Để hàng Việt có thể đến gần hơn với người tiêu dùng, sự nỗ lực của các doanh nghiệp vẫn chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ của các hệ thống phân phối, bán lẻ cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau.
Nhà bán lẻ chung tay
![]() |
Tại một buổi hội thảo gần đây do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết từ năm 1997, Saigon Co.op đã có chương trình dành cho hàng Việt với 28 nhà cung cấp tham gia.
Năm 2010, chương trình đổi tên thành "Tự hào hàng Việt" và đến năm 2013 Saigon Co.op đã kết hợp với 600 nhà cung cấp tổ chức chương trình tự hào hàng Việt. Với tổng đầu tư ngân sách khuyến mại hơn 150 tỷ đồng, chương trình tự hào hàng Việt năm 2013 được triển khai ở 63 siêu thị Co.opmart và hơn 60 cửa hàng thực phẩm Co.op Food...
Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op đang trở thành kênh phân phối chủ lực của nhiều thương hiệu Việt: sữa của Vinamilk và Nutifood, mì ăn liền của Vifon, thủy sản đông lạnh của Phú Cường, nước mắm của Liên Thành, cá hộp của Seapemex...
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước để hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh. Từ đó tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp tự đổi mới, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường trên cơ sở tập trung dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để tháo gỡ khó khăn hiện nay. Ông Nguyễn Văn Ngọc, |
Cho đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống Co.opmart chiếm hơn 90% trong cơ cấu hàng hóa. Đặc biệt, trong đó ngành hàng thực phẩm chiếm đến 95% với gần 1.000 mặt hàng. Chỉ tính riêng năm 2013, doanh thu hàng Việt tại hệ thống Co.opmart ước đạt trên 19.000 tỷ đồng, trong đó ngành hàng thực phẩm ước đạt gần 11.000 tỷ đồng.
Saigon Co.op cũng phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp HVNCLC thực hiện chương trình “Tết Việt hàng Việt” qua 2 cái tết năm 2013 và 2014 nhằm truyền thông cho hàng Việt, nhất là những sản phẩm đặc trưng vùng miền, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm trong dịp tết.
Không chỉ hợp tác trong tiêu thụ, Saigon Co.op còn liên kết với nhiều đơn vị sản xuất nhằm cung ứng cho hệ thống của mình những sản phẩm đạt chất lượng cao. Tiêu biểu như câu chuyện của HTX Anh Đào.
Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào, chia sẻ: “Từ năm 2010, mỗi năm Sagon Co.op đều đầu tư hàng chục tỷ đồng để những thành viên của chúng tôi mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm rau. Đây là hình thức đầu tư với lãi suất 0% của Saigon Co.op dành cho chúng tôi và nhiều bà con cảm thấy rất phấn khởi vì không phải bỏ vốn từ ban đầu”.
Có thể khẳng định trong hành trình đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, Saigon Co.op luôn là một trong những đơn vị tiên phong. Ngoài ra, rất nhiều nhà bán lẻ khác kể cả nhà bán lẻ nội và ngoại cũng đang nỗ lực ủng hộ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất và cả nông dân.
Câu chuyện vải thiều là một thí dụ điển hình cho sự chung tay của các nhà bán lẻ. Từ đầu tháng 6-2014, hệ thống siêu thị Co.opmart thuộc Saigon Co.op đã chủ động tổ chức thực hiện việc kích cầu cho các loại trái cây thông qua Lễ hội Trái cây thuộc hoạt động của Tháng tiêu dùng xanh 2014, trong đó trái vải tươi được xem là một mặt hàng trọng điểm.
Chỉ riêng hệ thống siêu thị Co.opmart ở TPHCM và các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đã tiêu thụ hơn 10 tấn vải thiều/ngày và đang có xu hướng gia tăng do loại trái cây này đang được mùa và giá tốt. Thời điểm này, Co.opmart vẫn đang tiến hành đẩy sức mua cho trái vải tại siêu thị bằng cách tăng cường quy mô trưng bày và áp dụng giảm giá. Hay hệ thống siêu thị Lotte Mart cũng có nhiều chương trình để kích cầu và ủng hộ nông dân trồng vải thiều…
Liên kết vùng, doanh nghiệp
Một trong những hoạt động tiêu biểu cho việc liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh, thành là chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Theo thống kê sơ bộ của Sở Công Thương TPHCM, năm 2013 chương trình hợp tác thương mại đã có những kết quả rất đáng khích lệ.
Cụ thể, về liên kết đầu tư phát triển sản xuất, có 69 dự án đầu tư sản xuất, chăn nuôi và hệ thống phân phối trực tiếp do doanh nghiệp TPHCM đầu tư hoặc liên kết đầu tư với tổng số vốn 9.978 tỷ đồng. Đồng thời, nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa cho người dân thành phố, các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường đã tiêu thụ hàng hóa trị giá 9.469 tỷ đồng của các tỉnh, thành, đồng thời cung ứng hàng hóa trị giá 5.734 tỷ đồng đến các địa phương.
Bà Mai Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, nhấn mạnh trong năm 2013 An Giang đẩy mạnh xúc tiến nội địa, đặc biệt tại TPHCM. Trong 100 tỷ đồng xúc tiến nội địa của An Giang, TPHCM chiếm 80 tỷ đồng (riêng hệ thống Saigon Co.op 70 tỷ đồng). “Chính nhờ các chương trình hợp tác chúng tôi đã mạnh dạn tổ chức sản xuất để cung ứng nguyên liệu đạt chất lượng cho TPHCM” - bà Tuyết chia sẻ.
Song hành với các hoạt động liên kết của các địa phương, việc các doanh nghiệp tự tìm đến với nhau, tạo ra những mắt xích trong tiêu thụ và sản xuất hàng hóa cũng hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh sức mua còn yếu như hiện nay.
Một số doanh nghiệp cho biết hiện đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất từ chính các doanh nghiệp trong nước. Mối dây liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Hành trình liên kết, tiêu thụ hàng Việt tuy còn nhiều gian nan, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa thể đưa hàng vào các kênh bán lẻ hiện đại, song với sức mạnh từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp sẽ tìm được cho mình một lối đi thích hợp.