Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khốn khó vì các khoản nợ, giá cổ phiếu (CP) trên sàn giảm sâu, cùng với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đang diễn ra, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) được dự báo tiếp tục sôi động.
Tìm cơ hội trong khó khăn
Ngày 23-4, CTCP Viễn thông di động Toàn cầu Gtel Mobile (thương hiệu Beeline) chính thức tuyên bố chuyển đổi hình thức sở hữu CP đối với hoạt động của liên doanh Gtel Mobile tại Việt Nam.
Theo đó, toàn bộ 49% cổ phần của đối tác ngoại VimpelCom (Nga) trong liên doanh đã được Công ty truyền dẫn và dịch vụ hạ tầng Gtel mua lại, đưa Gtel Mobile trở thành công ty 100% vốn của các cổ đông trong nước. Mức giá chuyển nhượng cổ phần của VimpelCom trong Gtel Mobile cho đối tác là 45 triệu USD.
M&A chính là việc mua lại thời gian. Thay vào việc tăng trưởng từ việc tự mình xây dựng một nhà máy, thì bằng việc kết nối các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại sẽ nhanh chóng tạo ra sự mở rộng hơn nữa về quy mô cũng như về chất lượng. Chỉ có mua bán, sáp nhập mới có thể biến đổi thành các doanh nghiệp có sức cạnh tranh mạnh mẽ, có chất lượng cao hơn nữa bằng việc kết hợp các điểm mạnh của các doanh nghiệp với nhau. PGS.TS ĐỖ THỊ PHI HOÀI, |
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc kinh doanh thua lỗ khi báo cáo tài chính quý IV-2011 của VimpelCom ghi nhận tập đoàn này thua lỗ hơn 500 triệu USD khi đầu tư vào lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam và Campuchia.
Một sự kiện khác cũng vừa gây xôn xao trong giới kinh doanh Việt Nam là thông tin về thương hiệu khá nổi tiếng Phở 24 bị thâu tóm bởi đại gia nước ngoài, khi Highlands Coffee mua 100% CP của Phở 24 và bán lại 50% cho Jollibee - một tập đoàn bán lẻ Philippines.
Chưa có thông tin chính thức, nhưng những đồn đại trong giới tài chính cho biết giá cho giao dịch nói trên hơn 20 triệu USD. Nguyên nhân của thương vụ này bắt nguồn từ thương hiệu Phở 24 có dấu hiệu dịch vụ sa sút và chất lượng không được đảm bảo trong hệ thống giống như trước đó.
Liên quan đến hoạt động thâu tóm doanh nghiệp, một thương vụ đình đám nữa trong giới tài chính là trường hợp của Bibica - một trong những thương hiệu bánh kẹo hàng đầu của Việt Nam.
Sau 5 năm thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua đối tác Bibica, đến nay Lotte đã nắm giữ 38% cổ phần thương hiệu bánh kẹo đang có thị phần đứng thứ 2 tại thị trường nội địa. Mặc dù tới thời điểm này vụ thâu tóm chưa tới hồi kết, cái tên Bibica vẫn được giữ lại nhưng tương quan trong Bibica nghiêng hẳn về phía đối tác ngoại.
Trường hợp tương tự diễn ra gần đây cũng gây rúng động trên TTCK là việc nhóm cổ đông có liên quan đến Eximbank muốn thâu tóm Sacombank. Sự việc này suốt một thời gian dài tốn không ít giấy mực của báo giới khi 2 thương hiệu ngân hàng lớn trong nước này khiến nhiều người có “cảm giác” đang ở thế đối nghịch.
Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của hoạt động thâu tóm thông qua việc gom CP trên sàn chứng khoán, được dự báo sẽ tiếp tục trở thành vấn đề thời sự khi mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2012 đang diễn ra.
Hoạt động sáp nhập giữa các doanh nghiệp cũng diễn ra sôi động không kém mà điển hình là vụ việc giữa 2 ngân hàng SHB và HBB. Giới đầu tư nhìn nhận, nếu trở thành hiện thực, việc sáp nhập này sẽ mang lại những tín hiệu tích cực khi 2 ngân hàng có tiềm lực ở mức trung bình “hợp lực” để nâng cao khả năng cạnh tranh. Khối các công ty chứng khoán (CTCK), tình hình cũng diễn ra tương tự.
Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh (UBCKNN), cho biết hiện đang có khoảng 4-5 CTCK đang muốn sáp nhập. Đây là những CTCK ngoài nhóm nguy hiểm, hoạt động vẫn ổn, có những công ty có vốn điều lệ 150-300 tỷ đồng. Các CTCK này muốn sáp nhập để giảm chi phí, tăng sức mạnh và khả năng cạnh tranh.
Chưa tạo sự đột phá
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới hoạt động M&A sẽ tiếp tục diễn ra sôi động khi năng lực của nhiều doanh nghiệp đang ngày càng bị bào mòn do sự khó khăn của nền kinh tế, bên cạnh không ít doanh nghiệp có tiềm lực khủng cũng đang muốn nhăm nhe củng cố sức mạnh của mình thông qua hoạt động này.
Một lãnh đạo CTCK từng cho biết với việc giá CP giảm mạnh trong 1-2 năm gần đây, những doanh nghiệp có tiềm lực sẽ dễ dàng trong việc mua doanh nghiệp khác với giá rẻ.
M&A vẫn gặp một số cản trở nhất định khiến hoạt động này chậm hơn dự kiến, như chưa có khung pháp lý riêng (hiện các quy định nằm rải rác trong Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Cạnh tranh 2004…); người bán không có động cơ khi định giá thấp và giá trị hiện tại của doanh nghiệp cũng thấp... Các điều kiện thanh khoản khá chặt chẽ nên đã không tạo ra đột phá trong hoạt động này trên thị trường trong và ngoài nước. TS. PHẠM THỊ THU HẰNG, |
Chẳng hạn, nếu có 1.000 tỷ đồng có thể mua được khối lượng tài sản lớn hơn nhiều so cách đây vài năm. Ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM Vietnam (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về M&A, tư vấn đầu tư), cho biết trong 5 năm gần đây, tăng trưởng hoạt động mua bán, sáp nhập tại Việt Nam đạt mức bình quân 30% và thời gian tới sẽ tiếp tục trên 30%.
Chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới sẽ tạo động lực cho các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa như MobiFone, VNSteel.
Th.S Phạm Thị Tường Vân, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, khẳng định mua bán, sáp nhập doanh nghiệp là hoạt động quan trọng để tái cấu trúc nhằm tối đa hóa lợi ích của các chủ sở hữu doanh nghiệp. Hoạt động này sẽ tạo ra cơ hội để chiếm lĩnh thị trường, giành thị phần và kiểm soát thị trường nhằm tránh một cuộc khủng hoảng khác có thể xảy ra.
Thực tế thị trường M&A năm 2011 là sự tiếp tục tăng trưởng về số lượng và giá trị của các loại hình giao dịch đã bắt đầu phổ biến từ năm 2009, như doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp trong nước mua doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó là sự tham gia của các tập đoàn vào thị trường vốn để huy động vốn từ các nhà đầu tư, trong đó có các quỹ đầu tư và các tập toàn đa quốc gia. Phần lớn chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư này đều dựa trên nguyên tắc giảm thiểu rủi ro.
Việc các doanh nghiệp cam kết thực hiện các bước tái cấu trúc về quản lý và quản trị doanh nghiệp để đạt được chuẩn theo thông lệ quốc tế hoặc mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn, sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp nhà nước sau khi sáp nhập hay hợp nhất cần phải cấu trúc lại nguồn vốn cho hợp lý nhằm gia tăng tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu hay thu nhập một cổ phần, cũng như sự gia tăng giá trị doanh nghiệp.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp phải rà soát thật kỹ cấu trúc nguồn vốn của từng bộ phận, đánh giá các rủi ro tài chính từ riêng lẻ đến tổng thể, có phương án tăng cường năng lực tài chính cho những bộ phận trọng yếu, quyết định đến doanh thu và lợi nhuận.
Cảnh giác với thâu tóm “thù địch”
Việc mua bán, sáp nhập đem lại nhiều lợi ích khi các cổ đông, nhà quản trị của bên mua - bán cùng hợp tác, tham gia mua cổ phần với sự đồng ý của bên kia hoặc công khai minh bạch. Trong trường hợp này sẽ kết hợp được sức mạnh, thúc đẩy tăng trưởng, tăng thị phần, tiếp cận nguồn lực mới, đa dạng hóa hoạt động...
![]() |
Thương hiệu Bibica đã bị đối tác Lotte thâu tóm |
Thế nhưng, sẽ là thiếu thân thiện khi thâu tóm bằng cách dùng tiền âm thầm mua vào để thôn tính doanh nghiệp khác vì nhìn thấy có lợi ích khi sở hữu doanh nghiệp này.
Tình trạng thâu tóm “thù địch” dường như đang có “đất sống” khi giai đoạn vừa qua kinh tế khó khăn, giá CP xuống thấp, doanh nghiệp chủ quan không bảo vệ mình.
Trên thực tế, nhiều vụ thâu tóm “thù địch” đã để lại những hậu quả nặng nề như mâu thuẫn gia tăng ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, điển hình như vụ thâu tóm Dược Hà Tây, Tribeco… hay những lùm xùm xung quanh ý định thâu tóm Sacombank của nhóm cổ đông Eximbank.
Theo ông Mạc Quang Huy, Phó Tổng giám đốc CTCK Thăng Long, doanh nghiệp cần có biện pháp phòng vệ trước khi thôn tính như quy định việc bầu HĐQT phải tiến hành theo kiểu đan xen, mỗi năm chỉ bầu lại tối đa bao nhiêu ghế; hay khi có các nhà đầu tư lớn tham gia doanh nghiệp, cần có các hợp đồng với nhà đầu tư lớn trong đó quy định việc nhà đầu tư muốn thoái vốn phải ưu tiên bán cho cổ đông sáng lập.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, các chiêu thức chống thôn tính thường thấy mà doanh nghiệp có thể áp dụng như: mua CP quỹ nếu giá quá rẻ và doanh nghiệp dư thừa tiền mặt; phát hành thêm CP ở mức vừa phải có tính toán; cho phép cổ đông hiện tại được quyền mua CP mới với mức giá thấp hơn nhiều so với giá đang giao dịch.