Mệnh lệnh hành động

Với kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014 khá toàn diện: GDP vượt chỉ tiêu (5,8%), đạt 5,98%; lạm phát được kiểm soát với mức tăng khá thấp, chỉ 1,84%, mức thấp nhất trong 10 năm qua; hàng tồn kho ngành công nghiệp giảm, chỉ tăng 9,4% (so với mức tăng 21,5% cùng kỳ năm 2013)... dường như nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu tiến trình phục hồi tăng trưởng một cách vững chắc.

Với kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014 khá toàn diện: GDP vượt chỉ tiêu (5,8%), đạt 5,98%; lạm phát được kiểm soát với mức tăng khá thấp, chỉ 1,84%, mức thấp nhất trong 10 năm qua; hàng tồn kho ngành công nghiệp giảm, chỉ tăng 9,4% (so với mức tăng 21,5% cùng kỳ năm 2013)... dường như nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu tiến trình phục hồi tăng trưởng một cách vững chắc.

Trước thềm năm mới Ất Mùi, ĐTTC đã có cuộc trưng cầu ý kiến một số chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp (xem chuyên đề Tự chủ - Hội nhập trong số báo này), nhiều người cho rằng năm 2015 tiền đồ, triển vọng nền kinh tế “dễ thở” hơn khi các chỉ tiêu Quốc hội đưa ra năm 2015 không quá tầm với: GDP tăng khoảng 6,2%, CPI khoảng 5%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%...

Mặt khác, thành quả nổi bật trong năm qua là kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ giá được kiểm soát, thanh khoản ngân hàng thương mại đảm bảo, lạm phát giảm đã tạo điều kiện kéo giảm lãi suất, sẽ kích hoạt sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia, doanh nghiệp vẫn tỏ thái độ thận trọng về xung lực phát triển trong năm mới, cho rằng chỉ tiêu CPI 6,2% vẫn khó thực hiện nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan công quyền và sự năng động của lực lượng doanh nghiệp. Nguyên nhân: Niềm tin thị trường được nhen nhóm nhưng chưa có sự bùng phát mạnh mẽ; sức mua yếu, nợ xấu nền kinh tế có cải thiện nhưng chưa xử lý triệt để. Việc triển khai có hiệu quả các Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), các luật thuế (sửa đổi) và việc cải thiện môi trường kinh doanh để tăng cơ hội, đối xử bình đẳng mọi thành phần doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất... vẫn là điểm nghẽn, đòi hỏi phải quyết liệt tháo gỡ ở chặng đường phía trước.

Thành quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong năm qua là đáng trân trọng. Nhưng nhìn cả giai đoạn 2011-2014, GDP nước ta bình quân chỉ đạt 5,7%/năm, là khá thấp so với mục tiêu Đại hội XI đề ra (7-7,5%/năm); thấp hơn giai đoạn 2006-2010 (7%/năm). Phân tích thực thể nền kinh tế và bối cảnh chung các chuyên gia nhận định nước ta tăng trưởng dưới tiềm năng, xếp sau cả Lào và Campuchia về các chỉ số. Còn theo nghiên cứu về chỉ số năng suất sáng tạo, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), xếp hạng Việt Nam đứng thứ 16 sau Singapore (10), Indonesia (12), Malaysia (13), Thái Lan (15) do nguồn nhân lực yếu kém, số lượng các sáng chế được bảo hộ, các bài báo khoa học công bố ở mức thấp.

Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu chỉ tăng trưởng 5-6% trong những năm tới. Để thoát bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải tạo ra sự đột phá về tăng trưởng, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 9%/năm trong giai đoạn tới. Tại một cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng khả năng tụt hậu của Việt Nam “đã rất rõ, không còn là nguy cơ nếu không có những động lực mới kích hoạt tăng trưởng trong 10 năm tới. Về thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam sẽ thua so cả với Lào, Campuchia, Myanmar”.

Chìa khóa để tạo động lực tăng trưởng, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đòi hỏi Việt Nam phải có hành động quyết liệt trong cải cách thể chế, tạo sân chơi công bằng đối với mọi thành phần kinh tế; tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân; tạo chính sách đột phá cải thiện nguồn nhân lực, động lực sáng tạo trong thời gian tới. Vấn đề này không mới, đã được thừa nhận, nêu ra trên nhiều diễn đàn, nhưng sự chuyển biến rất chậm chạp. Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, mô hình tăng trưởng mới nước ta vẫn chưa thực sự định hình: Công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu, công nghiệp chế tạo phát triển chậm, công nghiệp lắp ráp còn chiếm tỷ trọng lớn. Chính sách tác động chưa đủ mạnh để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia vào khu vực công, ngành công nghệ cao và các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại. Tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm, hiệu quả chưa rõ; quản trị doanh nghiệp chậm đổi mới...

Năm 2015 mở ra với nhiều cơ hội từ việc liên kết kinh tế khu vực và các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, thực thi trong xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ. Thời gian không chờ đợi ai, nhất là trong bối cảnh các nước “yếu” trong khu vực đang có động thái vươn lên ấn tượng: Indonesia, Philippines, Myanmar, Campuchia. Vì vậy, 2015 và các năm tiếp theo không còn thời gian chần chừ mà phải quyết liệt hành động. Mệnh lệnh từ cuộc sống là phải nâng cao năng lực nội sinh; các doanh nghiệp Việt phải vươn lên mạnh mẽ, sánh vai với các nước trong sân chơi chung nếu không muốn bị tụt hậu hoặc mất hút trong tiến trình hội nhập. Mặt khác, thực tế diễn biến năm qua ở biển Đông cho thấy cần thiết xây dựng một nền kinh tế tự chủ, trong đó lực lượng doanh nhân phải xung kích, đi đầu; không thể phụ thuộc vào một thị trường, đối tác truyền thống. Công cuộc tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế phải xây dựng cho được lực lượng doanh nghiệp nội địa đủ mạnh trước sự áp chế từ bên ngoài trong tiến trình toàn cầu hóa.

Mệnh lệnh của đất nước là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Điều này không phải là sự hô hào suông, mà do biểu hiện khả năng tụt hậu nước ta khá rõ, trong khi đó cuộc cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra ác liệt sẽ nhấn chìm bất cứ đối tác nào không có ý chí tiến thủ.

“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ, vận hội và thách thức đan xen, chuyển hóa khôn lường; hoặc là tụt hậu, tức là bị bỏ rơi; hoặc là bứt phá, vươn lên để bắt nhịp cùng thời cuộc, làm chủ vận mệnh của mình, mà nếu dừng lại chính là tụt hậu. Mà tụt hậu, nhất là về kinh tế, tất yếu khó tránh khỏi lệ thuộc, sẽ không thể nào cải thiện, nâng cao đời sống của Nhân dân” - nhân dịp đầu năm mới 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài viết, nêu nhận định. Đây có thể xem là một hiệu triệu hành động, quốc gia hưng vong bắt nguồn từ sự nỗ lực hôm nay...

Các tin khác