Hồi tháng 4, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia EU đã đồng ý lệnh cấm vận than của Nga trong động thái đầu tiên của họ nhắm vào mục tiêu xuất khẩu năng lượng quan trọng của nước này.
Biện pháp này phải chịu thời gian gia hạn 120 ngày trước khi thực hiện đầy đủ, để cho phép các hợp đồng đã có từ trước được thực hiện.
Cho đến năm ngoái, EU đã nhập khẩu khoảng 45% lượng than, ước tính trị giá khoảng 4 tỷ euro (4,1 tỷ USD) từ Nga.
Nhìn chung, EU đã cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm này từ 1,2 tỷ tấn xuống còn 427 triệu tấn từ năm 1990 đến năm 2020 khi thúc đẩy đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Nhưng việc đóng cửa nhiều mỏ trên khắp lục địa đã khiến châu Âu gia tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Một số quốc gia bao gồm Đức và Ba Lan sử dụng than để sản xuất điện nên đặc biệt phụ thuộc vào Moskva.
Đối mặt với việc nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt giảm trong những tháng gần đây, các thành viên EU như Đức, Áo, Hà Lan và Italya đã tăng cường sử dụng các nhà máy nhiệt điện than.
Mặt khác, một kế hoạch của EU để cắt giảm 15% lượng sử dụng khí đốt tự nhiên do giá tăng cao đã có hiệu lực từ ngày 9/8.
Theo nhà phân tích năng lượng Rystad, trong 5 tháng đầu năm 2022, lượng điện mà Đức sản xuất từ than đá đã tăng 20%.
Lệnh cấm vận đối với Nga đã thúc đẩy EU đẩy mạnh nhập khẩu từ các nguồn khác, bao gồm Mỹ, Australia, Nam Phi và Indonesia.
Nhưng việc chấm dứt nhập khẩu than của Nga đã tỏ ra phức tạp đối với Ba Lan, một quốc gia khai thác truyền thống, nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn từ Moskva mỗi năm.
Chính phủ Ba Lan đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu than của Nga vào giữa tháng 4, gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng và giá tăng vọt. Giá một tấn than ở Ba Lan đã tăng gấp bốn lần so với một năm trước, dẫn đến các cuộc phản đối từ ba triệu người Ba Lan vẫn sử dụng than để sưởi ấm.
Các nhà chức trách theo chủ nghĩa dân túy đã phản ứng bằng cách giới hạn giá và phân chia khẩu phần mua hàng trong bối cảnh lo ngại về việc nhiều người sẽ không được sưởi ấm trong mùa Đông sắp tới.
Nhưng những hứa hẹn tăng xuất khẩu từ các nguồn khác đã bị cản trở do cơ sở hạ tầng đường sắt và cảng của Ba Lan thiếu năng lực để xử lý khối lượng hàng hóa lớn hơn.