Vướng chính sách đất đai
Năm 2019, tiến độ sắp xếp, CPH DNNN được nhìn nhận chậm, khi chỉ 12 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, trong đó có 3 DN thuộc danh mục phải CPH theo kế hoạch.
Nguyên nhân, theo Bộ Tài chính, chủ yếu do việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn rất chậm. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế (TĐ), tổng công ty nhà nước (TCT) chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH.
Lũy kế từ năm 2017 đến hết năm 2019, có 171 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Tuy nhiên chỉ 36/128 DN thuộc danh mục CPH theo kế hoạch tại các Quyết định 991/TTg-ĐMDN ngày 10-7-2017 và Quyết định 26/2019/QĐ-TTg ngày 15-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28%). Như vậy, số còn phải CPH theo kế hoạch 92 DN (tương ứng 72%).
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, kế hoạch đến hết năm 2020, ủy ban hoàn thành việc CPH 6 TĐ, TCT, gồm TĐ Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, TĐ Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, TCT Viễn thông MobiFone, TCT Lương thực miền Bắc, TCT Phát điện 2; cùng với đó là 42 DN thuộc các TĐ, TCT. Đến nay, ủy ban đã thành lập ban chỉ đạo CPH để triển khai các bước CPH và chỉ đạo hoàn thành CPH 17 DN thuộc các TĐ, TCT, cũng như đang chỉ đạo hoàn thành CPH 25 DN còn lại trong năm 2020.
Tuy nhiên, cũng theo ủy ban, việc sắp xếp, CPH, thoái vốn và tái cơ cấu DN còn vướng mắc trong xác định thẩm quyền lập, phê duyệt phương án sử dụng đất, sắp xếp lại, xử lý nhà đất trong quá trình CPH. Cụ thể, Nghị định 126/2017/NĐ-CP về CPH quy định đối tượng DN CPH bao gồm DN 100% vốn nhà nước (DN cấp I) và DN do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ (DN cấp II).
Trong khi đó, Nghị định 167/2017/NĐ-CP chỉ quy định đối tượng áp dụng là DN cấp I, do đó không xác định được cơ quan có thẩm quyền lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khi thực hiện CPH DN cấp II.
Việc CPH còn vướng mắc trong thực hiện lập phương án sử dụng đất theo quy định tại Khoản 1, Điều 13, Nghị định 126/2017/NĐ-CP về CPH. Trong đó, các DN phải thực hiện rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định. Do không có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục và nội dung của phương án sử dụng đất, trong thực tế việc này đang vận dụng theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định Nghị định 167/2017/NĐ-CP.
Ngoài ra, một số DN có lượng nhà, đất lớn (như TĐ Bưu chính - Viễn thông) rất khó hoàn thành 100% việc sắp xếp, xử lý nhà, đất để kịp tiến độ CPH trước 31-12-2020. Đồng thời, khi chưa có quyết định CPH, cơ quan có thẩm quyền cũng chưa triển khai được các công việc tiếp theo, như phê duyệt dự toán chi phí CPH, đấu thầu lựa chọn tư vấn CPH, xác định giá trị DN… cũng ảnh hưởng đến tiến độ CPH.
Trong thực tế triển khai, việc thực hiện rà soát nhà, đất và các tài sản công trên đất tại DN, đưa cả nhà, tài sản thuộc sở hữu của DN vào rà soát, sắp xếp, lập phương án sử dụng không chỉ làm chậm tiến độ, còn không phù hợp với phạm vi của Nghị định 167/2017/NĐ-CP. Theo tính toán, dự kiến khoảng 2.000 địa điểm nhà, đất của các TĐ, TCT phải rà soát.
Sửa quy định, gỡ vướng mắc
Sửa quy định, gỡ vướng mắc
Vấn đề xử lý đất đai trước khi tiến hành chuyển đổi DNNN là một trong những vướng mắc lớn nhất trong CPH DNNN hiện nay. Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính |
Agribank là ngân hàng được yêu cầu chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng thương mại cổ phần, thu hút được nhà đầu tư chiến lược, phấn đấu IPO vào cuối năm 2019, chậm nhất đầu năm 2020. Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo Agribank, ngân hàng này vẫn chưa đi tới bước lựa chọn đối tác tiềm năng để mua lại cổ phần khi thoái một phần vốn.
Tiến độ của quá trình CPH tại Agribank hiện đang ở bước đầu tiên thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai và tài sản của ngân hàng này tại nhiều địa phương và đang đối mặt với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị CPH (đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank đã gần 3 triệu m2).
Thêm vào đó, với số lượng khách hàng lên tới hàng chục triệu có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, các khoản phải thu, phải trả… Do đó, việc xác định giá trị DN của Agribank rất phức tạp và mất nhiều thời gian nên việc hoàn thành xác định giá trị DN và CPH trong năm nay không dễ.
Việc khó khăn trong rà soát, xác định giá trị đất đai của Agribank khá điển hình cho những trở ngại CPH các TĐ, TCT phải đối mặt. Theo Quyết định 991/TTg-ĐMDN ban hành ngày 10-7-2017, về phê duyệt danh mục DNNN hoàn thành CPH theo từng năm, giai đoạn 2017-2020, TCT Viễn thông MobiFone phải CPH năm 2018, Agribank năm 2019, Công ty mẹ - VNPT năm 2019, TCT Phát điện 1, 2 năm 2018…
Tuy nhiên, các kế hoạch này đều không được thực hiện đúng tiến độ. Đến Quyết định 26/2019/QĐ-TTg, những DN này tiếp tục được yêu cầu CPH năm 2020, trong đó Thủ tướng yêu cầu đến hết năm 2020 phải CPH Agribank, Công ty mẹ - VNPT, TCT Phát điện 1, 2 thuộc EVN…
Hiện đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP (về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN), Nghị định 167/2017/NĐ-CP. Trong bối cảnh cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, thị trường chứng khoán đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có những thay đổi về tiến độ CPH.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng trong giai đoạn hiện nay, không phải thúc ép CPH khi thị trường không tốt.