2 công ty A và B nắm giữ cổ phần lẫn nhau, vài công ty trong một họ cổ phiếu (CP) tăng giá lập tức những CP còn lại tăng theo, hoặc một công ty trong “group” có chuyện các mã còn lại đều bị ảnh hưởng là những hiện tượng có thể thấy được liên quan đến vấn đề sở hữu chéo. Tuy nhiên, việc nhận diện những hệ quả và giám sát vấn đề sở hữu chéo hiện vẫn còn quá nhiều điểm lỏng lẻo.
Nên nhìn nhận nhiều góc độ
![]() |
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC, cho biết: Do có mối quan hệ kinh doanh gần gũi với các doanh nghiệp Nhật Bản nên tôi được biết họ cũng có những hệ thống công ty sở hữu chéo khá phức tạp.
Các công ty trong cùng tập đoàn tại Nhật Bản sở hữu cổ phần hoặc cử người tham gia HĐQT lẫn nhau đã tạo ra những mạng lưới công ty, thường được gọi là keiretsu. Sự gắn kết chặt chẽ này nhằm mục đích chia sẻ quyền lợi, nâng cao sự gắn kết và hợp tác để cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó còn có những tác dụng khác như chống lại việc thâu tóm, nâng cao tính chất kiểm soát nội bộ trong hệ thống.
Nhưng ở một chiều khác, các keiretsu của Nhật Bản nói riêng và mô hình sở hữu chéo nói chung bộc lộ không ít những yếu điểm như: Hạn chế cơ hội huy động các nguồn lực từ bên ngoài; do kết cấu bên trong quá chặt chẽ nên người ngoài không dễ dàng tiếp cận các hệ thống công ty gắn kết với nhau, hoặc nếu có tham gia thì cũng phải có thời gian để tìm hiểu và thích nghi.
Đã từng có trường hợp một ngân hàng tại Hồng Công mất thanh khoản, các cơ quan điều tra đã phải mất rất nhiều thời gian để xác minh cơ cấu cổ đông cũng như chủ nợ. Ngân hàng này đã tạo ra một hệ thống các công ty bên dưới và các công ty này, bằng nhiều đường khác nhau, lại nắm ngược lại vốn của ngân hàng mẹ.
TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường Đại học Mở TPHCM, nhận định: Việc các mô hình sở hữu từ thế giới gia nhập vào Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập với thế giới là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta không nên ác cảm khi nhắc đến sở hữu chéo hay sở hữu mạng lưới bởi sự chằng chịt, phức tạp của nó, mà quan trọng hơn cả là nên tiếp thu những gì và tránh những gì.
Thực tế cho đến nay những hệ thống công ty sở hữu chéo hay sở hữu mạng lưới thành công chưa nhiều nhưng “khuyết tật” đã lộ diện. Nhiều hệ thống công ty sở hữu chéo nhau chỉ nhằm mục đích trục lợi cho cổ đông nội bộ hay các thành viên HĐQT.
Đáng lo hơn nữa là cổ đông bên ngoài nói chung và cổ đông nhỏ lẻ nói riêng không dễ gì nhìn ra những cấu trúc sở hữu phức tạp bởi lẽ chúng ta đang thiếu cơ chế giám sát đủ mạnh để buộc các công ty phải minh bạch hóa việc này.
Mấu chốt minh bạch, giám sát
Việc sở hữu chéo không đơn thuần được nhìn thấy dưới góc độ cổ phần, mà còn là những đặc quyền giữa các công ty và các cá nhân được hưởng. Nhìn vào danh sách HĐQT của CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC), CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (ABT) và CTCP Đại Thiên Lộc (DTL), nhà đầu tư (NĐT) sẽ dễ dàng nhận ra có một sự liên hệ khá chặt chẽ giữa 3 công ty này khi đều có chung một số thành viên. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT của DTL cũng đồng thời là thành viên HĐQT của ABT và Phó Chủ tịch HĐQT của DHC.
Một trong những yếu tố tạo ra sự chắc chắn, minh bạch cho hệ thống sở hữu chéo tại các tập đoàn nước ngoài chính là hệ thống quản trị chặt chẽ. Theo đó, các lãnh đạo của công ty con và phòng ban bên dưới tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định từ lãnh đạo cao cấp. Muốn như vậy, công ty cần phải xây dựng được một cơ chế phân quyền rõ ràng cũng như việc xử lý khi có sai phạm xảy ra. Vấn đề nằm ở sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. Ông NGUYỄN NGỌC ANH, |
Ông Lê Bá Phương là thành viên HĐQT của ABT, DTL và Phó Chủ tịch HĐQT của DHC. Hiện tại, ngành nghề kinh doanh của DHC là sản xuất, kinh doanh bao bì, xuất nhập khẩu nông sản, thủy hải sản, sắt thép, máy móc thiết bị.
ABT được biết đến là một công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản, còn DTL là nhà sản xuất tôn và kinh doanh sắt thép. Một NĐT bình thường có thể nhìn thấy được mối liên quan giữa một công ty chế biến thủy sản (ABT) và một công ty sản xuất bao bì (DHC), nhưng không dễ nhìn ra mối quan hệ giữa 2 công ty này với một công ty sắt thép như DTL.
Nhưng nếu không có mối quan hệ chặt chẽ thì làm sao các công ty này lại có thể cử người tham gia HĐQT lẫn nhau trong khi các thành viên này cũng không phải cùng một gia đình. Vậy mối quan hệ này xuất phát từ đâu?
Lợi ích đem lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh hay cho vấn đề “ngoài luồng” khác? Các thành viên HĐQT chéo nhau tại các công ty có những đóng góp gì? Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản của NĐT bên ngoài lại chưa có câu trả lời cụ thể.
Một trường hợp khác cũng được xem như điển hình cho tính rời rạc, thiếu liên kết giữa các công ty trong cùng một hệ thống đó là nhóm các công ty thuộc EVN. Tính đến cuối năm 2011, EVN sở hữu khoảng 24% cổ phần của ABBank, ABBank lại sở hữu hơn 5% của Chứng khoán An Bình (ABS), trong khi EVN cũng sở hữu gần 29% của ABS.
Một “dây” khác là CTCP XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), sở hữu gần 9% cổ phần tại ABBank, nhưng nắm hơn 41% cổ phần của ABS. Từ đây, không rõ nên gọi ABS là con hay cháu của EVN và Geleximco và ABS ngang hàng với ABBank hay là con của ABBank. Bỏ qua sự phức tạp này, thử hỏi ABS đã và đang có những gì? Một CTCK làng nhàng, đứng sau là một ngân hàng thường thường bậc trung và một tập đoàn đang gặp nhiều vấn đề?
Tính đến ngày 30-6, trong khoản mục đầu tư tài chính dài hạn, số tiền mà CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cho EVN vay 350 tỷ đồng và hàng nghìn tỷ đồng góp vốn vào các công ty khác của EVN. Qua đây sẽ có cảm giác rằng, PPC từ chỗ là một đơn vị sản xuất lại đang thực hiện công việc của một công ty đầu tư tài chính khi đi góp vốn vào một loạt các đơn vị khác trong cùng hệ thống.
Điều này có hợp lý hay không? Chức năng của những ABBank, hay Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFC) trong việc thu xếp vốn ở đâu? Rõ ràng, nếu PPC vẫn tiếp tục thực hiện những chức năng khác với hoạt động kinh doanh chính của mình, thì bên có lợi chỉ là EVN, còn các cổ đông bên ngoài sẽ phải chịu thiệt.
Dòng tiền mà PPC làm ra thay vì được giữ lại để tiếp tục kinh doanh hoặc chia cho các cổ đông lại luân chuyển sang các đơn vị khác và sinh lợi bao nhiêu cũng không hề rõ ràng. Sự chồng chéo về chức năng thay vì phân quyền một cách rõ ràng là một trong những nguyên nhân tạo ra sự chồng chéo về sở hữu.