Larry Fink - “ông vua” nắm giữ 10.000 tỷ USD

(ĐTTCO) - Larry Fink, CEO của BlackRock Inc., hiện đang quản lý khoảng 10.000 tỷ USD cho các quỹ hưu trí, quỹ tài trợ, chính phủ, công ty và cá nhân, bằng hơn 10% tổng GDP của thế giới năm 2020. BlackRock là 1 trong 3 cổ đông lớn nhất của hơn 80% công ty trong chỉ số S&P 500. Với quy mô tài sản và phạm vi hoạt động này, BlackRock được xem là ngân hàng ngầm lớn nhất thế giới.

Larry Fink - “ông vua” nắm giữ 10.000 tỷ USD
Người quyết định các công ty lớn
Là người quản lý cho hàng triệu nhà đầu tư, BlackRock nắm giữ quyền biểu quyết của cổ đông lớn. Trong số hàng ngàn phiếu bầu của cổ đông gần đây, BlackRock đã sử dụng lá phiếu làm lung lay HĐQT của Toshiba Corp., bầu ra 3 thành viên HĐQT tại Exxon Mobil Corp. và phản đối gói trả lương điều hành tại AT&T Inc. Năm 2012, BlackRock đã phát hành bức thư đầu tiên trong số những bức thư hàng năm của ông Fink gửi CEO hàng loạt công ty, yêu cầu “phải đọc”.
Thông qua những lá thư này, Fink yêu cầu các công ty tiết lộ nhiều hơn về cách họ quản lý người lao động, môi trường và cộng đồng nói chung; đồng thời “nắn” các công ty phải đi đúng hướng như ông mong muốn. Những lá thư này dần trở thành mệnh lệnh ngầm với doanh nghiệp toàn cầu. 
Thực ra, từ năm 2019 những lá thư của ông đã thu hút sự chú ý của quan chức Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), Bilal Sayyed, người đã cho các đồng nghiệp tại cơ quan chống độc quyền xem một số bức thư, yêu cầu họ suy nghĩ về việc liệu BlackRock có ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trong các ngành công nghiệp hay không. FTC sau đó đã đề xuất một quy tắc. Theo đó, người quản lý tiền phải thông báo cho các nhà quản lý các hoạt động của mình một cách cụ thể. Tuy nhiên, đề xuất này hiện vẫn đang trong tình trạng lấp lửng, tức Fink vẫn mặc nhiên tự tung tự tác.

Chống đỡ cho chính phủ
Với quy mô khổng lồ của BlackRock, các quan chức chính phủ Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Fink giúp họ đối phó với các cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng thị trường tài chính năm 2008-2009 đến đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3-2020. Cụ thể, vào tháng 3-2008, BlackRock đã nhận được yêu cầu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tham gia đối phó với bong bóng nhà đất giảm phát.
Theo đó, Chủ tịch Fed New York Tim Geithner và Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson đã nhờ ông Fink giúp đỡ việc ngăn chặn sự sụp đổ có khả năng gây hiệu ứng domino của Bear Stearns. Cả 2 vị lãnh đạo này đang tuyệt vọng tìm giải pháp trước khi thị trường châu Á mở cửa trong vài giờ. Fink đã chạy từ trang trại của mình đến Fed New York sau khi nhận được cuộc gọi từ Geithner vào ngày hôm đó.
Các quan chức muốn Bear được JPMorgan Chase & Co. tiếp quản, nhưng JPMorgan lo lắng tài sản thế chấp của Bear có thể nhanh chóng trở thành giấy lộn. Geithner và Paulson hỏi Fink: “Nếu Fed cung cấp tài chính cho một công ty mới thành lập có khả năng hấp thụ tài sản xấu của Bear, liệu có cơ hội để tài sản thế chấp có thể trang trải khoản vay không?”. Ông Fink nói với họ rằng những người nộp thuế ở Mỹ sẽ không mất tiền về lâu dài.
Các quan chức Mỹ đã chuyển các tài sản có vấn đề vào một công ty trách nhiệm hữu hạn do Fed tài trợ, để JPMorgan có thể thoải mái tiếp quản Bear. BlackRock đã giúp chọn những tài sản nào được đưa vào danh mục đầu tư của LLC và giám sát nó cho chính phủ. Chương trình đó cuối cùng đã mang lại lợi nhuận cho người nộp thuế. “Larry là người hoàn hảo cho công việc này. Không ai hiểu rõ thị trường hơn, và BlackRock đã không đứng trước bờ vực” - ông Paulson nhớ lại. 
Vào ngày 18-3-2020, khi coronavirus lan rộng, cổ phiếu giảm giá và giao dịch trái phiếu nóng bỏng, ông Fink nhận được lệnh triệu tập với Washington. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã tổ chức cuộc họp tại phòng Bầu dục, hy vọng cuộc trò chuyện sẽ giúp chính phủ định hướng được quy mô phản ứng của mình. Lúc đó, Tổng thống Trump và các quan chức đã tranh luận về những gì cần phải làm và làm như thế nào. Họ thảo luận về việc chính phủ nên chi bao nhiêu để giữ cho nền kinh tế phát triển. "Hàng ngàn tỷ" - ông Fink nói.
Và khi chính phủ Mỹ đã công bố gói 2.000 tỷ USD, một phần để tài trợ cho nỗ lực khẩn cấp nhằm hỗ trợ thị trường tài chính. Vai trò chính thức của BlackRock không được thảo luận tại cuộc họp, nhưng ngay sau đó Fed đã thuê một đơn vị của BlackRock để giúp bơm tiền vào trái phiếu doanh nghiệp và các thị trường khác.
Thị trường ổn định và các quỹ ETF trái phiếu nhận được sự chấp thuận như một công cụ của Fed. Một phần nhiệm vụ của BlackRock là giúp Fed mua các quỹ giao dịch trao đổi trái phiếu, bao gồm cả quỹ của BlackRock. Trong quá trình gấp rút đối đầu với cuộc suy thoái sâu, Fed đã không trực tiếp làm,  chỉ đơn giản là thuê BlackRock. 

Một tay gây dựng cơ đồ
Larry Fink sinh tháng 11-1952. Ông lớn lên tại Van Nuys, khu vực gần với thung lũng San Fernando tại thành phố Los Angeles. Ông bắt đầu kinh doanh ở Phố Wall tại First Boston, nơi ông điều hành một bàn tập hợp các khoản thế chấp và các khoản vay khác và bán bớt các phần của gói. Khi lãi suất giảm vào năm 1986, nhóm làm việc của ông mất 100 triệu USD, ông buộc phải rời đi. 2 năm sau, ông thành lập BlackRock cùng với Rob Kapito, nhà kinh doanh chính của ông khi trước và 6 người khác. Trong những ngày đầu thành lập, BlackRock thu hút các nhà đầu tư với công nghệ rủi ro tương tự như các ngân hàng lớn, nhưng không có xung đột khi họ sử dụng tiền của mình để đặt cược vào các công ty. 
Trong phần lớn sự nghiệp của mình, ông Fink được biết đến với việc đến văn phòng lúc 6 giờ sáng, trong khi đi du lịch 2 tuần mỗi tháng. Bây giờ ông Fink bắt đầu ngày làm việc vào khoảng 7:30 sau buổi học với một huấn luyện viên để điều trị bệnh đau lưng. HĐQT và giám đốc điều hành của BlackRock, trong khuôn khổ các cuộc thảo luận về việc lập kế hoạch kế nhiệm, gần đây đã đề nghị ông Fink tiếp tục làm giám đốc điều hành. Ông cho biết có kế hoạch nghỉ hưu trong vòng 5 năm tới. 
 Dù có tài năng vượt trội, Fink không được nhiều người yêu mến do tính tự phụ của ông. Tuy nhiên, Phố Wall lại thích người tài năng hơn là người khiêm tốn.

Các tin khác