Xét trên kịch bản về nợ xấu được NHNN đưa ra, việc hoàn thành mục tiêu này là thách thức không nhỏ, thậm chí ảnh hưởng đến nhiều mục tiêu khác. ĐTTC đã trao đổi TS. TRẦN DU LỊCH, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trước diễn biến dịch bệnh NHNN ước tính có 2 triệu dư nợ cho vay bị ảnh hưởng, chiếm 23% tổng tín dụng của toàn hệ thống. NHNN cũng dự báo các kịch bản nợ xấu của ngành NH các quý cũng như cả năm 2020. Mới đây, báo cáo tài chính quý I của hàng loạt NH cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu đã tăng khá mạnh. Ông nhận định gì về tình hình này?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Tại Nghị quyết 11 của Chính phủ ngày 14-2-2020, NHNN được giao chỉ đạo các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19. Ngay cuối tháng 2, NHNN cũng đã dự báo về áp lực tăng nợ xấu qua 2 kịch bản.
Cụ thể, trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II và từ 2,6-3% đến cuối năm 2020. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ nợ xấu ước tính sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020.
Ảnh minh họa.
Vì thực hiện Nghị quyết 11, nợ gốc và lãi phát sinh từ ngày 23-1-2020 (thời điểm xác định xuất hiện dịch Covid 19) của đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp dịch có thể kéo dài đến ngày 30-6 hoặc 30-9. Tức những khoản nợ đó được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Điều này có điểm thuận lợi giúp các DN đang vướng vào nợ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh có thể vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, các chính sách này cũng giảm tỷ lệ nợ xấu theo quy định trước đây. Tuy nhiên trên thực tế dù có những biện pháp kỹ thuật nào, nợ xấu vẫn tăng và cho đến lúc này, tôi nghĩ cũng khó đánh giá đầy đủ được vì tình hình còn khá phức tạp.
- Như vậy, diễn biến dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và khả năng hồi phục của các TCTD yếu kém, ngành NH buộc sẽ kéo dài thêm thời gian tái cơ cấu?
- Theo tinh thần của Quyết định 1058/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020", do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19-7-2017, hệ thống NH phải hoàn thành nhiều nội dung trong năm 2020.
Nhưng hiện nay riêng về nợ xấu, như tôi đã nói, kịch bản xấu đã được NHNN dự liệu từ cuối tháng 2 khi thực hiện Nghị quyết 11. Trong bối cảnh hiện nay, ngành NH có lẽ sẽ lỡ chuyến tàu việc hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống NHTM trong năm 2020. NHNN cũng đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ này rất thách thức.
Thách thức ở cả vấn đề giảm nợ xấu nội bảng của hệ thống, cải thiện năng lực và chất lượng của một số NHTM, xây dựng một số NH có quy mô và chất lượng hoạt động mạnh. Tôi cũng cho rằng, việc hoàn thành những mục tiêu đặt ra cho từng nội dung từ nay đến cuối năm không hề dễ dàng.
Song dù các mục tiêu có thể không đạt được, tôi vẫn tin tưởng tình hình chung của hệ thống NH vẫn giữ được mức độ ổn định. Tuy nền kinh tế hiện nay có thể so sánh khó khăn của giai đoạn 2009-2011, nhưng hệ thống NHTM đã tốt hơn nhiều, ổn định hơn nhiều so với thời kỳ đó, chất lượng tín dụng cũng vậy. Đó là điểm sáng mấu chốt.
Trong tình hình như vậy, mục tiêu tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu trong năm 2020 có thể kéo dài hơn song cũng không cần thêm đề án tái cơ cấu nào nữa.
- Áp lực tăng nợ xấu của ngành NH đang rất lớn, trong khi đó các DNNVV cho biết không tiếp cận được vốn và ngày càng nhiều DN rút lui khỏi thị trường. Theo ông, để phục hồi sau dịch, cần có giải pháp nào để cứu nhóm DN này mà không tạo gánh nặng nợ xấu cho NH?
- Theo tôi, cần phải có nhóm giải pháp riêng, có thể tương đối đặc thù để hỗ trợ cho khối DNNVV chịu ảnh hưởng bởi sự gãy đổ của chuỗi sản xuất, chuỗi lưu thông. Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng chương trình phục hồi kinh tế sau dịch.
Tôi tin rằng trong chương trình này, Chính phủ sẽ tập trung nhiều hơn trong vấn đề hỗ trợ các DNNVV chịu ảnh hưởng do sự gãy đổ trong các chuỗi sản xuất lưu thông. Tôi nghĩ Nhà nước sẽ có một số phương thức hỗ trợ theo hướng gánh vác phần nào, chứ không thể buộc NHTM lo hết chuyện này được. Vì nếu cho vay hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch bệnh chỉ là chuyện của NHTM với khách hàng, các NHTM chắc chắn sẽ giữ an toàn cho họ.
Thực tế lâu nay NH có quyền cho vay tín chấp nhưng không dám cho vay, DN muốn vay phải có tài sản bảo đảm. Vì vậy, Chính phủ chắc chắn sẽ có tính toán về vai trò hỗ trợ của mình, có thể sẽ có các nguồn bảo đảm, bảo lãnh nợ để hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn. Nhưng cách thức nào, phương pháp nào vẫn đang được tính toán xây dựng.
- Xin cảm ơn ông.
Tôi nghĩ Nhà nước sẽ có một số phương thức hỗ trợ theo hướng gánh vác phần nào, chứ không thể buộc NHTM lo hết chuyện này được. Vì nếu cho vay hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch bệnh chỉ là chuyện của NHTM với khách hàng, các NHTM chắc chắn sẽ giữ an toàn cho họ. |