Ngành logistics thường đóng góp đến 14-15% GDP của một quốc gia phát triển nhưng tại Việt Nam mới chiếm 4-5%. Chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành này là chưa nhiều.
Ý tưởng kinh doanh
![]() |
Anh Nguyễn Hoàng Khang. |
Cơ hội đang chia đều cho tất cả, nếu có cạnh tranh cũng không đến mức quá khốc liệt. Nhận định như vậy, tôi xác quyết: “Mình sẽ khởi nghiệp với ngành logistics”.
Tôi ước mơ trở thành doanh nhân từ khi còn là học sinh trung học và đã quyết định chọn chuyên ngành quản trị kinh doanh khi vào đại học. Từ năm thứ 2, thấy một số bạn trong lớp đã mở công ty riêng khiến tôi nôn nao bước vào thương trường.
Chỉ với gần chục triệu đồng tích lũy được từ việc dạy kèm, làm nhân viên tiếp thị, bán hoa, gấu bông…, tôi băn khoăn: “Thành lập một công ty, rồi sẽ làm gì với số vốn quá mỏng, khách hàng không có, kinh nghiệm cũng không nốt?”. Thế nên tôi tiếp tục củng cố chuyên môn ở nhà trường, đồng thời làm thêm để tích lũy tiền bạc. Và quan trọng nhất là học cách quan sát, phân tích những thành công lẫn thất bại của những người khởi nghiệp.
Tốt nghiệp năm 2005, tôi được nhận vào làm tại bộ phận logistics, phụ trách hoạt động giao nhận, kho bãi của Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL). Ban đầu, chỉ nghĩ rằng đây là một công việc đơn thuần để kiếm tiền nhưng tôi vẫn làm việc rất nghiêm túc. Sau khoảng nửa năm, tôi thấy được những bất cập là cứ đến mùa cao điểm lễ, tết là công ty khó tìm ra xe chuyên chở, kho vận thiếu trầm trọng.
Nhưng khi tự lập ra một bản đồ về kho và mạng lưới các nhà xe, tôi mới phát hiện ra nhiều khi đây chỉ là những đợt sốt ảo vào những ngày đầu mùa cao điểm. Đến giữa mùa, mặc dù nhu cầu tìm xe và kho vẫn rất lớn nhưng nhiều nhà xe, chủ kho lại không có khách. Khi nhu cầu cất trữ tăng đột ngột trong mùa thấp điểm, đi tìm kho lại không ra, dù nhiều chủ kho than vãn phải để kho trống rất nhiều.
Tình trạng này hiện vẫn đang diễn ra, cho thấy sự lãng phí nhiên liệu, cơ hội kinh doanh và ảnh hưởng không ít đến sự phát triển toàn ngành. Vấn đề cốt yếu ở đây không phải là cung cầu, mà là thiếu hụt một kênh thông tin để kết nối các bên với nhau. Ý tưởng lập một website để các chủ xe, chủ kho đăng thông tin bắt đầu hình thành trong suy nghĩ của tôi.
Đầu năm 2007, thông qua những buổi giao lưu, trao đổi ý tưởng với bạn bè, tôi gặp được anh Lê Đức Quyết, một lập trình viên đã làm việc tại nhiều quốc gia. Khi đó anh Quyết có ý tưởng lập một website để những chủ xe sau khi hoàn tất chiều đi của mình nếu xe còn trống có thể đăng tải thông tin để tìm hàng cho chiều về. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nhiều chuyến hàng mặc dù chỉ chuyển một chiều đi nhưng lại bị tính tiền thêm chiều về do rất nhiều xe phải quay về bằng xe không.
Theo thống kê từ một số hãng vận tải lớn cho thấy cứ khoảng 100 chuyến xe chở hàng đi, có đến 30-40 chuyến quay về bằng xe không. Người có ý tưởng kết nối “xe đi” gặp người dự định hỗ trợ “xe về” có thể gọi là cơ duyên đặc biệt, nhưng cũng phải mất gần 2 tháng bàn bạc, trao đổi và tìm hiểu lẫn nhau, chúng tôi mới quyết định hợp tác. Sau đó, tôi và anh Quyết tiếp tục tìm kiếm thêm những đồng sự trong các lĩnh vực pháp lý, marketing, kinh doanh… và phải đến giữa năm 2007 mới cơ bản hoàn thành đội ngũ nhân sự của mình.
Nắm bắt cơ hội
![]() ![]() |
Cả nhóm quyết định lấy tên “Letgo” với hàm ý luôn sẵn sàng đồng hành, cùng hướng về phía trước. Dự án mang tên “Letgo24” được đề xuất với mục tiêu hướng đến là một sàn giao dịch vận tải, hàng hóa và kho bãi. Nguồn thu là từ việc đăng tải thông tin và phí môi giới giao dịch.
Trong suốt năm 2008, tôi và các đồng sự đã tiến hành nghiên cứu tính khả thi và lập phương án kinh doanh. Đây là quãng thời gian khó khăn nhất của nhóm Letgo24 khi tất cả thành viên phải tập cách phân bổ thời gian cho công việc chính và cho cả dự án của riêng mình.
Những cuộc cãi vã xảy ra thường xuyên đã khiến một số thành viên chán nản. Đáng nhớ nhất có lẽ là cuộc tranh cãi giữa tôi và anh Quyết về giao diện website. Anh Quyết lập luận rằng giao diện càng đơn giản càng tốt, chủ yếu là nhiều thông tin. Tôi lại cho rằng một người bình thường khi truy cập vào website sẽ có ấn tượng bởi giao diện đẹp với màu sắc hình ảnh bắt mắt.
Đầu năm 2009, nhóm Letgo quyết định thành lập CTCP Thế giới Vận tải, với 3 mục tiêu: hoàn thiện website sàn giao dịch vận tải, tìm kiếm khách hàng và kêu gọi vốn đầu tư. 6 tháng sau đó, chúng tôi hoàn thiện giai đoạn 1 của website với các tính năng như cho phép các doanh nghiệp vận tải, các chủ xe đăng ký tài khoản và rao thông tin của mình, kèm theo đó là hệ thống tổng đài để thực hiện các giao dịch.
Truy cập vào www.letgo24.com, chọn vào mục “Tìm xe” có thể thấy được một danh sách các loại xe, trọng tải, lộ trình, giờ khởi hành, giá cả được liệt kê chi tiết. Theo đó, khi tìm được chiếc xe ưng ý, người truy cập sẽ điện thoại đến tổng đài của website và yêu cầu được giao dịch, tổng đài sẽ liên hệ với công ty vận tải để đăng ký. Nếu 2 bên đồng ý, giao dịch sẽ được thiết lập, tương tự khớp lệnh của giao dịch chứng khoán.
![]() |
Nhóm Letgo24 nhận giải nhì cuộc thi Nhân tài đất Việt 2010. |
Cho đến nay, tôi vẫn tiếp tục khuyến mại đăng thông tin về xe và kho bãi miễn phí, chỉ thu phí giao dịch từ 3-5% mỗi giao dịch. Thực hiện mục tiêu thứ hai còn khó khăn hơn nhiều, khi phải thuyết phục chủ xe, doanh nghiệp vận tải sử dụng một dịch vụ hoàn toàn lạ lẫm. Cho dù có ra sức giải thích rằng với cách làm này, cơ hội kết nối giữa chủ xe và người có nhu cầu vận chuyển cao hơn nhiều so với biện pháp truyền thống là ngồi chờ, hoặc chỉ dựa vào những mối quan hệ thuần túy, nhưng rào cản về tập quán kinh doanh vẫn quá lớn.
Khách hàng đầu tiên của tôi là một công ty vận tải tầm trung tại TPHCM, ban đầu họ cố gắng nghe tôi trình bày và cũng ghi nhận, nhưng sau đó lại tỏ ra dè dặt trong chuyện tham gia đăng tải thông tin. Lúc này, tôi cùng với các thành viên đã quyết định mỗi ngày sẽ cho người đến công ty này để lấy lịch trình các chuyến xe về đăng tải. Sau đó, một số đơn vị vận tải khác như Nhất Phong Vận, Bình Vinh… cũng sử dụng thử dịch vụ này nhưng không kỳ vọng nhiều lắm.
Song song đó, chúng tôi đưa website đến người sử dụng thông qua các trang mạng xã hội cũng như nhờ bạn bè giới thiệu. Khoảng 2 tháng sau, bộ phận logistics của những đại gia trong ngành thực phẩm, thức uống như AceCook, Coca-Cola, Pepsi… đã bắt đầu truy cập và thực hiện các giao dịch thông qua Letgo24. Thu hút nguồn cung, kích cầu đã ổn và tôi quyết định kêu gọi vốn đầu tư.
Dự án bài bản và mở rộng tầm nhìn
Sau hơn 1 năm vận hành và bước đầu thu được những kết quả nhất định đủ để trang
![]() ![]() |
trải các chi phí cho Letgo24, chúng tôi đã gửi dự án này tham gia cuộc thi Nhân tài đất Việt 2010, do Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức để ghi nhận những sáng kiến, ứng dụng có hiệu quả cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bưu chính - viễn thông.
Sau khi được tuyển chọn, đánh giá trong tổng số 200 dự án, chúng tôi vinh dự nhận được giải nhì. Năm 2011 chúng tôi đặt mục tiêu phải thu về ít nhất 1 tỷ đồng tiền phí cho các giao dịch vận tải và kho bãi, sau 6 tháng đầu năm đã hoàn thành hơn 50%.
Một dự án từ lúc thai nghén cho đến lúc bắt đầu tạo ra nguồn thu để trang trải chi phí thông thường phải mất 5 năm, năm thứ 1 ổn định nhân sự, năm thứ 2 kêu gọi vốn đầu tư, từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 tìm mọi cách để tồn tại và phát triển.
Khi số lượng khách hàng tăng dần đều theo mỗi tháng, để tiếp tục phát triển những tính năng tốt nhất của sàn giao dịch vận tải đầu tiên tại Việt Nam, chúng tôi cần nhiều hơn những nguồn vốn từ bên ngoài với 4 tiêu chí quan trọng nhất: tiềm lực tài chính, vị thế trong ngành vận tải, đầu tư dài hạn và phát triển của công ty.
2 năm nay, tôi thường xuyên tham gia những cuộc trò chuyện về khởi nghiệp với sinh viên trường cũ của mình là Đại học Tôn Đức Thắng và nhận thấy ước mơ khởi nghiệp, làm giàu luôn cháy bỏng trong mỗi sinh viên, mỗi người trẻ của Việt Nam. Trong những buổi nói chuyện này, tôi luôn cố gắng giải đáp những thắc mắc của các bạn về vấn đề khởi nghiệp như thế nào. Sự tự tin, chăm chỉ chưa đủ, theo tôi, muốn khởi nghiệp phải có dự án bài bản và có tầm nhìn. Quan trọng hơn nữa là cần phải tranh thủ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
Tôi kỳ vọng dự án của mình sẽ góp phần trong việc chuyên nghiệp hóa ngành logistics, liên kết được những doanh nghiệp vận tải, chủ xe tầm trung hoặc nhỏ để từ đó cạnh tranh với các đối tác nước ngoài một cách sòng phẳng.