Sinh ra và lớn lên tại Thốt Nốt - Cần Thơ, quê hương của những cánh đồng lúa bạt ngàn, nên Nguyễn Thiện Tâm gắn bó với ruộng đồng. Từ hơn 20 năm trước, ông vào đời, lập nghiệp bằng cách cùng với vợ mới cưới khăn gói lên đường khai phá vùng đất mới tại huyện Tri Tôn, An Giang.
Lập thân: Tay trắng
Đó là một vùng đất hoang hóa, toàn năn, lác và lau sậy. Vợ chồng ông phải làm việc cật lực, có lúc phải đốt đèn đào đất cả ban đêm để xổ phèn hoặc dẫn nước sạch vào đồng cứu những thửa ruộng vừa mới sạ xong. Ngày đội nắng, đội mưa, tối ngủ nóp, vậy mà trời chẳng trả công.
Trước tình cảnh đó, nhiều người đã cuốn gói ra đi vì không chịu nổi muỗi mòng, thiếu thốn. Nhưng vợ chồng ông vẫn bám trụ. Lúc đó gia đình còn quá khó khăn nên ông phải tranh thủ chạy xe ôm để có tiền mua sách vở và tài liệu về tự mày mò nghiên cứu.
Sau khi nắm bắt được kỹ thuật canh tác vùng đất khắc nghiệt này, ông đã dùng hết số tiền dành dụm vào việc đào kênh xổ phèn, đắp đê ngăn lũ và chọn giống lúa cao sản ngắn ngày gieo cấy. Qua vài vụ, cây lúa chịu đất, đã bắt đầu xanh um, trĩu hạt, ông phấn khởi không sao tả xiết.
Noi gương ông, mọi người đồng loạt đào kênh mương, chọn giống tốt, mạnh dạn đưa khoa khọc kỹ thuật vào ruộng đồng. Nhờ vậy năng suất tăng dần, từ 10-15 giạ/công lên đến 20-25 giạ/công. Với tình yêu ruộng đồng, coi ruộng đồng như máu thịt, ngày nắng cũng như mưa, ông Tâm đều có mặt ngoài đồng, quyết tâm biến vùng đất hoang hóa thành những mùa vàng.
![]() |
Ông Nguyễn Thiện Tâm và sản phẩm lúa giống xác nhận. |
Để “làm chắc, ăn chắc”, ông tiếp tục lặn lội “tầm sư học đạo”. Nhờ vậy, sau nhiều năm cày xới ông đã nắm bắt được chân lý: “Muốn đất trả ơn người chỉ có cách đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng và chọn giống tốt để canh tác”. Với tầm nhìn đó, ông đã tích cực đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Với quyết tâm học hỏi kỹ thuật sản xuất tiên tiến, ông đã được nhiều cán bộ và chuyên gia ở Trường Đại học Cần Thơ và Viện Lúa ĐBSCL hết lòng giúp đỡ. Ngành nông nghiệp An Giang tạo điều kiện cho ông tham dự nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa giống. Ngoài ra, ông còn dự các lớp về quản lý kinh tế tại Trường Đại học An Giang, nên lần hồi tiếp thu được những kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất lúa giống.
Sau 15 năm gắn bó với ruộng đồng, thấu hiểu sâu xa về cuộc sống bà con nông dân, ông muốn làm một việc thiết thực góp phần xây dựng nông thôn trong thời kỳ đổi mới. Từ ý nghĩ đó, sang năm 2005, ông thành lập Công ty TNHH Giống cây trồng Bình Minh, trụ sở đặt tại xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Công ty ra đời đúng lúc ngành khuyến nông đứng ra tổ chức nhiều lớp dạy làm giống cộng đồng nên ông đã dốc sức tìm tòi, học hỏi, từng bước đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, chọn phương pháp canh tác tối ưu giúp bà con giảm hao hụt và tăng năng suất.
Lập nghiệp: Công ty cây giống
Tuy không có học vị như những người khác khi gầy dựng doanh nghiệp, nhưng lúc nào ông cũng quan tâm đến việc thu phục nhân tài, coi nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển doanh nghiệp của mình. Khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép các công ty có đủ điều kiện nhân giống siêu nguyên chủng, ông đã cử hẳn 3 nhân viên có trình độ đại học đến Viện Lúa ĐBSCL học cách giữ giống gốc và nhân giống.
Tính đến nay công ty đã quy tụ được một đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và đầy tâm huyết với nhiều người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư. Nhận thức được vùng Tứ giác Long Xuyên đang khát giống, ông đã nắm bắt thời cơ, triển khai kế hoạch sản xuất giống.
Việc làm của ông đã được UBND, Trung tâm Khuyến nông và Hội Nông dân tỉnh An Giang tích cực hỗ trợ. Ông Trần Văn Cứng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang, đã đánh giá cao hoạt động của công ty và đề nghị ông phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân để ngày càng tăng thêm số lượng lúa giống tốt phục vụ sản xuất.
![]() |
Ảnh minh họa: Festival Lúa gạo Việt Nam 2009. |
Ngoài việc trực tiếp sản xuất, ông Tâm còn liên kết với bà con nông dân cùng sản xuất lúa giống theo phương thức công ty cử người đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật và sẵn sàng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Với cung cách làm ăn rõ ràng, minh bạch, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa hai bên nên bà con nông dân yên tâm ký kết hợp đồng với công ty ngày càng đông.
Từ một nông dân cần cù lao động, dám nghĩ dám làm, ông Nguyễn Thiện Tâm đã từng bước đưa công ty phát triển vững chắc. Nguyện vọng của ông là tiếp tục nghiên cứu áp dụng quy trình sản xuất lúa gạo theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn GlobalGap. Ông đã có sáng kiến ngâm giữ lúa giống dưới nước bằng cách cho lúa vào bao nylon, hút ép chân không rồi dìm xuống lòng sông bảo quản lâu đến 24 tháng.
Giờ đây ông đã có trong tay 30ha đất sử dụng cho việc khảo nghiệm giống mới và trên 500ha của các hộ nông dân liên kết sản xuất lúa giống, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 4.000 tấn lúa giống, đạt doanh thu trên 20 tỷ đồng.
Doanh nghiệp: Gắn với cộng đồng
Trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh quyết liệt hiện nay, ông Tâm cho rằng chỉ có giống và kỹ thuật mới là nhân tố quyết định giá trị hạt gạo xuất khẩu. Tuy tuổi đời mới hơn 40, nhưng nhiều người đã coi ông là doanh nhân thành đạt, “lão nông tri điền” trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh lúa gạo.
Từ ngày Công ty Giống cây trồng Bình Minh ra đời đến nay, ông đã hỗ trợ hàng ngàn nông dân có cơ hội làm giàu hoặc khá lên nhờ thay đổi tập quán canh tác cổ truyền. Đến đầu năm 2011 ông đã xây dựng được hệ thống phân phối với hàng trăm đại lý ở khắp ĐBSCL.
Thị trường tiêu thụ mở rộng ra tới Bình Thuận, Ninh Thuận và nước bạn Campuchia. Từ hiệu quả và cung cách làm ăn ngày càng có uy tín, nên đầu năm 2011 Công ty Giống cây trồng Bình Minh đã ký kết thêm hợp đồng sản xuất lúa giống cho các đối tác tại Thái Lan.
Bằng lao động bền bỉ, giàu bản lĩnh và hết lòng cống hiến, ông Nguyễn Thiện Tâm đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý: danh hiệu “Bạn nhà nông” do Bộ Công Thương trao tặng; giải thưởng “Bông lúa vàng” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” của Cục Trồng trọt. |
Do thành tích đạt được trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ông đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Dịch vụ nghiên cứu sản xuất nông nghiệp Núi Tô - An Giang. Đây là công ty chuyên sản xuất, chế biến lúa giống và các hạt giống nông nghiệp; thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo; sản xuất kinh doanh phân bón NPK và mua bán thuốc bảo vệ thực vật.
Mong mỏi lớn nhất của ông hiện nay là làm sao cho tất cả bà con sử dụng giống chất lượng cao. Cũng như nhiều người quan tâm đến đời sống cộng đồng, ông ước mơ một ngày nào đó, nhân dân ta được uống nước sạch, ăn rau sạch, cá sạch và hạt gạo trong lành, hoàn toàn không bị nhiễm hóa chất. Chính vì vậy, ông đang kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tham gia vào dự án “Canh tác lúa ít phát thải khí nhà kính”.
Đó là một dự án quan trọng, ngoài việc duy trì sản xuất lúa bền vững còn nhằm mục đích cải thiện chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Tâm bộc bạch, niềm tự hào và hạnh phúc lớn nhất của ông là làm sao thương hiệu lúa giống Bình Minh được nhiều người biết đến, nông dân chuyển dịch đúng hướng trong sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân không ngừng cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc đi lên.
Ngoài biệt danh “Vua lúa giống miền Tây” và “Tỷ phú chân đất”, ông Nguyễn Thiện Tâm còn được nhiều người biết là một nhà hảo tâm. Ông đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây cầu, cất trường và hỗ trợ cho người nghèo cô đơn, đặc biệt là nông dân nghèo chưa đủ điều kiện sản xuất.