PHÓNG VIÊN: - Thưa GS, là người nghiên cứu rất kỹ về vấn đề lạm phát các nước nói chung và Mỹ nói riêng, ông có thể giải thích cơ bản để độc giả ĐTTC hiểu rõ thêm vấn đề này?
GS. TRẦN NGỌC THƠ: - Có nhiều yếu tố giải thích cho sự bùng nổ lạm phát như: chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, thị trường việc làm nóng lên, các gói kích thích tài khóa tiền tệ siêu nới lỏng, và gần đây là cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Không chỉ Fed, hầu như tất cả nhà đầu tư, các định chế tài chính, và chẳng những ở Mỹ mà còn ở hầu hết các nền kinh tế đều sai lầm khi tin rằng lạm phát cao đã là dĩ vãng. Nếu có chăng, lạm phát chỉ còn bàn nhau trong giới hàn lâm, trong các lớp học về lịch sử kinh tế, còn đời thực làm gì có lạm phát (?).
Lạm phát cao gần nhất ở Mỹ là vào thập niên 1970. Các thế hệ hiện tại hầu như không ai cảm nhận lạm phát cao. Song những người sống ở thập niên 1970 cũng quên mất chúng từng tồn tại. Điều này làm cho ai cũng chủ quan về lạm phát. Khi nhận ra sai lầm thì đã muộn mất rồi.
Giới quan sát ở Mỹ hay kháo nhau rằng, một ngân hàng trung ương nhàm chán, ít việc làm, thị trường hãy đừng lo lắng. Nhưng khi ngân hàng trung ương là tiêu đề “hot” của các phương tiện truyền thông, thì thị trường hãy nên chuẩn bị tâm thế khủng hoảng.
Kịch bản khiến thị trường lo lắng nhất hiện nay là Fed dao động giữa làm quá ít, đảo ngược, rồi lại làm quá ít. Chẳng hạn, hiện có quan điểm cho rằng lạm phát 2% là quá nghiêm ngặt. Tại sao không phải từ 4% trở lên? Điều này có lợi là cho Fed nhiều dư địa hơn để điều hành lãi suất trong tương lai, do đó giảm nhu cầu nới lỏng định lượng (QE) trong các đợt suy thoái tiếp theo.
Với lạm phát Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp giống Nhật, Ngân hàng nhà nước Việt Nam có thể tham khảo chiến thuật “chờ và xem” trong cách xử lý giữa lạm phát, lãi suất và tỷ giá khá tinh tế của ngân hàng trung ương Nhật. Đây cũng nên là cách nhìn cẩn trọng của người dân và doanh nghiệp về diễn biến sắp tới của USD, tránh tình trạng đầu cơ quá mức hoặc găm giữ ngoại tệ USD, vì mọi thứ có thể đảo chiều rất nhanh trong một thế giới quá bất định. |
Jerome Powell cho rằng, “chúng ta đang sống với những lực lượng khác nhau và phải suy nghĩ về chính sách tiền tệ theo một cách rất khác. Dự báo lạm phát trong môi trường lạm phát cao trở thành một nhiệm vụ quá khó. Bây giờ chúng tôi mới nhận ra rằng Fed đã hiểu quá ít về lạm phát như thế nào”.
- Vậy theo GS. điều này có nghĩa là dự báo lạm phát trong môi trường lạm phát cao là không thể, và cách thức hoạt động của ngân hàng trung ương cũng khác nhau hoàn toàn trong môi trường lạm phát thấp và lạm phát cao?
- Đúng vậy. Vào cuối tháng 6, Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) đã công bố một nghiên cứu cho thấy, các tác nhân hoạt động trong môi trường lạm phát thấp khác hoàn toàn lạm phát cao. Khi lạm phát ở mức thấp đáng kể, độ biến động cũng như tính dai dẳng của chúng cũng giảm theo, đó là chúng sẽ tự cân bằng.
Điều này một phần là do mọi người mong đợi chúng ổn định, và cũng bởi vì phần lớn thời gian họ không còn nhớ đến chúng. Mức độ biến động thấp của lạm phát không phải do mức giá riêng lẻ từng loại hàng hóa, dịch vụ ít biến động, mà do mức độ tương quan giữa chúng thấp. Những thay đổi tương đối trong giá, kể cả những thay đổi lớn, ít có ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung.
Vì thế sự bùng phát của lạm phát mới đây đã gây bất ngờ cho hầu hết các nhà quan sát. Vào cuối năm 2020, các dự báo hầu hết cho rằng lạm phát ở mức bằng hoặc thấp hơn mục tiêu của Fed và hầu hết các ngân hàng trung ương. Thậm chí vào giữa năm 2021, khi lạm phát bắt đầu tăng, các dự báo cũng đều đánh giá thấp cường độ hoặc mức độ kéo dài của chúng.
Nhưng nếu kìm chế "sai bài" sẽ gây suy thoái.
Sở dĩ có những đánh giá sai, là do ban đầu lạm phát chỉ tập trung ở một nhóm hẹp các mặt hàng, chẳng hạn như hàng hóa lâu bền, thực phẩm và năng lượng. Theo quan điểm phổ biến trong kinh tế học, những đợt tăng giá này được hiểu chỉ là sự điều chỉnh giá tương đối một lần hoặc nhất thời do cung và cầu tạm thời không khớp bởi đại dịch. Nhưng cuối cùng lạm phát lại ngày càng lan rộng.
Không chỉ Fed, hầu như tất cả nhà đầu tư, các định chế tài chính, và chẳng những ở Mỹ mà còn ở hầu hết các nền kinh tế đều sai lầm khi tin rằng lạm phát cao đã là dĩ vãng. Nếu có chăng, lạm phát chỉ còn bàn nhau trong giới hàn lâm, trong các lớp học về lịch sử kinh tế, còn đời thực làm gì có lạm phát (?). |
Trong môi trường lạm phát cao, chẳng hạn như sự thay đổi giá lớn và tiền tệ mất giá, một sự thay đổi giá trong một ngành có thể lan rộng sang các ngành khác và toàn bộ nền kinh tế và lan truyền giữa các nước với nhau. Cơ chế đằng sau của chúng là các vòng xoáy “giá cả với giá cả”, và “giữa giá cả với tiền lương”.
Khi lạm phát tăng lên, nó trở thành tâm điểm của các tác nhân và gây ra những thay đổi hành vi khiến cho lạm phát tự củng cố và nhanh chóng bén rễ vào nền kinh tế. Dù vậy, BIS có đưa ra khuyến nghị các ngân hàng trung ương cần cái nhìn toàn diện đối với lạm phát kiểu này, bởi vì việc thắt chặt quá mạnh sẽ để lại hậu quả khôn lường.
- Đánh giá sai môi trường lạm phát không thể làm cho mọi việc xấu nhanh quá mức như thế. Vậy theo GS liệu Fed có phạm sai lầm đáng kể trong triết lý điều hành chính sách tiền tệ?
- Có khả năng như thế. Bước ngoặt nằm ở chỗ sau khi đại dịch bùng nổ, Fed đã chuyển đổi sang chế độ lạm phát mục tiêu trung bình. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, Fed đã thực hiện các chính sách tiền tệ phi truyền thống bằng các gói nới lỏng tiền tệ định lượng. Kết quả là kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, thất nghiệp thấp kỷ lục. Nhưng vấn đề là lạm phát vẫn luôn ở mức thấp dưới mục tiêu 2%.
Điều này đã đánh lừa Fed. Đến mức Fed tin rằng luôn có sẵn một buổi trưa miễn phí. Họ tin rằng kỳ vọng lạm phát đã được duy trì tốt đến mức có thể mở rộng chính sách tài khóa tiền tệ thêm nữa mà không ảnh hưởng đến lạm phát.
Fed vì vậy đã quyết định chuyển sang khuôn khổ chế độ “lạm phát trung bình”. Có nghĩa là sắp tới có thể lạm phát ở năm nào đó vượt mục tiêu 2%, nhưng bình quân trong một khoảng thời gian 2-3 năm, miễn đạt mục tiêu trung bình 2% là ổn.
Theo chế độ mới này, Fed có thể mạnh tay thực hiện nới lỏng tiền tệ và cũng để hỗ trợ Bộ Tài chính thực hiện các gói kích thích tài khóa lên đến hàng ngàn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế do đại dịch gây ra.
Tuy nhiên, vấn đề là lần này kinh tế Mỹ không phải trải qua khủng hoảng tài chính giống như 2008, mà lại là thảm họa tự nhiên từ đại dịch Covid. Do đó phục hồi kinh tế có xu hướng bật dậy thật nhanh và mạnh sau hơn 1 năm đại dịch, cộng hưởng với nút thắt cổ chai nguồn cung toàn cầu và hàng ngàn tỷ USD nới lỏng tiền tệ, tài khóa bơm ra thị trường đã tạo ra lạm phát tăng vọt bất ngờ. Xung đột Nga-Ukraine chỉ là giọt nước tràn ly và thúc đẩy mọi thứ diễn tiến nhanh hơn mà thôi.
- Có một thực tế là Fed không thấy lạm phát. Nhưng vào tháng 4 năm rồi, khi đại dịch bắt đầu hạ nhiệt, công chúng Mỹ đã bắt đầu cảm nhận lạm phát. Liên tục các dữ liệu sau đó đều cho thấy lạm phát dần dần tăng sức nóng. Vậy mà Fed vẫn cứ khẳng định đó là do cú sốc nguồn cung và chỉ “tạm thời”. Theo GS tại sao Fed luôn có cái nhìn khác nhau giữa công chúng và giới nghiên cứu?
- Vấn đề rắc rối là luôn tồn tại một “thế giới thực”, ngoài nghiên cứu hàn lâm của các nhà kinh tế. Và công chúng cũng rất ít người biết hoặc quan tâm đến kết quả nghiên cứu lạm phát của giới kinh tế.
Lý do bởi lạm phát luôn giữ một vị trí đặc biệt trong tâm thức mọi người. Đó là lạm phát khiến người lao động trở nên nghèo hơn, bác sĩ thì mất bệnh nhân, thầy giáo thì mất học trò…
Phục hồi nền kinh tế Mỹ có xu hướng bật dậy thật nhanh và mạnh sau hơn 1 năm đại dịch, cộng hưởng với nút thắt cổ chai nguồn cung toàn cầu và hàng ngàn tỷ USD nới lỏng tiền tệ, tài khóa bơm ra thị trường đã tạo ra lạm phát tăng vọt bất ngờ. Xung đột Nga-Ukraine chỉ là giọt nước tràn ly và thúc đẩy mọi thứ diễn tiến nhanh hơn mà thôi. |
Một khảo sát trên tờ Economist mới đây cho thấy, hơn 50% số người Mỹ “hoàn toàn đồng ý” việc ngăn chặn lạm phát cao cũng quan trọng giống như ngăn chặn ma túy, so với chỉ 18% các nhà kinh tế; 46% người dân muốn chính phủ giảm giá sau khi lạm phát tăng đột biến, trong khi rất ít nhà kinh tế khuyến nghị như vậy.
Qua những cách “học và hành” khác nhau về lạm phát của giới làm chính sách và công chúng, điều thú vị nhất sẽ là bài học gì được rút ra? Trong các bình luận về chủ đề này trong giới làm chính sách, có một nhận định đáng lưu ý.
Đó là, sẽ rất hữu ích khi mà các phản ứng chính sách cần đảm bảo lạm phát phải luôn nằm ngoài màn hình ra đa của công chúng. Việc Fed chuyển sang chế độ lạm phát trung bình khiến màn hình ra đa của công chúng càng bắt sóng lạm phát kỳ vọng mạnh hơn nữa.
Như tôi đã nói, gần nửa thế kỷ không có lạm phát khiến Fed tin rằng kỳ vọng lạm phát luôn được giữ vững, rằng sẽ không còn ai nghĩ đến việc đưa lạm phát vào tiền lương và giá cả. Nhưng cũng đã có những cảnh báo trong giới hoạch định chính sách của Fed vào cái gọi là “kỳ vọng lạm phát”, họ cho đó là một khái niệm không rõ ràng.
Công chúng và doanh nghiệp không hiểu biết nhiều về kỳ vọng lạm phát. Họ chỉ nhìn vào cách Fed hành động để suy đoán lạm phát. Nếu để cho mọi thứ nằm trong màn hình ra đa, họ sẽ tự động kích hoạt khai hỏa vòng xoáy tăng giá. Khi đó, để vãn hồi lại trật tự, Fed chỉ còn cách tăng lãi suất cao ngất ngưởng và tăng liên tục với cái giá phải trả rất lớn. Cảnh báo này, chí ít đến giờ xem ra đang trở nên chính xác.
Trong các phiên họp vừa qua trong nội cung của Fed, không còn ai tranh luận tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ như thế nào, hay cú sốc giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm là tạm thời hay vĩnh viễn nữa. Hiện tại chỉ còn 2 trường phái bi quan và lạc quan. Nhóm bi quan cho rằng suy thoái kinh tế là điều khó tránh khỏi.
Nhóm này còn ẩn ý, họa may chỉ còn các công cụ của lực lượng đặc nhiệm tại xung đột Nga-Ukraine mới khống chế được cơn bão giá, chứ còn các công cụ của Fed không còn bao nhiêu tác dụng. Nhóm lạc quan lại cho rằng nước Mỹ có thể có một cuộc hạ cánh mềm.
Ông Jerome Powell thuộc nhóm này, nhưng mọi người tin rằng giống như tướng ra trận, ông phải tỏ ra lạc quan vậy thôi chứ tình hình xem ra khó đảo ngược, trừ phi có điều bất ngờ xảy ra.
- Xin hỏi GS câu cuối, tình trạng lạm phát quá cao khiến Fed liên tục tăng lãi suất. Đồng USD giờ đã tăng giá quá cao so với hầu hết các loại tiền tệ mạnh trên thế giới. 1 Eur có lúc đổi không tới 1 USD, còn đồng Yen Nhật thì đạt mức 1 USD đổi lấy 140 Yen, mức thấp nhất trong 24 năm qua. Vậy ngân hàng trung ương các nước đang có những phản ứng gì, thưa GS?
- Với góc nhìn của người đang sống và làm việc ở Việt Nam, tôi đang quan sát các phản ứng của Ngân hàng Trung ương Nhật. Hiện có 2 trường phái: trường phái thứ nhất cho là hãy cứ để cho Yen mất giá để tăng xuất khẩu, trường phái thứ hai lập luận nếu để cho Yen mất giá thêm nữa sẽ là thảm họa, vì thế ngân hàng trung ương phải can thiệp tung dự trữ USD mua vào Yen hoặc tăng mạnh lãi suất.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện trường phái thứ ba cho rằng, diễn biến mới cho thấy sắp tới khả năng suy thoái của Mỹ rất cao và do đó Fed có thể đột ngột ngừng tăng mạnh lãi suất USD. Cùng lúc đó, kinh tế Trung Quốc sẽ dần phục hồi sau hệ quả của chính sách zero covid. Lúc đó đồng USD sẽ quay đầu giảm giá, hay chí ít không còn tăng nóng như thời gian qua.
Vì vậy Ngân hàng Trung ương Nhật hãy chờ đợi trong sự thận trọng chớ đừng chơi tất tay bằng việc tăng lãi suất quá mức hoặc can thiệp mạnh trên thị trường ngoại hối.
Theo tôi, với lạm phát Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp giống Nhật Bản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể tham khảo chiến thuật “chờ và xem” trong cách xử lý giữa lạm phát, lãi suất và tỷ giá khá tinh tế của Ngân hàng Trung ương Nhật.
Đây cũng nên là cách nhìn cẩn trọng của người dân và doanh nghiệp về diễn biến sắp tới của USD. Tránh tình trạng đầu cơ quá mức hoặc găm giữ ngoại tệ USD, vì mọi thứ có thể đảo chiều rất nhanh trong một thế giới quá bất định.
- Xin cảm ơn GS qua cuộc trao đổi này.