8,5%/năm. Như vậy, dự kiến lãi vay sau thời gian ưu đãi lên mức 11,5%/năm.
Chưa thấy sự đồng hành
Chưa thấy sự đồng hành
NH là một nhà kinh doanh tiền, vì vậy tất cả các hoạt động của NH đều xoay quanh việc làm cho đồng tiền sinh lời cao nhất. Nhưng ở đây có sự mâu thuẫn khi trải qua dịch bệnh, các thành phần trong nền kinh tế trải qua một năm rất lao đao nhưng hoạt động của các NH vẫn ổn định. Điều này thể hiện qua việc tín dụng giảm, nhưng lợi nhuận của NH vẫn ở mức cao.
Cụ thể tại thời điểm cuối quý III-2020, tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng của 26 NHTM đã công bố báo cáo tài chính đạt 76.273 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Ở top 10 NH dẫn đầu về lợi nhuận, Vietcombank tiếp tục giữ vị trí cao nhất với mức lợi nhuận 12.794 tỷ đồng sau thuế. Nhóm 3 NH ở vị trí tiếp theo cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số như Techcombank tăng 20,6%; VietinBank tăng 22,4% và VPBank tăng tới 30,6%. Các nhà băng khác như MB, BIDV, ACB lần lượt đạt lợi nhuận 6.596 tỷ đồng, 5.667 tỷ đồng, 5.133 tỷ đồng… Nếu tính trên mặt bằng chung, có 15/26 nhà băng đạt lợi nhuận sau thuế trên 1.300 tỷ đồng trong 3 quý vừa qua.
Và cơ sở để nói có sự mâu thuẫn là đóng góp lớn trong lợi nhuận của các NH vẫn là thu nhập lãi thuần. Chẳng hạn nằm trong trong nhóm phải tích cực giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN, nhưng trong quý III-2020, thu nhập lãi thuần của Vietcombank chỉ giảm 1,5%, đạt 8.723 tỷ đồng, BIDV vẫn đạt 23.232 tỷ đồng, chỉ giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, còn thu nhập lãi thuần của VietinBank tăng 9%, đạt 9.078 tỷ đồng. Ở các NHTMCP, thu nhập lãi thuần ghi nhận xu hướng tăng mạnh. Chẳng hạn, thu nhập lãi thuần 9 tháng của Techcombank đạt gần 13.300 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi cho vay khách hàng ở mức xấp xỉ đầu năm. VPBank đạt 23.605 tỷ đồng (tăng 5%).
Với những con số này, có thể nói các NH vẫn tối ưu hóa được các hoạt động kinh doanh để sinh lời trong dịch bệnh. Đó là một điều đáng mừng. Nhưng ở góc nhìn khác, các NH chưa thật sự chia sẻ khi đang giảm chỗ này nhưng tăng chỗ khác để bù đắp lợi ích. Đơn cử những năm trước đây, biên độ cộng thêm để tính lãi suất sau ưu đãi chỉ ở mức 2-2,5%, nhưng hiện nay đã được nâng lên mức 3-3,5% tùy theo NH.
Một thủ thuật quen thuộc nữa cũng được một số NH áp dụng là giảm lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn, trừ kỳ hạn 13 tháng vẫn neo rất cao. Đơn cử hiện nay Eximbank đang áp dụng ở mức 8,4%/năm hay OCB ở mức 8,2%/năm. Tuy nhiên, ít có cá nhân với tới mức lãi suất này vì chỉ được áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Còn lý do neo cao như vậy bởi vì khá nhiều NH dùng kỳ hạn này làm tham chiếu và cộng thêm biên độ để tính lãi suất cho vay sau ưu đãi.
Vẫn biết NH là một nhà kinh doanh tiền, nhưng khi trải qua dịch bệnh các thành phần trong nền kinh tế rất lao đao, còn hoạt động của các NH vẫn ổn định, thể hiện qua việc tín dụng giảm nhưng lợi nhuận của NH vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy NH vẫn chưa đồng hành cùng DN. |