Hàng loạt địa phương đã có đề nghị bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị loại các đề xuất này do không đạt các tiêu chí.
Theo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay giai đoạn 2021-2030, cả nước có 28 cảng hàng không; trong đó 14 cảng hàng không quốc tế gồm Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương.
14 cảng hàng không quốc nội gồm Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo.
Định hướng đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải chỉ bổ sung cảng hàng không Cao Bằng vào quy hoạch. Đến thời điểm đó, cả nước có 29 sân bay bao gồm 14 sân bay quốc tế, 15 sân bay nội địa.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng nhằm mục đích dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 11 tỉnh đề nghị bổ sung sân bay cho địa phương mình gồm Bắc Giang, Bắc Kạn, Đắk Nông, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Bình Phước, Kon Tum, Hà Tĩnh, Trà Vinh và Ninh Thuận.
Để xác định và quy hoạch điều chỉnh hoặc bổ sung các sân bay trong mạng cảng hàng không toàn quốc, phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng tư vấn lập quy hoạch (ADPi của Pháp) đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cơ sở dự báo nhu cầu vận tải của 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không), điều kiện tự nhiên, hiệu quả kinh tế và các phương pháp khoa học...
Do đó, tư vấn đề xuất 6 tiêu chí chính về sự cần thiết và mức độ khả thi đối với cảng hàng không mới gồm nhu cầu sản lượng, kinh tế-xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược); khẩn nguy cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai); cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tiếp cận các cảng hàng không lân cận). Trên cơ sở đó, tư vấn rà soát kỹ lưỡng lại kết quả và đối chiếu với các tiêu chí đánh giá.
“Với đề nghị của 11 tỉnh về việc bổ sung quy hoạch sân bay mới, điểm đánh giá không cao, không nằm trong 30 tỉnh, thành có tổng điểm cao nhất cả nước. Vì vậy, Tư vấn ADPi đề nghị không bổ sung các sân bay theo đề nghị của các địa phương,” đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Tuy nhiên, dự thảo quy hoạch cũng đề cập tới việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, xây dựng CHK tại các đảo như Lý Sơn, Phú Quý… quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hiện cả nước có 22 sân bay đang khai thác, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế gồm Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 13 cảng hàng không quốc nội là Điện Biên, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cà Mau, Rạch Giá và Côn Đảo.
Với 22 cảng hàng không hoạt động theo mô hình trục nan, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 đầu mối chính đóng vai trò gom hành khách và hàng hóa để nối với các đường bay quốc nội và quốc tế, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa việc đi lại khó khăn.
Các cảng hàng không đều đang dùng chung hàng không dân dụng và quân sự, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Hệ thống cảng hàng không đã đáp ứng được yêu cầu hoạt động khẩn nguy, cứu trợ như phòng chống dịch bệnh, thiên tai, phòng ngừa bạo loạn..., góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.