Lợi thế từ các FTA khi Việt Nam tham gia như CPTPP, EVFTA, UKVFTA,…thời gian qua đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Các FTA đã mang lại những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước, nhất là thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại.
Đánh giá hiệu quả của việc tham gia các FTA thế hệ mới đối với DN, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam cho biết, thông qua Bộ Công Thương và VCCI, DN tiếp nhận được sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Cộng hòa Liên bang Đức trong việc thông tin đến DN các tiêu chuẩn cập nhật mới nhất của Điều luật thẩm định chuỗi cung ứng của CHLB Đức (LkSG), tức là trách nhiệm rà soát của chuỗi cung ứng mới nhất bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2023.
“Đây là một trong những quy định buộc các DN xuất khẩu và nằm trong chuỗi cung ứng phải tuân thủ. Chỉ cần trong chuỗi cung ứng có 1 DN Đức là các DN đã phải tuân thủ rồi. Sắp tới, quy định trách nhiệm rà soát này sẽ được mở rộng ra trong toàn bộ các nước châu Âu và hiện giờ Hà Lan, Pháp đang dần đang áp dụng”, bà Hương cho hay.
Cũng theo bà Hương, thông qua sự hội nhập quốc tế bởi các FTA, các DN trong Hiệp hội đã có những hoạt động phối hợp cùng Bộ Công Thương, VCCI và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức để tuyên truyền tới DN. Thông qua những hội chợ, triển lãm tại các thị trường quan trọng, dần mở hướng cho việc sản xuất và xuất khẩu linh kiện, thiết bị điện tử của Việt Nam.
Tận dụng lợi thế từ các FTA, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của địa phương đã tăng lên đến 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh là chia sẻ của bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình. Bà Lan cho biết, việc tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết của các DN ở Thái Bình tương đối thuận lợi.
“Các mặt hàng xuất khẩu của Thái Bình hầu hết đều đã đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ, quy định trong các Hiệp định, cũng như tận dụng được các ưu đãi, đặc biệt đối với Hiệp định EVFTA mang lại. Sở đã giúp một số DN xuất khẩu sang Nhật Bản tận dụng được các ưu đãi thuế quan, do trước đây nhiều DN chưa đáp ứng được các quy định trong Hiệp định ASEAN - Nhật Bản hay Việt Nam - Nhật Bản”, bà Lan cho hay.
Tham gia các FTA, nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường cũng như hưởng ưu đãi thuế
Tình hình kinh tế khó khăn khi hầu hết các thị trường đều có sự sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu, có những thị trường giảm tới 30%, nhưng riêng thị trường Anh lại tăng trưởng tới 11%. Nhận xét tích cực này của bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) là có cơ sở, bởi tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Anh đã giúp cho ngành da giày Việt Nam không bị sụt giảm quá sâu trong năm 2023.
“Hiện nay, Vương quốc Anh là thị trường chính, chủ lực nhập khẩu các loại giày dép của Việt Nam. Các sản phẩm họ nhập khẩu hầu như không còn được sản xuất tại Anh, nên đây là một trong những thế mạnh của DN da giày khi xuất khẩu vào thị trường này. Xác định điều này, các DN da giày đã chú trong hoạt động đánh giá, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng đầu của Anh cũng như của thế giới trong việc phát triển các tiêu chuẩn cũng như các thiết bị thử nghiệm để đánh giá chất lượng”, bà Xuân cho biết.
Cũng theo bà Xuân, thông qua hoạt động hợp tác này, Hiệp hội đã hỗ trợ được cho các DNVVN nâng cao được chất lượng sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu những sản phẩm giày an toàn vào thị trường châu Âu. Bởi quy định của thị trường này cần phải có những chứng nhận, chứng chỉ nên thông qua đó không chỉ thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Anh mà còn cả các thị trường khác trên thế giới.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các FTA thế hệ mới mang lại nhiều kết quả đàm phán cơ lợi cho người dân và DN Việt Nam, tạo dư địa để các DN Việt Nam có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào 1 thị trường.
Mặc dù các FTA đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực, song đến nay vẫn còn một số khó khăn và hạn chế do DN Việt Nam chưa khai thác được các ưu đãi từ các Hiệp định. Thực tế cho thấy, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA chưa đạt như kỳ vọng. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O ưu đãi chưa cao và số lượng DN trong nước xuất khẩu sang các thị trường FTA vẫn khiêm tốn. Điều này sẽ đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan quản, các hiệp hội và DN trong tiếp cận thông tin, nhận ra những lợi thế của từng FTA, từ đó thể áp dụng mang để lại những hiệu quả cao nhất.