Làm sao hết cảnh “dân cần quan chẳng vội”

(ĐTTCO)-Chiều 8-5, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017.
Làm sao hết cảnh “dân cần quan chẳng vội”

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Lê Mạnh Hà cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng DN” sẽ diễn ra vào ngày 17-5 tại Hà Nội. Chủ đề của hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, hỗ trợ để DN thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Hội nghị được tổ chức theo hai hình thức gồm trực tiếp và trực tuyến. Dự kiến khoảng 2.000 đại biểu (gấp 4 lần hội nghị Thủ tướng với DN năm 2016) trực tiếp tham dự hội nghị, trong đó khối DN dân doanh khoảng 1.500 đại biểu cùng các đại biểu từ khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DN Nhà nước và DN đã cổ phần hóa, một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, các cơ quan nhà nước...

Cùng với đó, tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến có lãnh đạo 63 tỉnh thành phố cùng các đại biểu DN, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu. Đáng chú ý, ngay sau hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của DN; VPCP, Bộ KH-ĐT và VCCI đồng chủ trì họp báo về kết quả hội nghị.

Có thể đạt được 1,4 triệu DN?

Tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, để chuẩn bị cho hội nghị đã có có 18 bộ, ngành, 48 địa phương đã gửi báo cáo về việc thực hiện các vấn đề nêu trong Nghị quyết 35.

Theo ông Vũ Tiến  Lộc, Chủ tịch VCCI, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết  35 thì 35,75% DN đánh giá tích cực, tương đối tích cực đối với sự chuyển biến của các bộ ngành, địa phương; gần 30% đánh giá sự chuyển biến còn hạn chế. Dù còn không ít khó khăn, nhưng đánh giá chung, các DN cho biết kết quả kinh doanh năm 2016 có khởi sắc hơn, niềm tin triển vọng kinh doanh tốt hơn so với 2015.

DN cũng đánh giá cao sự tích cực của các cấp trong cải thiện môi trường kinh doanh. “Năm 2016 là năm đột phá về tư duy cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ DN. Tuy nhiên trong chính sách có những hạn chế do độ trễ, nhiều vấn đề phải sửa đổi ở tầm luật”, ông Lộc nhận định.

Về mục tiêu phấn đấu đạt 1 triệu DN vào 2020, ông Lộc cho biết theo đăng ký của các địa phương tổng số DN có thể đạt được 1,4 triệu DN. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cũng cần có sự sửa đổi về luật thuế, kế toán... đối với DN siêu nhỏ để giúp chuyển hộ kinh doanh thành DN...

Về kiến nghị của DN đối với Chính phủ (320 kiến nghị nêu tại hội nghị năm 2016, 100 kiến nghị gửi bổ sung sau hội nghị), ông Lộc cho hay phần lớn các kiến nghị nêu từ 2016 đã được giải quyết; còn lại do vướng mắc ở tầm pháp luật, hoặc đang nghiên cứu giải quyết.

Năm nay VCCI nhận được 200 kiến nghị mới và đã chuyển cho các bô ngành, địa phương xem xét giải quyết. Các kiến nghị tập trung vào các nội dung cụ thể của Nghị quyết 35 như cải cách hành chính, bảo vệ quyền lợi DN... 

Nhiều kiến nghị của DN đã được giải quyết, nhưng việc giảm chi phí cho DN chưa nhiều. Trong đó, việc thực hiện kiến nghị giảm chi phí cho các DN như giảm lãi suất, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm, logistic... vẫn là một yêu cầu quan trọng. Bên cạnh đó DN cũng kiến nghị về vấn đề thủ tục phá sản DN; giải quyết tranh chấp; thanh tra, kiểm tra...

DN khổ vì cán bộ vô cảm

Về "điểm nhấn" của hội nghị Thủ tướng với DN lần này, ông Lê Mạnh Hà cho biết  năm ngoái có sự kiện quán cà phê Xin chào, tác động không nhỏ tới nội dung hội nghị Thủ tướng với DN lần thứ nhất. Theo đó nội dung "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" đã được đưa vào hội nghị.

“Năm nay, chúng tôi không mong muốn những điều bất thường xảy ra đối với DN, nhưng chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả những bất cập để giảm khó khăn, bức xúc cho DN. Việc tổ chức hội nghị trọng tâm là tạo điều kiện để phát triển DN, chứ không chỉ giải quyết khó khăn của DN”, ông Lê Mạnh Hà nói. 

Về con số khối DN dân doanh có tới 1.500 đại biểu tham dự, ông Lê Mạnh Hà khẳng định, tinh thần là tất cả thành phần DN đều bình đẳng, công bằng giữa các thành phần DN. Trong hội nghị này, DN khu vực tư nhân được mời nhiều hơn vì DN FDI, DNNN đã có những diễn đàn khác để chia sẻ.

Chủ trương là Chính phủ luôn đối xử bình đẳng với các loại hình DN, bây giờ DNNN đã giảm xuống rất nhiều, chủ yếu là DN tư nhân và DN khối FDI. Số lượng và vai trò của DN tư nhân sẽ ngày càng lớn, nhất là khi chúng ta đạt tới mục tiêu có 1 triệu DN. Thủ tướng cũng đã luôn nhấn mạnh, DN tư nhân là động lực của nền kinh tế.

 Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cuộc gặp hằng năm của Chính phủ đối với DN là hết sức cần thiết nhằm tạo sự thay đổi và chuyển nhận nhận thức một cách đầy đủ về khu vực kinh tế tư nhân trong các cấp lãnh đạo nhất là ở cơ sở, từ đó chuyển biến thành hành động là hết sức cần thiết.

“Có nhiều nơi lãnh đạo địa phương không dám gặp  DN vì sợ mang tiếng, đó là nhận thức rất sai lầm. Thay vào đó,  lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương phải tăng cường gặp gỡ, đối thoại với DN để  lắng nghe kiến nghị của DN, tháo gỡ những  khó khăn cho họ phát triển”, ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Báo chí đặt câu hỏi liệu “điểm nhấn” ở hội nghị năm nay có là việc phải giải cứu thịt lợn, hay là vụ thuốc kháng sinh phải tiêu hủy? Ông  Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện các địa phương đang sốt sắng thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy phát triển DN, nhưng cần tránh nhà nước can thiệp trực tiếp bằng các biện pháp hành chính vào thị trường... nếu không sẽ gây ra những hệ lụy.

Được mùa mất giá là câu chuyện của thị trường, thế giới cũng vậy, Chính phủ không thể làm thay, cũng không thể bằng giải pháp giải cứu từ thiện. Mà phải bằng giải pháp căn cơ, lâu dài. Các doanh nghiệp hiệp hội phải có sự phối hợp với nông dân để gắn kết với nhau, có định hướng, dự báo thị trường để sản xuất theo chuỗi, có quỹ dự trữ để hỗ trợ rủi ro của thị trường. 

Ví dụ phải xây hệ thống kho lạnh, có quỹ dự trữ để mua thịt lợn khi rẻ. Từng ngành hàng phải có quỹ dự trữ của mình. Ông Lê Mạnh Hà cũng cho rằng không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính, mà để thị trường điều tiết. 

Về vụ Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM vừa qua đã buộc phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết date trong khi nhiều bệnh nhân thiếu thuốc điều trị, ông Vũ Tiến Lộc nói rằng sự việc này cũng là một “điểm nhấn” đáng chú ý trước thềm hội nghị Thủ tướng với DN lần này.

Đó là tiếng chuông cảnh báo về việc phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm hạn chế những hành vi hành chính vô cảm, tránh đẩy DN vào thế "ngồi trên đống lửa"... của một bộ phận cán bộ công chức trong bộ máy hành chính.

Theo ông Lộc, nếu bộ máy hành chính “vô cảm” thì DN vô cùng thiệt thòi, làm sao để hết cảnh “dân cần mà quan chẳng vội”...

Các tin khác