Song theo nhiều đánh giá, khách từ TPHCM đến các địa phương vẫn nhiều hơn chiều ngược lại. Vậy đầu tàu có thực sự hưởng lợi?
Liên tục kết nối
Trong 2 ngày 14 và 15-11 đã diễn ra hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và và 8 tỉnh, TP vùng Tây Bắc mở rộng (Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái và Phú Thọ), với chủ đề liên kết phát triển bền vững. Hội nghị này nằm trong chuỗi 3 hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng trong tháng 11 của TPHCM. Tiếp đó vào ngày 19 và 20-11 tại Hạ Long với chủ đề kết nối tinh hoa, là hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh, TP vùng Đông Bắc (Bắc Cạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh). Cuối cùng, vào ngày 27 và 28-11 sẽ diễn ra hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh, TP vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế), với chủ đề dòng chảy tinh hoa.
Các hội nghị trên tập trung vào 5 nhóm nội dung chính: Công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Việc đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch vùng đã được TPHCM triển khai liên tục trong thời gian qua. Cụ thể vào cuối năm 2019, TPHCM đã triển khai liên kết hợp tác du lịch với 13 tỉnh ĐBSCL; giữa năm 2020 triển khai liên kết du lịch với 5 tỉnh Đông Nam bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh).
Đánh giá bước đầu về hiệu quả của những liên kết TPHCM là đầu tàu, bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết các sản phẩm đến các tỉnh ĐBSCL đã có nhiều đổi mới, trong đó đáng chú ý là 3 tour liên kết mới. Số lượng khách từ TPHCM đến 13 tỉnh ĐBSCL sau triển khai 3 tháng (trước khi có dịch Covid -19) là 50.000 lượt khách. Đáng chú ý, trong tháng 9 sau hiệu ứng của ngày hội du lịch, lượng khách từ TPHCM đến 13 tỉnh thành ĐBSCL là 66.000. “Với con số này có sự tăng trưởng nhẹ 11% lượng khách từ TPHCM đến ĐBSCL. Tuy đây không phải con số kỳ vọng khi triển khai liên kết nhưng trong bối cảnh dịch, đây là nỗ lực lớn của các doanh nghiệp (DN) và địa phương” - bà Thúy chia sẻ.
Riêng liên kết với 5 tỉnh Đông Nam bộ tuy chưa có con số cụ thể, nhưng theo Sở Du lịch TPHCM đã có những tour mới được hình thành và khai thác khá tốt. Mặc dù vẫn còn sự chưa đồng đều giữa các địa phương nhưng các tỉnh đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Nói về mục tiêu của các liên kết, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho rằng các liên kết này là một trong những giải pháp trọng tâm để kích cầu du lịch nội địa, hỗ trợ DN phục hồi sau dịch, vì khi liên kết lượng khách từ TPHCM đến các tỉnh/thành sẽ tăng, các DN lữ hành sẽ có cơ hội phục hồi nhanh hơn.
Những câu hỏi cho TP
Chia sẻ với ĐTTC xung quanh việc đẩy mạnh liên kết du lịch, giám đốc một DN du lịch tại TPHCM, cho rằng liên kết được là tốt nhưng hiệu quả thực sự vẫn là dấu hỏi. Không phải đến khi có dịch Covid-19 TPHCM mới đẩy mạnh liên kết, mà trước đó việc này đã được ngành du lịch thực hiện nhưng tác động đến thị trường không lớn. Theo đó, các DN đi theo các chương trình hội nghị, ký kết liên kết hợp tác chủ yếu khảo sát những tuyến điểm mới, trong khi việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới không dễ dàng. Đặc biệt, vấn đề khách 2 chiều, theo những thống kê bước đầu, sau liên kết lượng khách từ TPHCM đến các tỉnh/thành tăng nhẹ nhưng ngược lại thì sao? Theo lý giải của ngành du lịch, bước đầu những liên kết này sẽ giúp DN lữ hành của TP phục hồi nhanh hơn khi khách đi du lịch đến các tỉnh/thành nhiều hơn. Nhưng ngành du lịch TP không chỉ có các DN lữ hành, vì vậy rất cần có khách đến nhiều hơn.
Vấn đề đặt ra, muốn thu hút du khách nội địa nói chung và du khách từ các tỉnh/thành trong liên kết nói riêng, TP cần làm mới sản phẩm, dịch vụ của mình. Bởi du khách chỉ đến và chấp nhận lưu trú dài ngày khi điểm đến có nhiều điểm tham quan, giải trí hấp dẫn, không phải theo khuyến khích vì liên kết. Theo đánh giá của đơn vị tư vấn của Đức đang làm chiến lược phát triển du lịch TPHCM, TP cần làm mới, nâng cấp những sản phẩm vốn là lợi thế là lịch sử văn hóa, ẩm thực và mua sắm. Khi khảo sát du khách đến TPHCM, 54% du khách nước ngoài đến vì sự hấp dẫn của lịch sử. TPHCM cũng là nơi hội tụ nhiều dòng di chuyển của lao động, các chuyên gia, nghệ nhân từ nhiều vùng miền đến học tập, làm việc đã mang những món ngon của mình đến làm phong phú nền ẩm thực của TP. Đặc biệt, TPHCM có lợi thế nhiều trung tâm mua sắm, chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách… Song nâng cấp như thế nào, làm sao giới thiệu được những điểm độc đáo của TP lại không đơn giản dù đã được bàn đến nhiều lần.
Một vấn đề cũng làm đau đầu ngành du lịch TP là giải pháp nào để cứu các khách sạn cao cấp 4-5 sao hiện đang vắng khách. Là địa phương chiếm đến 50% du khách quốc tế so với cả nước, TPHCM phát triển rất nhiều khách sạn cao cấp. Nhưng nay dự kiến sớm nhất phải từ tháng 6 -2021 khách quốc tế mới trở lại. Trong khi đó, lượng khách nội địa đến với TP chủ yếu chọn khách sạn từ 3 sao trở xuống. Trước đây có khoảng thời gian những khách sạn cao cấp đã giảm giá mạnh nhằm thu hút khách tại TP đến nghỉ dưỡng. Nhưng đó không thể là giải pháp lâu dài, cái cần nhất vẫn là chính sách hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan nhà nước.
Ngành du lịch TPHCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức, liên kết là giải pháp song chưa thực sự mang lại hiệu quả. |