Mọi vấn đề vẫn đang còn ở phía trước, tuy nhiên cần phải nhìn nhận một vấn đề khó hiểu là về mặt kỹ thuật Mỹ đã rơi vào suy thoái khi GDP giảm liên tục trong 2 quý, nhưng các chỉ số để đưa đến suy thoái lại hoàn toàn ngược lại như tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất lịch sử.
Có lẽ nhiều nước đang nhìn vào Mỹ
Năm 2022, phải thừa nhận rằng nền kinh tế toàn cầu có xu hướng suy giảm nghiêm trọng. Bởi khi lạm phát gia tăng, các ngân hàng trung ương (NHTW) đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, nhằm làm chậm tốc độ tăng tổng cầu và giảm áp lực giá cả. Đồng thời cuộc chiến Nga - Ukraine và việc Trung Quốc đóng cửa để đối phó dịch Covid-19, đã tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng thêm áp lực chi phí; giá năng lượng và lương thực tăng cao đã làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng.
Sau khi tăng trưởng với tốc độ hàng năm 6% theo quý trong quý IV-2021 và 3,5% vào quý I-2022, GDP thực tế thế giới ước tính giảm 1,7% trong quý II. Trong số các nền kinh tế lớn suy giảm có Mỹ, khu vực đồng euro (Eurozone), Anh, Trung Quốc, Nga, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi…
Để đối phó với tình trạng lạm phát cao kéo dài và kỳ vọng lạm phát dài hạn đi lên, các NHTW đang tăng tốc thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm từ mức cao nhất vào giữa tháng 6 xuống còn khoảng 3%, mức chênh lệch rủi ro đã mở rộng, làm tăng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp.
Nhiều thị trường mới nổi dường như không thể huy động trái phiếu quốc tế mới, buộc phải tìm kiếm các nguồn tài trợ thay thế. Trong khi xu hướng tìm nơi trú ẩn của các nhà đầu tư càng nhiều, đồng nghĩa với việc đồng USD tiếp tục mạnh và tăng rủi ro cho các thị trường mới nổi.
Với thị trường nhà ở đặc biệt dễ bị tổn thương, lãi suất thế chấp tăng và giá nhà tăng cao đã ảnh hưởng đến khả năng chi trả, làm giảm nhu cầu. Phản ứng trước lãi suất tăng, đồng USD tăng giá và lo ngại suy thoái, giá cả hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp đang thu hẹp lại.
Chỉ số giá nguyên liệu IHS Markit (MPI) đã giảm 8,4% trong 4 tuần kết thúc vào ngày 15-7, dẫn đầu bởi sự giảm giá của kim loại, hóa chất, sợi và cao su.
Đúng là sự suy giảm của giá cả hàng hóa sẽ khiến lạm phát giá hàng hóa trung gian trên toàn cầu chậm lại; lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu được dự báo giảm từ 7,3% vào năm 2022 xuống 4,2% vào năm 2023 và 2,7% vào năm 2024. Nhưng kéo theo sau đó là nền kinh tế các nước sẽ ra sao sẽ không một chuyên gian nào dám bình luận và cũng nêu với những con số dự báo.
GDP thực tế của Mỹ đã giảm 1,6% so trong quý I, giảm thêm 0,9% vào quý II, tức đã suy thoái về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng điều này khó có thể đáp ứng các tiêu chí chung cho cuộc suy thoái do Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ đặt ra, vì rất khó để xác định thiệt hại về GDP thực tế với mức tăng đáng kể về việc làm, thu nhập và tiêu dùng cá nhân.
Tuy nhiên, con đường phía trước sẽ khó khăn. Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã phát tín hiệu sẵn sàng tăng lãi suất đủ để làm chậm lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, ngay cả khi kết quả là suy thoái.
Điểm sáng châu Á-Thái Bình Dương
Tại châu Âu, GDP thực tế đã giảm nhẹ trong quý II ở Anh, Italia, Tây Ban Nha và Hà Lan. Bởi trước đó với lạm phát tăng mạnh, các NHTW đang đẩy mạnh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Mặc dù sự phục hồi trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ tiêu dùng có thể giúp khu vực này tăng nhẹ trong mùa hè, nhưng một bước lùi khác có thể xảy ra trong quý IV do nguồn cung năng lượng bấp bênh.
Giá điện và khí đốt tự nhiên cao sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh công nghiệp ở Đức và các trung tâm sản xuất khác. Tăng trưởng GDP thực tế của Eurozone dự kiến chậm lại từ 5,4% vào năm 2021 xuống 2,5% vào năm 2022 và 1,2% vào năm 2023, trước khi cải thiện lên 2,0% vào năm 2024.
Tăng trưởng bền vững ở châu Á-Thái Bình Dương là chìa khóa cho triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu bền vững trong năm 2022 và 2023. Khu vực này có khả năng chiếm 53% tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu vào năm 2022 và 62% vào năm 2023. Sau khi chậm lại từ 6,2% năm 2021 xuống 3,9% năm 2022, tăng trưởng GDP thực tế của châu Á - Thái Bình Dương dự kiến đạt 4,4% trong cả năm 2023 và 2024. Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Philippines có thể đạt mức tăng trưởng 5-7%.
GDP thực tế của Trung Quốc giảm 2,6% so với quý trước, dẫn đến tăng trưởng chỉ 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường bất động sản vẫn trong tình trạng suy thoái, doanh số bán đất sụt giảm làm tài chính của chính quyền địa phương bị thiệt hại. Tăng trưởng GDP thực tế được dự báo chậm lại từ 8,1% vào năm 2021 xuống 4% vào năm 2022, nhưng sẽ tăng lên 5,2% vào năm 2023.
Nếu không có những cú sốc mới, nền kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng, dù với tốc độ hàng năm dưới 2% trong quý III và IV-2022. Trung Quốc và các thị trường mới nổi của châu Á - Thái Bình Dương đang đạt được mức tăng trưởng vững chắc, ngay cả khi các nền kinh tế châu Âu và Mỹ gặp khó khăn.
Trên toàn thế giới, sự chuyển đổi các ứng phó đối với Covid-19 đang tạo điều kiện cho tăng trưởng lĩnh vực du lịch, lữ hành và các lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng khác. Ở các nước phát triển, tài chính hộ gia đình nhìn chung đang ở mức tốt, nhờ vào khoản tiết kiệm tích lũy và giá trị tài sản tăng trong giai đoạn 2020-2021.
Sau khi giảm 3,3% vào năm 2020 và tăng trở lại 5,8% vào năm 2021, tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu được S&P Global dự báo chậm lại còn 2,7% vào năm nay và 2,6% năm 2023. Dù nền kinh tế toàn cầu được kỳ vọng tránh được suy thoái, các điều kiện kinh doanh sẽ ngày càng khó khăn trong năm tới khi thị trường tài chính thắt chặt. |