Trước đó, Cục Thuế TPHCM cũng đã truy thu 1,5 tỷ đồng đối với một cá nhân tại địa phương đã thực hiện và đăng tải nhiều clip trên Youtube, có thu nhập 19 tỷ đồng nhưng trốn thuế. Người này cho biết đã đầu tư vào trò chơi trên mạng từ vài năm trước và có nguồn thu kể từ năm 2016-2017. Theo nguyên tắc các trang mạng nay thực hiện quảng cáo trên phần mềm ứng dụng và trả tiền cho việc chạy quảng cáo cho các cá nhân và tổ chức đăng tải.
Đó chỉ là 2 trường hợp điển hình, thực tế có cả hàng trăm ngàn cá nhân thực hiện như vậy nhưng không khai báo để đóng thuế. Trong năm 2018, qua dữ liệu thu thập được từ 5 ngân hàng có trụ sở trên địa bàn TPHCM, đã phát hiện có 18.903 tổ chức, cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube giai đoạn năm 2014 đến hết tháng 11-2017 với số tiền nhận 1.092 tỷ đồng, và 17,8 triệu USD qua 423.787 giao dịch với tổng số tiền thanh toán 672,8 tỷ đồng. Thế nhưng, hầu như cá nhân đều chỉ kê khai sau khi cơ quan thuế điểm mặt.
Còn theo số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018 tổng chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đạt khoảng 550 triệu USD, nhưng các doanh nghiệp trong nước có nguồn thu từ quảng cáo như VCCorp, Zing, 24h... mới thu được khoảng 150 triệu USD, phần còn lại hơn 387 triệu USD, tương đương 9.000 tỷ đồng rơi vào tay Google, Facebook... Số tiền thuế này đã thất thoát, không chảy vào ngân khố quốc gia.
Nhờ tính năng kiếm tiền, YouTube, Facebook trở thành nền tảng làm giàu cho không ít người. Song việc truy thu và xử phạt thuế từ thu nhập trên mạng xã hội không hề đơn giản. Theo quy định hiện nay, cá nhân có nguồn thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên thuộc đối tượng kinh doanh và các thu nhập từ YouTube hay Facebook đều thuộc đối tượng chịu thuế. Quy định như vậy nhưng để thu được thuế các cá nhân này vô cùng khó khăn. Điều đáng nói, việc thu thuế Facebook, Google lại đang bị các cơ quan chức năng “đá qua đá lại”.
Để quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam như Google, Facebook... Bộ Tài chính xây dựng mục riêng về việc này tại dự thảo luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo đó, bộ này đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thông qua cổng thanh toán nội địa (CTCP thanh toán quốc gia - NAPAS). Từ đó, cơ quan thuế mới kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế.
Tuy nhiên, NHNN không đồng tình với đề xuất này. Bởi thẩm quyền ban hành quy định, hướng dẫn đăng ký thuế, báo cáo và thu thuế là của Bộ Tài chính, không phải của NHNN. Bên cạnh đó, theo pháp luật hiện hành, tổ chức tín dụng chỉ được chủ động trích tiền từ tài khoản của khách khi được sự đồng ý của khách hàng, hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quản lý thuế là chức năng của ngành thuế, nên việc quy trách nhiệm cho NH là không phù hợp. Qua rà soát kinh nghiệm quốc tế, NHNN chưa thấy quốc gia nào có quy định tương tự. Giải trình của NHNN cũng có lý, bởi xét đến cùng nhiệm vụ thu nộp ngân sách là trách nhiệm của mạng lưới thuế và Kho bạc Nhà nước.
Các NH chỉ là trung gian thực hiện giao dịch, không phải “cánh tay nối dài” của ngành thuế, vì vậy không có tư cách pháp lý đại diện cho cơ quan thuế để làm những công việc của đơn vị này.
Hiện vẫn chưa rõ cơ quan nào đứng ra chủ trì, song lỗ hổng quản lý công nghệ về thuế Google, YouTube, Facebook đã kéo dài nhiều năm nay do yếu kém, hạn chế và kẽ hở từ chính sách… Cùng với đó, sự thiếu phối hợp của các ngành chức năng đã đẩy ngành thuế vào thế "rượt đuổi" truy thu thuế, trong khi ngân sách nhà nước mỗi năm thất thu hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế lĩnh vực công nghệ.