Tăng trưởng nhanh, chất lượng bỏ ngỏ
Theo báo cáo của Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương), doanh thu TMĐT Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Lượng truy cập mua sắm trên sàn TMĐT tăng hơn 150% so với năm 2019. Số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Cả nước hiện có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Chỉ tính riêng ngày mua sắm trực tuyến 2020 đã chốt thành công 3,7 triệu đơn hàng trong 60 giờ, tăng 267% so với ngày trung bình trong năm.
Một phân tích của GlobalData’s E-Commerce Analytic cho thấy, doanh số TMĐT của Việt Nam sẽ tăng trưởng kép hàng năm, dự kiến năm 2024 đạt doanh thu 26,1 tỷ USD (khoảng 604.000 tỷ đồng).
Tăng trưởng nhanh nhưng TMĐT Việt Nam vẫn đang loay hoay với bài toán chất lượng hàng hóa. Hiện có rất nhiều đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu, hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Mới đây, Ban chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với cơ quan chức năng, đã phát hiện nhóm đối tượng lập nhiều tài khoản trên các mạng xã hội (MXH) để buôn bán các loại quần áo, giày dép, túi xách có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng, với số lượng lớn tại chuỗi cửa hàng “AE shop Việt Nam”.
Trước đó tổng kho chuyên livestream hàng lậu ở Lào Cai cũng bị cơ quan chức năng phanh phui. Tuy nhiên vẫn còn vô số tài khoản nhỏ lẻ kinh doanh qua MXH, các sàn TMĐT đang công khai bán hàng giả, nhái.
Vì đâu việc quản lý chất lượng hàng hóa trên không gian mạng trở nên khó khăn như vậy? Lý do không gian mạng quá rộng lớn, người bán lại chẳng cần kê khai thông tin thật, nhất là trên các MXH như facebook, zalo…
Còn ở các sàn TMĐT quản lý cũng rất lỏng lẻo. LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, Công ty Luật LNT&Partners, nhìn nhận hầu hết sàn TMĐT chỉ yêu cầu nhà cung cấp/người bán cung cấp những thông tin cơ bản khi giao kết và thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.
Điều này khiến nhà cung cấp không xem trọng các nghĩa vụ đối với hàng hóa, dịch vụ và các vi phạm thường xuyên xảy ra, trong khi các sàn chưa có cơ chế thực tiễn để kiểm soát việc tuân thủ quy định của nhà cung cấp đối với sàn.
Dự thảo nhiều bất cập
Dự thảo nhiều bất cập
Làm sao kiểm soát được hàng giả, nhái, kém chất lượng trên không gian mạng vẫn đang là bài toán khó với cơ quan quản lý nhà nước. |
Người tiêu dùng cho rằng chủ sàn phải tăng cường vài trò của mình, kiểm soát mạnh tay hơn vì họ có quyền cho người bán được hoặc không được xuất hiện trên chợ online của mình. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng chợ truyền thống còn không kiểm soát được chất lượng hàng của tiểu thương, sàn TMĐT làm sao kiểm soát hết thủ thuật của người bán online.
Theo dự thảo nghị định sửa đổi, sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp công cụ tra cứu thông tin liên quan đến người bán cho cơ quan nhà nước để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Điều này lại mâu thuẫn với Luật An toàn thông tin mạng và làm khó các chủ sàn TMĐT.
Một trong những nội dung dự thảo nghị định về quản lý các sàn TMĐT hướng tới là quản lý hoạt động TMĐT trên MXH. Xét ở tình hình thực tế rất cần thiết vì kinh doanh online trên MXH đang bùng phát trong những năm gần đây. Người người nhà nhà đều tận dụng cơ hội kiếm tiền từ các MXH và đây cũng được xem là nơi ẩn mình của các đối tượng kinh doanh hàng giả, nhái.
Song quản lý hàng bán trên MXH vốn không đơn giản. MXH chỉ thu phí dịch vụ quảng cáo, tài khoản không trả phí quảng cáo vẫn được đăng giới thiệu và bán hàng bình thường, có chăng là hạn chế xuất hiện trên trang chủ hơn. Nó không đi theo mô hình sàn TMĐT, vậy quản lý theo sàn TMĐT có khả thi.
Bên cạnh việc quản lý chất lượng hàng hóa bán trên không gian mạng, dự thảo nghị định sửa đổi còn quan tâm đến việc rót vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào mảng TMĐT của Việt Nam. Nếu nhìn vào 4 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, có 2 cái tên là Lazada và Shopee của nước ngoài, 2 cái tên là Tiki và Sendo của Việt Nam.
Nhưng để có thể đứng vững trong cuộc đua “đốt tiền” này, các chủ sàn TMĐT Việt Nam đã phải mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư nước ngoài và tương lai sẽ còn cần nhiều hơn nữa. Song theo nhiều phân tích, với những quy định mới trong dự thảo, khả năng tiếp cận vốn ngoại của các sàn trong nước sẽ khó khăn hơn.
Đặc biệt, quy định “nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực TMĐT do Bộ Công Thương công bố định kỳ, mới được phép tiếp cận thị trường” đang gây ra nhiều tranh cãi.
Phát biểu tại hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 52 mới đây, LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, cho rằng việc giới hạn công ty công nghệ uy tín toàn cầu là tiêu chí mang tính chủ quan, không rõ ràng, mang tính phân biệt đối xử. Điều này khiến nhà đầu tư có uy tín ở cấp độ khu vực hoặc không trong lĩnh vực công nghệ sẽ bị hạn chế tiếp cận thị trường Việt Nam.
Vấn đề là, nghị định cũ đã lỗi thời, còn nghị định sửa đổi vẫn còn một số bất cập. Có nghĩa làm sao để vừa quản lý tốt lại không tạo ra bước đi lùi cho TMĐT, đang đặt ra thách thức cho cơ quan quản lý, trước khi những sửa đổi chính thức của dự thảo được trình Chính phủ trong quý I này.