Làm thế nào bơm vốn và kiểm soát dòng vốn hiệu quả?

(ĐTTCO) - Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 do Quốc hội đề ra từ 6-6,5%, thì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao từ đầu năm 15% cũng là điều có thể dễ hiểu.

Làm thế nào bơm vốn và kiểm soát dòng vốn hiệu quả?

Tuy nhiên, vấn đề là tăng trưởng tín dụng đó có thực chất hay không, nền kinh tế hấp thụ vốn tín dụng không. Trao đổi với ĐTTC, TS. VŨ ĐÌNH ÁNH, Chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính, nhận định:

Thực ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN giao ngay từ đầu năm không có gì ngạc nhiên, đã được NHNN thực hiện hàng chục năm nay rồi. Thế nhưng, do 2 năm 2022 và 2023 có những diễn biến bất bình thường, nên việc giao chỉ tiêu này mới phải điều chỉnh.

Cụ thể, năm 2022 tăng trưởng tín dụng quá nhanh, do kinh tế cần vốn sau một thời gian dài bị “đóng băng” sản xuất vì dịch Covid-19, nên chỉ khoảng nửa đầu năm 2022 đã tăng trưởng gần hết chỉ tiêu tín dụng được giao từ đầu năm. Đến năm 2023, tình hình tăng trưởng tín dụng lại có sự đảo ngược, khi tăng trưởng tín dụng quá chậm do khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế xuống thấp.

Đến tháng 11-2023 mà tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ ở mức 9,15%, cách xa mục tiêu tăng trưởng 14% cho cả năm 2023, buộc NHNN phải tổ chức họp ngay để bàn việc cần có sự điều chỉnh và đốc thúc các NHTM thực hiện.

Chính vì vậy bước sang năm 2024, khi tình hình điều hành tín dụng đã cơ bản được cải thiện, NHNN đã giao chỉ tiêu ngay từ đầu năm, tức là quay trở lại như những năm trước đó nữa. Thêm vào đó, năm 2024, mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Quốc hội đề ra vẫn là từ 6-6,5%, nên tăng trưởng tín dụng với chỉ tiêu 15% cũng là hợp lý, có thể xem như là động lực và phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

PHÓNG VIÊN: - Nhưng thưa ông có ý kiến lo ngại năm 2024 về khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, dẫn đến dòng vốn bơm ra không hiệu quả?

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH: - Ở đây có mấy điểm cần lưu ý. Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng bao giờ cũng phải đi kèm với tăng trưởng kinh tế, phải tỷ lệ thuận với nhau. Nhưng phải chứng minh được rằng nền kinh tế hấp thụ tốt được dòng vốn tín dụng, và vốn tín dụng tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

80577-9077.jpg

Còn nếu vốn tín dụng bơm ra nhưng không tạo ra sản phẩm, không tạo ra tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ tạo thành nợ xấu, đó là mối nguy với toàn hệ thống NH. Thứ hai, điều tôi lo ngại ở đây không chỉ vấn đề hấp thụ vốn, mà khâu kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng của NHNN và của chính các NH hiện nay. Khâu kiểm soát này ở các NHTM đang có vấn đề, nói đúng hơn là gần như bị bỏ ngỏ.

Thứ ba, nếu như không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5%, mà chỉ dừng lại mức 5-6% như năm 2023, rõ ràng mức tăng trưởng trên sẽ tạo ra rủi ro tín dụng nợ xấu.

GDP được Quốc hội đề ra năm 2024 từ 6-6,5% thì tăng trưởng tín dụng 15% cũng là hợp lý. Nhưng nếu mục tiêu GDP không đạt thì vốn bơm ra thành rủi ro nợ xấu ai chịu trách nhiệm?

Câu hỏi đặt ra tiếp theo ở đây là rủi ro tín dụng này ai sẽ gánh chịu? Bởi thúc đẩy chỉ tiêu tín dụng thuộc về ý chí và điều hành từ phía cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là NHNN, nhưng người chịu trách nhiệm thực hiện và kiểm soát rủi ro tín dụng đối với dòng vốn được bơm ra nền kinh tế là các NHTM.

Dĩ nhiên, NHTM đứng trước rủi ro tín dụng chắc chắn phải kiểm soát tín dụng ấy để làm sao có thể hạn chế rủi ro. Nhưng khâu kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay hầu như vẫn đang bị bỏ ngỏ. Theo tôi được biết vẫn chưa có công cụ hiệu quả nào để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, điều này có thể dẫn đến hệ quả lặp lại cả 2 kịch bản tăng trưởng tín dụng đã từng xảy ra vào năm 2022 và 2023, và 2 kịch bản này đều dẫn đến những hệ lụy cho nền kinh tế.

- Ông có thể nói rõ hơn kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng đang bị bỏ ngỏ?

- Năm 2023, liên quan đến việc bị thúc ép tăng trưởng tín dụng, nên các NHTM buộc phải đẩy tăng trưởng tín dụng lên mà không thực chất. Khi ấy, vốn tín dụng không đi đúng định hướng mà đi vào các doanh nghiệp “sân sau”, thậm chí là chảy vào những lĩnh vực, những nhóm ngành nghề có rủi ro cao.

Tất nhiên, đây sẽ là công việc liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của NHNN, và cả kiểm soát nội bộ của chính các NHTM. Bởi với cấu trúc kinh tế như hiện nay, chuyện sở hữu chéo, cho vay đối với doanh nghiệp “sân sau” gần như là hiện tượng phổ biến với quy mô ngày càng tăng. Trong khi các công cụ để hạn chế tình trạng này vẫn chưa có.

Trong năm nay, cũng có nhiều ý kiến cho rằng tình trạng này sẽ giảm bớt khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua. Nhưng tôi xem trong dự thảo dường như vẫn chưa có nội dung nào thực sự có thể kiểm soát tốt việc các NHTM cho vay đối với các doanh nghiệp “sân sau” cả.

Nhìn từ năm 2022 và 2023, cho thấy ngay cả khi điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cũng không liên quan đến tổng tăng trưởng tín dụng toàn ngành, mà chủ yếu xoay quanh việc điều chỉnh chỉ tiêu những NHTM tăng trưởng tín dụng quá cao. Điển hình là trong năm 2023 vừa qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng giữa các NHTM rất không đồng đều.

Kỳ lạ hay nghịch lý là những NH quy mô lớn lại có mức tăng trưởng tín dụng rất thấp, cuối năm lại có lợi nhuận rất cao, thậm chí cao nhất toàn ngành. Trong khi những NH có tăng trưởng tín dụng tăng vọt lại đang đứng trước ngưỡng rủi ro rất cao. Do vậy cũng cần đặt câu hỏi nợ xấu của các NH này trong năm 2024 này sẽ như thế nào.

Tóm lại, ngoài những chính sách chung trong điều hành tín dụng, cơ quan chức năng cũng cần phải phân tích, làm rõ các trường hợp cụ thể để giải thích cả 2 vấn đề: (i) tốc độ tăng trưởng tín dụng giữa các NHTM hiện nay không đồng đều theo thời gian; (ii) tăng trưởng tín dụng không đồng đều theo các tổ chức tín dụng.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác