Làng không chứng minh thư

Dù sinh sống nhiều năm trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc thậm chí sinh ra lớn lên trên quê hương mình, nhưng có những con người không có bất cứ một loại giấy tờ tùy thân nào, ngay cả giấy chứng minh nhân dân. Họ là những công dân miền biên giới, những Việt kiều từ vùng Biển Hồ của Campuchia di cư trở lại Việt Nam trong những năm qua, sinh sống rải rác ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước...

Dù sinh sống nhiều năm trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc thậm chí sinh ra lớn lên trên quê hương mình, nhưng có những con người không có bất cứ một loại giấy tờ tùy thân nào, ngay cả giấy chứng minh nhân dân. Họ là những công dân miền biên giới, những Việt kiều từ vùng Biển Hồ của Campuchia di cư trở lại Việt Nam trong những năm qua, sinh sống rải rác ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước...

Cả xóm phải mượn tên

Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo vài chục cây số từ Quốc lộ 62 vào ấp Hà Thanh 2, xã Hưng Hà, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An khá dễ đi. Nhưng cuộc sống của mấy trăm hộ dân ở đây lại bấp bênh và bất trắc, bởi ngoài chuyện không có công việc ổn định họ còn chẳng có bất cứ giấy tờ tùy thân gì, ngay cả giấy chứng minh thư.

Ngồi trước cửa căn nhà lợp lá dừa nước đơn sơ, bà Phạm Thị Thanh, 61 tuổi, cho biết xóm này hình thành đã mấy chục năm, nhưng hơn 100 hộ dân với gần 500 con người hầu hết đều không có giấy tờ tùy thân. Vì vậy, không được hưởng những lợi ích của Nhà nước cung cấp cho người nghèo đã đành, ngay cả việc đi làm họ cũng không thể vì không có giấy tờ. Thế nên, những người trong xóm đều phải đi “mượn tên”.

Trẻ em mượn tên để đi học; thanh niên mượn tên lên thành phố làm công nhân, giúp việc; người già đôi lúc cũng phải đi mượn tên để mua bán chiếc xe máy chẳng hạn. Chuyện cô gái tên Nga nhưng khi lên thành phố phải mượn tên người quen là Trần Thị Tâm để được hợp pháp giấy tờ đi làm công nhân là chuyện bình thường ở xóm nghèo này.

Người lớn đi mượn tên đã vất vả, nhưng với các em nhỏ càng khổ hơn, vì em nào cũng phải đi học nên mượn tên đến trường là điều khó khăn. Do vậy, rất nhiều em nhỏ đến tuổi đi học đành phải ở nhà vì không có giấy tờ, học bạ. Gần đó cũng có lớp học tình thương do các chiến sĩ đồn Biên phòng Tuyên Bình mở ra, nhưng không sao “gánh” đủ bởi số lượng học sinh (từ 7-15 tuổi) quá nhiều.

Một em nhỏ không quốc tịch. Ảnh: ĐOÀN XÁ 

Một em nhỏ không quốc tịch. Ảnh: ĐOÀN XÁ 

Theo tìm hiểu, đây là xóm của những cư dân từ phía bên kia biên giới sau nhiều năm bôn ba mưu sinh ở vùng Biển Hồ quay về quê hương. Và khi về Việt Nam, họ phải sinh sống như những cư dân “bất hợp pháp”, bởi giấy tờ để xác nhận nhập cư rất khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu vì nhiều người đi xa quê lâu, có khi đến mấy đời, không nhớ gốc gác chính xác của mình. Nhiều người sinh ra và lớn lên ở vùng Biển Hồ nhưng trong quá trình sinh sống và di chuyển về Việt Nam, giấy tờ tùy thân do Cảnh sát Hoàng gia Campuchia cấp đã bị thất lạc khiến họ trở thành những con người không quốc tịch.

3 đời không chứng minh thư

Những cư dân vùng biên giới thường phải di cư qua lại giữa lãnh thổ 2 nước để kiếm sống. Và nhiều người trong số họ không có quốc tịch chính xác. Tại nhiều ngôi làng vùng biên, có gia đình 3 đời đều không có quốc tịch, không giấy tờ tùy thân, chứng minh thư. Đó chính là tình cảnh éo le của hàng trăm người ở “ốc đảo Việt kiều” ven bờ hồ Dầu Tiếng, những người đã trở về Việt Nam sinh sống hơn 20 năm nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa thể nhập cư vì giấy tờ chưa đầy đủ.

Từ thị trấn Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), vượt qua những cánh rừng cao su đang mùa cạo mủ xanh um, chúng tôi phải rất vất vả mới tìm đến nơi định cư của những con người không quốc tịch ở xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).

Đón tiếp chúng tôi, ông Trịnh Văn Minh, 53 tuổi, cho biết gia đình ông gốc dưới miền Tây nhưng không biết chính xác ở đâu, vì từ thời ông nội ông đã sinh sống ở Biển Hồ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông cùng gia đình vượt Biển Hồ xuôi dòng Mê Công tìm về cố hương. Rồi cũng vì mưu sinh, ông cùng nhiều gia đình khác lưu lạc lên vùng thượng nguồn sông Sài Gòn này, ở cho tới ngày nay. Bản thân ông, do sinh ra và lớn lên trên lãnh thổ nước bạn nên không được cấp giấy tờ.

Nhưng 3 người con của ông dù sinh ra và lớn lên trên lãnh thổ Việt Nam cũng không ai có giấy tờ. Người con cả sau khi mượn được chứng minh của một người bạn đã xuống Thủ Dầu Một làm công nhân, lấy vợ và sinh cậu con trai được 2 tuổi. Cháu nội ông cũng không có giấy tờ tùy thân hay giấy khai sinh vì cha là người vô gia cư. Con dâu ông khi đồng ý về làm dâu cũng chấp nhận không đăng ký kết hôn vì cha con không có giấy tờ, chính quyền không xác nhận.

Ở cái xóm nhỏ bé với hơn 80 nóc nhà, đó là tình cảnh chung của tất cả mọi người chứ không riêng gì gia đình ông Minh. Mọi người đều bị chính quyền địa phương xã Minh Hòa coi là cư dân hợp pháp. Những đứa trẻ chúng tôi gặp không có giấy tờ tùy thân, quốc tịch rõ ràng khiến các em chịu nhiều thiệt thòi.

Theo số liệu thống kê, hiện nay ở vùng biên giới phía Tây Nam Tổ quốc có tới vài ngàn người đang sống trong hoàn cảnh ấy. Ngoài ra, do cuộc sống ở Việt Nam ngày một tiến bộ hơn so với vùng Biển Hồ (Campuchia) nên nhiều gia đình Việt kiều đang ngày đêm tìm cách hồi hương, nhất là trong mùa nước nổi như hiện nay.

Phải chăng chính quyền địa phương nên có biện pháp linh động để không chỉ tạo công ăn, việc làm mà còn cả những thủ tục pháp lý để những người dân cơ cực đó thực sự có một cuộc sống hạnh phúc trên chính quê hương mình, để những đứa trẻ sinh ra trên đất nước Việt Nam không còn là những Việt kiều không quốc tịch.

Các tin khác