(ĐTTCO) - Lì xì là phong tục không thể thiếu trong ngày Tết khi mọi người trao cho nhau những phong bao rực rỡ sắc màu và những lời chúc tốt đẹp. Nhưng đối với dân chứng khoán, lì xì còn có ý nghĩa rộng hơn cả về không gian lẫn thời gian.
Nói đến chuyện lì xì, một môi giới có gần chục năm trong nghề vẫn nhớ một khách hàng tại một công ty chứng khoán (CTCK) lớn đầu năm cầm xấp tiền 5 USD cứ gặp nhân viên của công ty là lì xì bất kể có quen hay không vào Tết năm 2007. Vào thời điểm đó, đối với dân chứng khoán ngày nào cũng là Tết, bởi sáng cứ lên sàn đặt lệnh là có lời, chiều tối người này lì xì buổi tiệc, người kia lì xì bữa nhậu. Vài năm gần đây, dân chứng khoán lì xì cho nhau hay cho nhân viên môi giới mỗi phong bì khoảng “vài trăm k” (tức vài trăm nghìn đồng). Theo “mặt bằng” thông thường mức này là khá “sộp”, nhưng với dân chứng khoán cũng chỉ là bình thường.
Thị trường chứng khoán (TTCK) ngày một khắc nghiệt và phân hóa, nên phần lớn những nhà đầu tư (NĐT) còn tồn tại đều có nhiều kinh nghiệm và một lượng tài sản tương đối khá. Hơn nữa, đối với môi giới, khoản hoa hồng theo doanh số mới quan trọng. Theo chia sẻ của một nhân viên môi giới mới vào nghề được 2 năm, việc được NĐT lì xì thể hiện sự gắn kết, tín nhiệm của khách hàng. Hiện tại không còn nhiều NĐT có thú vui lên sàn, còn nghề môi giới đôi khi khá “bạc”, có những người khi thắng nhờ sự tư vấn của môi giới lại cho mình là… Warren Buffett, còn lúc thua đổ thừa môi giới “xúi bậy”. Chưa kể, có những người tự đầu tư theo cách riêng hoặc theo nhóm bạn bè của mình và ít gắn bó với môi giới. Nên rõ ràng, đầu xuân có phong bao lì xì thì điều đáng quý nằm ở tình cảm giữa con người với nhau, vượt lên trên cả lợi ích, hay công việc.
Trưởng phòng môi giới một CTCK có vốn ngoại chia sẻ: Kể từ năm 2013 đến nay, mỗi năm anh đều nhận được một vài phong bì lì xì với số tiền từ 3-10 triệu đồng từ những khách hàng mà anh tư vấn đầu tư thành công, tài khoản tăng từ 1,5-2 lần trở lên. Tất nhiên những con số này không thể nhiều bằng giai đoạn hoàng kim 2006-2007, khi khách lãi lớn, môi giới cũng thu được hoa hồng, thậm chí các khoản đầu tư tương tự cũng có lãi. Nhưng phần lì xì cũng thể hiện sự tôn trọng của khách hàng đối với môi giới, nhất là những môi giới cao cấp. Tuy nhiên anh này cũng bật mí thêm, thực ra chuyện lì xì của dân chứng khoán đâu chỉ có ở ngày Tết mà còn có ở ngày thường.
Nhớ lại thời giao dịch ký quỹ (margin) chưa được luật hóa (trước năm 2011), khi đó việc NĐT mua chứng khoán nhưng thiếu vài chục triệu đồng (trên tổng số trăm triệu đồng) hay vài trăm triệu đồng (trên tổng số vài tỷ đồng) là bình thường. Lúc này, CTCK có thể cho NĐT “nợ” một buổi sáng hoặc ngày hôm sau đem tiền lên đóng, thậm chí nhân viên môi giới còn ứng tiền túi cho khách vay cũng là chuyện thường. Và khi khách đem tiền lên hoàn trả, việc rút vài triệu lì xì cho môi giới gọi là cảm ơn cũng rất bình thường. Hay như cách đây vài năm, hoạt động bán khống còn được triển khai “chui”, lỡ như khách VIP có mua phải CP giá cao, muốn sửa lại ngay trong phiên môi giới cũng cố gắng tìm được nguồn hàng để bán, rồi đến ngày CP của mình về đến tài khoản đem trả. Tất nhiên là với những môi giới nhiệt tình lăn xả như vậy sau mỗi thương vụ hay giao dịch, khách hàng không tiếc gì mà lì xì thật xứng đáng.
Những môi giới quản lý tài khoản cho khách VIP thường cũng nhận được rất nhiều khoản lì xì bất ngờ quanh năm. Chẳng hạn, một số doanh nhân mặc dù rất “máu” đánh chứng khoán nhưng lại rất bận đi nước ngoài hoặc họp hành liên miên. Ngồi xung quanh nhân viên hay cộng sự cũng khó lòng rút điện thoại hay máy tính ra để đặt lệnh, nên bắt buộc phải có môi giới ruột để cập nhật diễn biến thị trường cũng như đặt lệnh giao dịch. Một số khách hàng lớn, có tài khoản vài chục tỷ đồng nhưng ít lướt sóng, thích đầu tư dài hạn, hoặc chỉ mua khi thị trường giảm cũng cần phải có môi giới đáng tin cậy. Trong thực tế, quản lý tài khoản của nhóm khách hàng này tương đối áp lực vì tìm kiếm đã khó, giữ được còn khó hơn. Muốn như vậy, môi giới cần phải tư vấn những CP thật tốt hay những thời điểm thị trường điều chỉnh giảm mạnh đến đáy như hồi giữa tháng 5-2014, giữa tháng 5-2015 và cuối tháng 8-2015 khi VN Index tiệm cận vùng 510-520 điểm. Nhóm này tiền đã nhiều, chỉ cần giải ngân trúng một sóng lợi nhuận 20-30% trên số tiền vài chục tỷ đồng là cực khủng. Ngoài chuyện được lì xì nhờ tư vấn trúng, môi giới còn được lì xì bởi những lý do khác. Chẳng hạn, nếu khách hàng không thể hoàn tất các thủ tục giao dịch, môi giới phải đem giấy tờ đến tận nhà hay tận nơi làm việc của khách, tất nhiên sẽ được lì xì “vài chai” (vài triệu). Hoặc cũng có khi, trong một buổi tiệc, bữa nhậu khách hàng mời cả môi giới đến dự và nhờ vậy có thể gặp được nhiều khách hàng tiềm năng khác.
Cuối năm 2014, thông tin về việc một công ty trong ngành bán lẻ phát hành cổ phiếu (CP) ESOP (phát hành CP cho người lao động), dành cho gần 1.000 nhân viên với giá trị hơn 500 tỷ đồng đã khiến thị trường quan tâm. Quan tâm là bởi vì công ty này có chính sách rất hay, cấm tiệt việc nhân viên nhận tiền boa của khách hàng. Được biết doanh số được hưởng trên một chiến điện thoại bán ra của công ty này cũng chỉ tầm… 20.000 đồng đổ lại. Nhưng với chương trình ESOP này, rõ ràng công ty đã lì xì cho nhân viên vô cùng khôn ngoan. Ngoài chuyện tiền rõ ràng với cách làm này sẽ tăng tính gắn bó của nhân viên với công ty (CP ESOP thường gắn liền với thời gian làm việc và những điều kiện ràng buộc). Được thưởng một lượng CP kha khá, nhân viên cũng có được lượng tài sản nhất định, yên tâm cống hiến hết mình.
Hồi giữa năm 2015, trên mạng xuất hiện câu chuyện về người lái xe của một tỷ phú nổi tiếng tại châu Á. Dù chỉ làm một công việc bình thường, nhưng khi đến tuổi nghỉ hưu thì tích lũy được một số tiền kha khá nhờ khi lái xe đã nghe được sếp của mình nói mua CP nào, mảnh đất ở đâu. Cái này có thể gọi là lì xì… tin tức, giống kiểu cho cần câu, dạy cách câu chứ không cho con cá. Không biết tư tưởng lớn gặp nhau hay có sự sao chép nào ở đây hay không, mà vài tháng sau cũng có tin đồn về người tài xế liên quan đến sếp của một công ty niêm yết trong lĩnh vực đầu tư có quy mô lớn trên sàn. Theo tin đồn này người lái xe cũng nghe được CEO bàn luận qua điện thoại về việc mua bán CP như thế nào, và mỗi khi có gì mới thì “bắn tin” cho chiến hữu bên ngoài để hành động, chẳng hạn sếp nói qua điện thoại là mua thì mua theo, bán thì bán theo.
Người không có kinh nghiệm nghe qua câu chuyện chắc cũng nghĩ người tài xế này được lì xì, nhưng dân chứng khoán kỳ cựu, nhất là những người hiểu về công ty kể trên cũng như vị CEO nói trên lại phản ứng khác. Sau khi nghe xong câu chuyện (nói đúng hơn là tin đồn) họ ôm bụng mà cười, một người thậm chí thốt lên câu nói rất hay xuất hiện khi Bao Thanh Thiên xử án là: Hoang đường! Nói tóm lại, diễn biến của CP này rất “ảo”, biết đâu đó câu chuyện “lì xì” tin tức kể trên cũng “ảo” như vậy, là chiêu tung hỏa mù, hay một tin đồn nhảm vớ vẩn trên thị trường. Nói như một chuyên gia tài chính, ai đời dân chứng khoán lại đi tin lời dân… lái xe và ngồi đợi người khác lì xì những thứ hư ảo bao giờ.
Một vài câu chuyện liên quan đến lì xì thời nay bộc lộ rất rõ những đặc trưng của cách cho tiền từ lý trí đến cảm xúc, từ chặt chẽ đến tương đối, có cả sự nhân văn, nhưng cũng không thiếu những chiêu trò, niềm vui đi kèm với sự khắc nghiệt, thực ảo đan xen lẫn lộn…