Giá bình quân lâu nay đã được chấp nhận
Theo quy định tại Điều 4 của Quyết định 24/2017 do Thủ tướng ban hành, giá điện bình quân được tính trên cơ sở giá điện sản xuất tại các nhà máy và điện nhập khẩu, cộng lợi nhuận định mức từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ (bao gồm cả chi phí chạy thử nghiệm); chi phí mua dịch vụ truyền tải điện kèm lợi nhuận định mức, mua dịch vụ phân phối kèm lợi nhuận định mức và quản lý chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Giá điện bình quân cũng tính luôn lỗ do tỷ giá, các chi phí mua dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực cộng lợi nhuận định mức, bao gồm cả chi phí điều tiết thị trường điện lực… bảo đảm ngành điện có lãi để tái đầu tư.
Giá điện bình quân này tính chung cho cả 4 nhóm đối tượng: sản xuất công nghiệp, khối hành chính sự nghiệp, khối kinh doanh thương mại và điện cho sinh hoạt.
Ở nhiều nước giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt cao hơn giá điện bình quân, với mục đích bù trừ cho sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tăng sức cạnh tranh các ngành sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cần công khai, minh bạch các mức bù chéo giữa giá điện sinh hoạt với khu vực sản xuất, kinh doanh thương mại và khối hành chính sự nghiệp.
Còn mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành tại Quyết định 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương đã được Chính phủ phê duyệt và áp dụng từ ngày 20-3-2019, được quy định 1.864,44 đồng/kWh. Trên cơ sở đó, mức giá bán lẻ điện sinh hoạt được xác định 2.018 đồng/kWh. Như vậy, đây được coi là giá người tiêu dùng chấp nhận, do giá điện vẫn được Chính phủ quản lý.
Trong kinh tế thị trường, nếu coi điện như mọi hàng hóa khác, EVN chỉ được bán với đúng mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được quy định. Tức chỉ nên áp dụng 1 giá, ai dùng ít trả ít, ai dùng nhiều trả nhiều, đảm bảo sự công bằng trong mua bán hàng hóa.
Thay đổi từ chủ thể bán điện
Thay đổi từ chủ thể bán điện
Theo đề án của Chính phủ, sắp tới EVN sẽ tiến hành cổ phần hóa nhiều chủ thể, nhiều đối tượng trong cơ cấu thị trường bán buôn và bán lẻ điện, thậm chí có thể cổ phần hóa toàn bộ các chủ thể. Trong kinh tế thị trường, EVN cũng chỉ là doanh nghiệp như nhiều doanh nghiệp khác. Cần tách riêng việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội khỏi chức năng, nhiệm vụ của một doanh nghiệp.
Đối với các hộ nghèo, hộ chính sách hiện nay đã có các khoản hỗ trợ an sinh của Chính phủ. Theo đó, các hộ nghèo về thu nhập hoặc hộ chính sách xã hội, theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định, được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng.
Việc hỗ trợ nhiều hay ít tùy thuộc vào việc Chính phủ xác định mức độ sử dụng tối thiểu của người dân, khả năng có thể đáp ứng của ngân sách và được chuyển thẳng tới người thụ hưởng.
EVN chỉ nên chú tâm vào công việc của mình là sản xuất điện nhiều nhất, tìm cách hạ giá thành sản xuất điện, giảm sản lượng điện hao phí trong truyền tải và phân phối điện, đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng, về bảo vệ môi trường và kinh doanh hiệu quả nhất.
Việc phân chia theo bậc thang để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm điện, có thể coi là cần thiết trong điều kiện người dân ngày càng có thu nhập cao, có nhiều nhu cầu sử dụng điện và có nhiều máy móc thiết bị sử dụng điện hơn, trong khi sản xuất điện không tăng trưởng kịp.
Về nguyên tắc bù chéo giữa các nhóm tiêu dùng ở các bậc thang, tổng doanh thu bán điện của EVN theo các bậc thang phải bằng giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định, nhân tổng sản lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt của người dùng. EVN không được phép hưởng khoản thu lớn hơn tổng sản lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt tính theo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt.
Những bất cập cần tháo gỡ
Những bất cập cần tháo gỡ
Bộ Công Thương cần giải thích rõ tại sao các bậc thang đều trên mức giá bán lẻ điện bình quân (trừ bậc thang 1 dưới mức giá bán lẻ điện bình quân), làm giá bán lẻ điện bình quân thực tế cao hơn giá bán lẻ điện bình quân đã được Chính phủ quy định. |
Bộ Công Thương cần giải thích tại sao lại đưa ra các con số này. Điều này làm cho giá bán lẻ điện bình quân thực tế cao hơn giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định. Để chính xác, rất cần số liệu thống kê cụ thể về các hộ gia đình tiêu thụ điện ở từng mức sử dụng, sản lượng điện năng tiêu thụ trong thời gian vừa qua.
Vì mức giá bậc thang bình quân thực tế cao hơn giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt theo quy định, EVN sẽ được hưởng phần chênh lệch này. Hơn nữa, khi thời tiết nắng nóng hay quá lạnh, hoặc các dịp lễ, Tết, lượng tiêu thụ điện của các gia đình tăng làm số người tiêu dùng ở các bậc thang “nhảy bậc” và EVN càng được hưởng khoản chênh lệch lớn hơn.
Việc tính giá điện bậc thang cũng không giải quyết được vấn đề về tính công khai, minh bạch trong việc “co ngắn” hay “kéo giãn” thời gian đo đếm điện để “đẩy bậc” giá điện người sử dụng mà lâu nay dư luận bàn tán.
Về bản chất, tính giá điện bậc thang với các mức giá càng sử dụng nhiều giá càng cao để hạn chế người dân sử dụng nhiều điện, cũng giống như việc dùng thuế tiêu thụ đặc biệt để điều chỉnh hành vi tiêu dùng các mặt hàng Chính phủ không khuyến khích sử dụng.
Trong thuế này, Chính phủ sẽ đánh thuế suất lũy tiến vào các mức sử dụng nhiều hàng hóa nào đó. Khoản thu này nhằm khắc phục các tác động tiêu cực của hàng hóa đến sản xuất, tiêu dùng, sức khỏe, đời sống hay tác động môi trường của hàng hóa.
Tuy nhiên, trong việc sử dụng giá điện bậc thang, phần chênh lệch do mức thu thực tế lớn hơn mức thu theo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt lại biến thành lợi nhuận của EVN và được EVN tùy ý sử dụng.
Nếu bóc tách được khoản chênh lệch này và nộp cho ngân sách, Chính phủ sẽ dùng số thu đó để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành điện; đầu tư cho nghiên cứu, áp dụng các biện pháp sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng; đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hoặc các nguồn năng lượng mới để cho sản xuất sẽ hợp lý hơn.