Nhiều người tự hỏi, điều gì khiến Georges Guigon (ảnh) chấp nhận làm kẻ xa lạ để chọn Việt Nam như bến đỗ cuối đời? Phải chăng sự hấp dẫn của vùng đất đầy nắng, gió hay mối quan hệ khăng khít nào đó với con người, kỷ niệm của ông? việc mang trong mình nửa dòng máu Việt và duyên phận với một người phụ nữ Việt giống như cha mình ngày trước đã neo giữ đời ông trên đất mẹ Việt Nam.
Đất mẹ thiêng liêng
![]() |
Georges Guigon tựa cửa căn nhà cổ Nam Định hơn 300 tuổi dựng trang trọng trong resort Le Belhamy yên bình, nhìn về phía con đường mùa đông mưa lướt thướt. Đôi mắt lặng buồn ông kể chuyện đời mình: 10 tuổi, mẹ mất, cha mãn nhiệm Giám đốc Công ty Lục lộ Đông Dương (thời Pháp thuộc), đưa 9 người con về Pháp.
Chiều trên sân ga năm 1943, Georges ngồi thu lu giữa các anh chị em và hành khách, ngổn ngang câu hỏi: Vì sao gia đình phải rời Hà Nội trong khi chị cả Anna ở lại? Georges đâu biết được chuyến tàu ấy là sự khởi đầu cuộc chia ly dằng dặc suốt nửa thế kỷ.
Chiến sự và khoảng cách địa lý đã cắt đứt liên lạc giữa gia đình Georges Guigon với Anna và họ hàng bên ngoại. Những đêm đông giá buốt, nhìn ga Lyon (Pháp) héo hắt đèn vàng và những cuộc chia tay vội vã, trái tim non trẻ của Georges không khỏi khoắc khoải, nhớ mong về căn nhà trên phố cổ Tràng Thi, chợ đêm cuối phố, những người bán hàng rong, vị phở ấm nồng mùa đông đất Bắc và mùa thu Hà Nội hanh hao.
Thế giới đẹp như câu chuyện cổ tích bị đánh mất ấy đã ám ảnh Georges, hướng ông nương theo một hành trình không thể chia sẻ cùng ai cho đến lúc về hưu: tìm về quê mẹ.
Năm 1994, bỏ lại sau lưng xưởng trang trí nội thất ở Lyon, Georges đặt vé về quê mẹ. Ngày ấy, giữa mùa đông rét mướt, Georges cứ đi hết con phố Tràng Thi, quanh bờ hồ, qua khu phố cổ đến rã rời chân rồi trở về khách sạn với biết bao câu hỏi không lời đáp.
Ở ngay trên quê mẹ nhưng ông như người xa lạ, dù phố cũ vẫn đầy xúc cảm như trong trí nhớ. Thách thức lớn nhất với Georges bấy giờ là không biết một câu tiếng Việt, làm sao hỏi thăm tung tích Anna. Loanh quanh dọ hỏi đến hết tuần chẳng làm được gì, ý nghĩ bỏ cuộc vụt đến với Georges.
Ông xếp hành lý gọn gàng chuẩn bị cho cuộc chia tay mãi mãi. Giữa lúc tưởng chừng vô vọng ấy, Georges ra phố để nhìn cố hương lần cuối, một thanh niên tìm đến và dẫn ông vào căn nhà cuối phố. Tại đây, Georges bất ngờ nhìn thấy bức ảnh úa vàng qua 50 năm vẫn lưu giữ nguyên kỷ niệm của gia đình.
Chị Anna bất ngờ xuất hiện trước mắt ông trong sững sờ và nước mắt… Sau này ông mới biết Anna lập gia đình với một chiến sĩ cách mạng, đổi tên Việt là Nga và trở thành bà nội của những đứa cháu ông. Thật khó tìm được bà Anna của thuở nào.
Một cơn gió lạnh luồn qua ngạch cửa, Georges xoa tay, nở nụ cười với tôi và mãn nguyện: “Gặp lại chị Anna và các cháu ngày ấy như một giấc mơ. Tôi đã có cơ hội cuối đời được ở lại Việt Nam”.
Một tháng sau ngày từ Pháp về, tiếng tăm của Georges Guigon - nghệ nhân từng trang trí nội thất cho các đại sứ quán Hoa Kỳ và điện Élysée - được một công ty thiết kế của Pháp có văn phòng tại Việt Nam mời làm việc.
Georges tâm sự: “Lúc đầu tôi chỉ xác định đi và về giữa hai quê. Nhưng những ngày làm việc tại đây, tôi gặp một phụ nữ Việt. Đó là Kim Vinh, một chuyên gia trang trí nội thất. Bà ấy đã làm thay đổi đời tôi. Từ đó, không còn những chuyến đi về nữa. Bây giờ ngược lại, tôi chọn Việt Nam để ở và về Pháp… làm khách”.
Cái chợ chiều Nam Định cạnh con đường sắt ngày xưa đã trở thành hoài niệm. Chị Anna cũng mất sau vài năm gặp lại em. Họ hàng giờ chẳng còn ai. Tình yêu quê mẹ được Georges dồn hết vào miền đất mới Quảng Nam, mà theo ông đất Việt Nam đâu cũng là đất mẹ.
Đánh thức vùng đất hoang sơ
Georges kể: Khi ông và Kim Vinh đang nhận trang trí nội thất cho khu du lịch Victoria Hội An, ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ (Phó Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm), có một đề nghị: Ông hãy ở lại Quảng Nam, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện để mở một khu du lịch tại Điện Dương.
Sau một thời gian suy nghĩ Georges đi đến quyết định đầu tư khu nghỉ mát Le Belhamy ở Điện Dương - nơi hội tụ kiến trúc cổ 3 miền đậm nét Việt Nam. Và căn nhà cổ Nam Định 300 tuổi chiếm một chỗ trang trọng trong khu nghỉ mát Le Belhamy như biểu trưng cho tình cảm hướng về quê mẹ của Georges.
![]() |
Resort Le Belhamy góp phần đánh thức vùng ven biển xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, |
120 tỷ đồng đổ vào bãi biển Hà My hoang vắng, vợ chồng Guigon và Kim Vinh trở thành nhà đầu tư trong nước lớn nhất tại Quảng Nam năm 2003. Ngày ấy, không mấy người tin rằng người đàn bà nhỏ bé và người đàn ông xa lạ ấy sẽ làm được gì trên bãi cát đầy nắng, gió cằn khô này.
Thiên nhiên đã vậy, con người cũng chẳng chiều lòng. Nhà đầu tư đã gặp những phiền toái không đáng có. Người có công đánh thức Hà My ấy có lúc “kẹt” trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, chôn cả trăm tỷ đồng vào cát để mua lấy sự dở dang không đáng có. Các hộ dân đã được nhận tiền đền bù đất đai, nhà cửa, nhưng chẳng ai chịu di dời.
Năm 2007, khu resort vẫn không xây nổi hàng rào vì còn chục hộ dân án ngữ ngay mặt tiền lô đất địa phương đã cấp cho doanh nghiệp. Georges rất buồn khi thấy hiệu lực hành chính của chính quyền địa phương tỏ ra mong manh dù trong những vấn đề rất nhỏ.
Bức tranh tĩnh vật Le Belhamy với những ngôi nhà cổ mái ngói cong vút như mái chùa Keo bạc màu, sắc châu thổ sông Hồng và cả ngôi nhà thờ cổ mấy trăm năm thời chúa Hải Hậu như lạc giữa rừng dị vật nhà cấp 4 của người dân không chịu di dời.
Georges dở khóc dở cười, vì không thể tự mình định đoạt ngày mở cửa resort để kinh doanh. Nhiều người cứ tưởng vợ chồng ông bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng, resort cũng đi vào hoạt động. Sau Le Belhamy, các nhà đầu tư đã biết mơ mộng về sự làm giàu trên bãi biển Hà My và một số người đã tìm đến đây đầu tư.
Mơ ước ổn định việc làm cho người dân
Hiện nay Hà My có gần 60 căn biệt thự và 77 phòng trong tay của vợ chồng chuyên gia trang trí nội thất này. Khu resort mang vẻ lộng lẫy nhưng dân dã, hút hồn người. Khác biệt của Le Belhamy chính là bản giao hòa đầy cung bậc cảm xúc từ sự hội tụ của những căn nhà cổ đại diện cho văn hóa kiến trúc ba miền, một khu nghỉ mát đậm nét Việt Nam.
Khó khăn vẫn chưa hết nhưng tình yêu thì mãi mãi không mất đi trong Georges. “Gia tài” của Le Belhamy chính là 300 nhân viên người địa phương. Họ từ con số 0 đã được đào tạo thành những người phục vụ chuyên nghiệp, là người truyền đạt niềm vui và hạnh phúc tới khách hàng.
Ý tưởng một trường dạy nghề sẽ ra đời hoặc phát triển nghề thủ công tại chỗ như chài, móc lưới… giúp dân địa phương tạo thêm thu nhập vẫn tiếp tục “đốt lửa” trong trái tim của Georges.
Du khách vẫn thường thấy một ông già ngoại quốc loanh quanh giữa khu vườn rộng, ngắm nhìn bà chủ nhỏ bé xinh đẹp ở tuổi 60 vẫn mang ủng nhổ cỏ tỉa cây, lam lũ như một người dân quê mỗi ngày trong khu resort. Ông thường tự hào rằng chính người đàn bà nhỏ bé này đã kết thêm sợi dây bền chặt đời ông với quê mẹ.
![]() ![]() | |
Ông GEORGES GUIGON, |
Ngoài sự táo bạo khi chọn vùng đất hoang sơ để đầu tư, sự hiện diện của các nhân viên đang làm việc tại công ty chính là nguồn cảm hứng khiến Georges nảy sinh ý tưởng xây dựng khu du lịch mang đậm hồn việt này.
Georges Guigon cho hay, điều ông mong muốn chính là tạo cho người lao động một không gian trong lành, ấm áp để mỗi ngày bước trong không gian yên ả ấy sẽ thấy tâm hồn thư thái để làm việc đạt hiệu quả cao.
Xa hơn ông muốn xây dựng một môi trường làm việc mang đậm nét văn hóa và tính cộng đồng. Nhân viên không chỉ yêu công việc mà còn biết yêu thương cộng đồng, yêu cả nơi mình làm việc.
Chiều nghĩa trang Điện Dương có những ngọn gió luồn qua đám cỏ lau dọc triền sông hoang vắng. Georges thoáng chút buồn. Cạnh ngôi mộ con trai ông vừa mất một năm trước đã chen đầy những nấm mộ vô danh.
Giữa khoảng lặng của thời gian và thân phận, ở tuổi 80, Georges Guigon vẫn hồ hởi nói về dự định tương lai khi ấp ủ xây dựng một trường đua ngựa tại Điện Dương, về giấc mơ tạo thêm việc làm cho những người dân vùng đất khốn khó, vùng đất không có gì ngoài cát và phi lao reo trong gió mỗi chiều và thân phận cơ cực của ngư dân mùa biển động.
“Khó khăn vẫn chưa hết. Thành, bại trong kinh doanh vốn là chuyện thường. Nhưng tôi vẫn sẽ chọn đất này ở lại khi tàn một kiếp người” - Georges Guigon bùi ngùi chia sẻ.