'Lật tẩy' thành tích xử lý nợ xấu của VAMC

(ĐTTCO) - Thanh tra Chính phủ mới đây đã thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng.
Ảnh: NGUYỄN HOÀNG DƯỠNG
Ảnh: NGUYỄN HOÀNG DƯỠNG

Có nhiều nội dung đáng lưu ý trong kết luận thanh tra này, tuy nhiên những vấn đề ẩn sâu bên trong hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) mà thị trường chưa nhìn thấy.

Hàng loạt khuyết điểm, thiếu sót, hạn chế được chỉ ra

VAMC được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Nghị định 53/2013 ngày 18-5-2013 của Chính phủ, để thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu theo Đề án 843. Trong giai đoạn 2013-2017, hoạt động chủ yếu của VAMC là mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) có thời hạn theo phê duyệt của NHNN.

Đến cuối năm 2017, VAMC đã mua 26.274 khoản nợ của 16.835 khách hàng tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 309.711 tỷ đồng, giá mua nợ bằng TPĐB là 279.255 tỷ đồng. Sự phối hợp của VAMC với các TCTD đã góp phần trong việc đưa nợ xấu toàn ngành NH tại thời điểm 31-12-2017 về mức dưới 3%.

Song kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nêu lên nhiều vấn đề bất cập trong hoạt động mua nợ của VAMC. Về cơ bản, VAMC xây dựng kế hoạch mua nợ xấu của các TCTD khi căn cứ vào: Nghị định 53/2013 của Chính phủ, Thông tư 19/2013 của NHNN và các quy định có liên quan; số liệu theo dõi nợ xấu của các TCTD tại Cơ quan Thanh tra giám sát NH; nhu cầu bán nợ xấu của các TCTD có trình Thống đốc NHNN phê duyệt.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, việc tổng hợp, đánh giá tỷ lệ nợ xấu của TCTD chủ yếu được tổng hợp trên cơ sở thông tin trao đổi bằng điện thoại giữa VAMC và Cơ quan Thanh tra giám sát NH. Điều này chưa đảm bảo tính minh bạch, khách quan, thiếu các văn bản, tài liệu pháp lý để chứng minh.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc chấp hành quy định về điều kiện tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu bán cho VAMC cũng chưa được tuân thủ tuyệt đối. Kiểm tra 13 hồ sơ mua nợ bằng TPĐB tại VAMC, thanh tra phát hiện có một số bất cập, thiếu sót, vi phạm. Một số TSBĐ tại thời điểm bán nợ cho VAMC chưa đáp ứng điều kiện mua nợ, đó là tài sản phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ theo quy định của Thông tư 19/2013.

Đơn cử như hồ sơ khoản nợ của Công ty TNHH Phúc Quang Hồng Anh tại BIDV; hay hồ sơ khoản nợ nhóm khách hàng CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C, CTCP Tư vấn ĐTXD & TM Minh Quân, CTCP Đầu tư Liên Phát, CTCP Tân SUPERDECK - M&C tại MSB…

Nội tại có vấn đề, nhưng lâu nay VAMC vẫn miệt mài báo cáo thành tích về sự tích cực trong xử lý nợ xấu, tái cấu trúc tài sản cho các NH.

Một số TSBĐ của khoản nợ xấu tại thời điểm bán nợ cho VAMC chưa được định giá bởi tổ chức thẩm định giá độc lập. Như khoản nợ của CTCP Đầu tư y tế Việt Nam tại BIDV; khoản nợ của Công ty TNHH Hùng Vương Huế tại BacABank; khoản nợ của CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An.

Đặc biệt, khoản nợ của CTCP Đầu tư tài chính Á Châu tại Sacombank thời điểm cho vay không có TSBĐ (vay tín chấp). Tuy nhiên, đến thời điểm bán nợ cho VAMC, TCTD và khách hàng ký bổ sung TSBĐ giá trị 2 tỷ đồng/giá trị khoản vay 90,3 tỷ đồng, nhưng vẫn được xác định là đáp ứng điều kiện có TSĐB để bán nợ cho VAMC. Đồng thời, kiểm tra pháp lý TSBĐ của 38 hồ sơ mua nợ xấu bằng TPĐB tại 6 TCTD, tương ứng với mệnh giá TPĐB được tái cấp vốn là 11.538 tỷ đồng, thì phát hiện 34 hồ sơ mua nợ xấu tại thời điểm bán nợ cho VAMC có vi phạm.

Trong đó 20 hồ sơ có TSBĐ không còn đầy đủ tính hợp pháp, hợp lệ về điều kiện mua nợ xấu bằng TPĐB; 14 hồ sơ có chứng thư/biên bản thẩm định giá TSBĐ đã hết hiệu lực nhưng chưa được định giá lại hoặc TSBĐ chưa được định giá. Điều này ảnh hưởng đến việc xác định giá trị khấu trừ của TSBĐ khi trích lập dự phòng rủi ro cụ thể, phản ánh không đúng giá mua khoản nợ và mệnh giá TPĐB dùng để vay tái cấp vốn.

Đáng chú ý, năm 2014-2015, VAMC mua 5 khoản nợ của LPBank, dư nợ gốc là 1.032 tỷ đồng, nhưng các khoản nợ này chưa phải là nợ xấu theo quy định tại Nghị định 53/2013 của Chính phủ. Các khoản nợ VAMC mua nêu trên đã được VAMC và NH này tất toán vào năm 2018.

Bên cạnh đó, việc theo dõi thu hồi nợ xấu của VAMC chưa sát, để ABBank thu nợ nhưng không nộp kịp thời vào tài khoản của VAMC. Một số TCTD vi phạm quy định về mua, bán nợ bằng TPĐB nhưng VAMC chưa xử lý và kiến nghị NHNN xử lý theo thẩm quyền.

VAMC không hoàn thành vai trò?

Không chỉ dừng lại ở những vấn đề nêu ở trên, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra một số vấn đề khác diễn ra trong hoạt động mua nợ theo giá thị trường của tổ chức này. Việc mua nợ theo giá thị trường thực hiện từ tháng 8-2017 là chậm so với quy định tại Thông tư 19/2013. Hơn nữa, quá trình mua nợ vẫn chưa tuân thủ đúng, đủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về giá và thẩm định giá tài sản, quy trình mua bán nợ.

Đơn cử, VAMC mua khoản nợ của CTCP Địa ốc thương mại và Xây dựng Thành Ngọc không đúng phương án NHNN phê duyệt. VAMC không đánh giá sơ bộ khoản nợ và lập phương án mua nợ sơ bộ theo quy trình mua, bán nợ đối với khoản nợ của CTCP Thuận Kiều tại Vietinbank. Tổ chức này cũng ủy quyền cho Sacombank nhận thế chấp TSBĐ không đủ điều kiện đối với khoản nợ của CTCP Hoàn Cầu Khánh Hòa và Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang.

Khi bán khoản nợ của Công ty TNHH Việt Thuận Thành tại Agribank, VAMC không thuê tư vấn thẩm định, xác định giá khởi điểm và sử dụng kết quả thẩm định giá không đúng quy định tại Luật giá; thực hiện chưa đầy đủ quy trình quản lý, xử lý khoản nợ theo quy định của VAMC…

Hoạt động miễn giảm lãi vay cho khách hàng cũng phát hiện các trường hợp không được thực hiện đúng nguyên tắc. Từ năm 2013-2018, VAMC đã miễn giảm lãi vay cho 1.062 khách hàng, số tiền lãi 2.669 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra 18 hồ sơ miễn, giảm lãi cho khách hàng (VAMC thực hiện 5 hồ sơ; TCTD thực hiện 13 hồ sơ) với tổng số tiền miễn, giảm lãi vay là 614,65 tỷ đồng.

Kết quả phát hiện, việc miễn giảm lãi cho 5 khách hàng với số tiền là 81,24 tỷ đồng, là các khách hàng không có phương án trả nợ, không có phương án cơ cấu lại tài chính, hoạt động khả thi không đáp ứng điều kiện giảm lãi theo quy định; 1 khách hàng được miễn giảm lãi số tiền 87,65 tỷ đồng khi chưa có ủy quyền của VAMC; 8 trường hợp hồ sơ miễn giảm lãi chưa đầy đủ theo quy định.

Có thể thấy, hầu như ở mỗi khâu hoạt động, VAMC đều có hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm và “làm ngơ” các quy định trong một số vấn đề. Còn nhớ hồi năm 2019, báo cáo Kiểm toán Nhà nước cũng đã từng nêu về việc VAMC chưa thực hiện vai trò trong việc mua nợ và xử lý nợ xấu: VAMC đã không thẩm định giá mua; không kiểm tra, đánh giá khách hàng vay… và xử lý nợ xấu sau khi mua chủ yếu thông qua việc ủy quyền lại cho các TCTD bán nợ.

Nội tại có vấn đề, nhưng lâu nay VAMC vẫn miệt mài báo cáo thành tích về sự tích cực trong xử lý nợ xấu, tái cấu trúc tài sản cho các NH.

Các tin khác