Việt Nam đã trở thành hình mẫu của thế giới về tăng trưởng nông nghiệp, đặc biệt về nguồn cung lúa gạo trong nước. Đó là kết quả của định hướng theo mục tiêu tăng năng suất và sản lượng.
Điều này cũng dẫn đến hệ lụy là tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm và đi kèm theo đó là những lo ngại về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, đầu ra cho nông sản là bài toán đã được đặt ra từ lâu song vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. “Được mùa mất giá” như một điệp khúc hằng năm khi vào chính vụ, “giải cứu” như một lời nguyền có tính chu kỳ.
Nông nghiệp nước ta có ba đặc điểm, cũng là ba điểm nghẽn khi chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hoá trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Đó là: manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Đất đai manh mún, quy mô nhỏ lẻ, canh tác tự phát.
Ba thách thức đó làm cho chuỗi liên kết bị rời rạc, con đường đưa nông sản đến thị trường mong manh, dễ bị đứt gãy khi có biến cố xảy ra. Cũng từ ba đặc điểm đó, dữ liệu về nguồn cung không dễ được tích hợp một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời trong cùng một thời điểm, một mùa vụ ở mọi cấp độ: địa phương, tiểu vùng, vùng, quốc gia.
Thiếu dữ liệu nguồn cung về sản lượng, chủng loại dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, khiến thông tin đầu vào cho thị trường thường mơ hồ, chỉ mang tính ước đoán.
Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, dẫn đến tình trạng “sản xuất mù”, “bán mù”, “mua mù”. Nông dân cứ sản xuất rồi trông chờ thương lái đến thu mua. Đến lượt thương lái cũng tìm cách đưa nông sản đến doanh nghiệp, hệ thống phân phối. Một chuỗi liên kết có tính rời rạc mỗi mùa vụ dễ bị đứt gãy khi bị “ùn đầu ra” dẫn đến “ứ đầu vào”.
Khi dữ liệu cung và cầu chưa khớp nhau thì còn rủi ro mùa vụ, rủi ro cho người sản xuất, rủi ro cho thương lái, doanh nghiệp và rủi ro cho cả nền kinh tế. Giải bài toán đầu ra cho nông sản nước ta trong một thế giới luôn biến động, bất định, phức tạp cần được nhìn nhận cả ở góc độ lý luận, nhất là lý thuyết kinh tế học và thực tiễn nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta.
Với diện tích canh tác bình quân thấp, nông nghiệp phổ biến ở quy mô nông hộ nhỏ. Tổ chức sản xuất thiếu gắn kết dẫn đến chi phí cao trong khi chất lượng và giá trị gia tăng thấp. Đây cũng là căn nguyên của sự bất bình đẳng trong phân chia lợi ích và dễ đổ vỡ chuỗi cung ứng.
Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa khiến phần lớn lao động trẻ, có sức khỏe, sức sáng tạo và được đào tạo chuyển nhanh sang khu vực đô thị, các ngành kinh tế khác.
Hậu quả là, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam tiếp tục đối mặt với nguy cơ mất đi lực lượng lao động có trí tuệ, khả năng sáng tạo để duy trì động lực phát triển. Có thể thấy, các động lực của tăng trưởng nông nghiệp đều đứng trước nguy cơ suy kiệt nếu Việt Nam tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng nông nghiệp dựa trên sản lượng, khai thác tận kiệt tài nguyên, tận dụng lao động giá rẻ, sử dụng nhiều hóa chất…
Để khắc phục, cần đến một hệ thống các giải pháp vừa mang tính đồng bộ, vừa mang tính bền vững, lâu dài. Nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ, với khát vọng lớn hơn, cách làm bài bản và bền vững hơn.
Hướng tới nền Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh
Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng với nền kinh tế thế giới. Sản phẩm nông nghiệp nước ta vươn tới thị trường trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Người tiêu dùng yêu cầu nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phân phối tiện lợi hơn. Sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản phải xanh, nhân đạo và ổn định.
Thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng, với sự bền vững của môi trường toàn cầu. Ngược lại, thị trường cũng đòi hỏi khách hàng có trách nhiệm với người sản xuất. Họ phải được đối xử tử tế trong an toàn lao động, trong môi trường sống, trong chính sách xã hội.
Và hơn thế nữa, nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc đổi mới sáng tạo tích hợp các giá trị văn hoá trong nông nghiệp và thực phẩm. Đẩy mạnh tích hợp các giá trị xanh, đa dạng sinh học và văn hoá sẽ là những bước đột phá đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm của châu Á thay chỉ vì xuất khẩu sản phẩm thô, làm gia công, giá trị gia tăng thấp, dựa trên khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực xã hội.
Với lợi thế địa kinh tế chiến lược, phát triển và kết nối đồng bộ hạ tầng đường thuỷ, đường sắt, đường bộ nội địa và liên quốc gia cùng với tăng cường năng lực quản trị và chuyển đổi số, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics nông nghiệp và thực phẩm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trung tâm chế biến nông lâm thủy sản cho khu vực Đông Nam Á, giảm thiểu những bất ổn của chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản toàn cầu trong trong tương lai.
Điều này góp phần kiểm soát mất cân bằng cung - cầu thị trường nông, lâm, thủy sản toàn cầu và những tác động trực tiếp đối với nông dân và người tiêu dùng trong nước cũng như trong khu vực và trên toàn cầu.
Ngành nông nghiệp không thể đứng một mình
Để thay đổi, chuyển mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, ngành nông nghiệp không thể đứng một mình, làm một mình mà cần có sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước.
Cần thay đổi cách quản lý, tổ chức, dịch vụ hỗ trợ đầu tư công để biến người dân thực sự trở thành chủ thể, trung tâm và động lực nhằm tạo ra kinh tế nông thôn năng động, đội ngũ nông dân thực sự khỏe mạnh, tài ba, có trí tuệ, năng lực và chuyên nghiệp. tạo lập một môi trường phát triển lành mạnh và hiệu quả thông qua đổi mới quản trị hệ thống và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu phát triển trong nông nghiệp và công nghệ thực phẩm, lấy đổi mới sáng tạo, đặc biệt chuyển đối số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp làm trọng tâm.
Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho rằng, chuyển đối số sẽ đi cùng với chuyển đổi xanh gắn liền với quá trình đổi mới thể chế để phát triển hệ sinh thái nông nghiệp tích hợp đa giá trị.
Thúc đẩy chuyển đổi số để xây dựng các chuỗi giá trị nông sản bền vững, hướng tới truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, chuẩn hóa quy cách và chất lượng, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, thu mua và phân phối, cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật.
Bảo đảm sự tiếp cận lâu dài và công bằng về tư liệu sản xuất, đặc biệt là đất đai đối với mọi đối tượng, đặc biệt quan tâm đối với các đối tượng yếu thế như người nghèo, nông dân sản xuất nhỏ, người thiểu số, phụ nữ và thanh niên.
Cần triển khai các giải pháp quyết liệt, táo bạo mang tầm chiến lược để nâng cao năng lực quản trị của hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, thúc đẩy nông dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên gắn bó với sản xuất nông nghiệp.
Cần huy động tham gia của khối tư nhân trong đầu tư có trách nhiệm, đầu tư xanh, đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, vận hành hiệu quả mô hình và cơ chế hợp tác công - tư. Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hình thành các mạng lưới đổi mới, sáng tạo trong nước và xuyên biên giới.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, dự báo và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro về thiên tai, dịch bệnh; quản lý bền vững các nguồn tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học và rừng; quản lý nguồn nước xuyên biên giới; tài nguyên biển...
Đổi mới quản trị hệ thống, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cùng với hội nhập quốc tế là cỗ xe tam mã đưa nông nghiệp Việt Nam từ một cường quốc về sản lượng lương thực đến một cường quốc về nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon, một nhà cung ứng lương thực thực phẩm Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững.
"Đổi mới tư duy, cùng nhau hành động - Không gì là không thể!" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.