Mở lối cho vay tài chính tiêu dùng

Hiện nay, dự thảo bộ Luật Dân sự (sửa đổi) và bộ Luật Hình sự (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến, trong đó vấn đề trần lãi suất cho vay và tội danh cho vay nặng lãi đang được các đại biểu quốc hội đưa lên bàn nghị sự tranh luận. Phía cơ quan quản lý muốn đưa ra “chốt chặn” để ngăn cho vay nặng lãi, trong khi nhiều chuyên gia kinh tế-tài chính cho rằng trần lãi suất vừa thiếu thực tế vừa phi thị trường.

Hiện nay, dự thảo bộ Luật Dân sự (sửa đổi) và bộ Luật Hình sự (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến, trong đó vấn đề trần lãi suất cho vay và tội danh cho vay nặng lãi đang được các đại biểu quốc hội đưa lên bàn nghị sự tranh luận. Phía cơ quan quản lý muốn đưa ra “chốt chặn” để ngăn cho vay nặng lãi, trong khi nhiều chuyên gia kinh tế-tài chính cho rằng trần lãi suất vừa thiếu thực tế vừa phi thị trường.

Nhu cầu lớn, rủi ro cao

Tiềm năng tăng trưởng đối với tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam rất lớn. Cho vay tiêu dùng đang bùng nổ mạnh mẽ vài năm gần đây với sự xuất hiện của hàng loạt công ty tài chính (CTTC). Theo báo cáo của Công ty StoxPlus, tổng quy mô của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đến nay đạt khoảng 10,4 tỷ USD, với mức tăng trưởng khoảng 18%/năm. Một số CTTC chiếm thị phần lớn trong nước như Home Credit, FE Credit, HD SAISON, Prudential Finance...

Dự thảo bộ Luật Dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội đưa ra 2 phương án về lãi suất. Phương án 1, quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ Luật dân sự tối đa 20%/năm của khoản tiền vay. Phương án 2, các bên có thỏa thuận lãi suất nhưng không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Nói chung, phương án 1 hay 2 lãi suất cho vay trong khuôn khổ của 20% là hợp pháp, trên 20% coi như cho vay nặng lãi.

Ông Hà Hùng Cường,
Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng (NH), tại Việt Nam các sản phẩm cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng (TCTD) khá đa dạng, từ hình thức cho vay qua thẻ tín dụng, vay mua ô tô, sửa nhà, đến mua sắm đồ gia dụng, công nghệ... Tuy nhiên, thị phần cho vay tiêu dùng chỉ mới chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong khi ở các nước khác con số này khoảng 15-25%. Hiện hầu hết NH chỉ mới cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng hoặc cho vay với các khoản chi tiêu lớn như mua xe, mua nhà, sửa nhà...

Các khách hàng có nhu cầu vay món nhỏ hoặc không chứng minh được thu nhập rất khó tiếp cận vốn nếu như không có các CTTC. Thủ tục vay vốn qua CTTC đơn giản, nhanh chóng, chỉ cần có chứng minh thư, sổ hộ khẩu (hoặc KT3) là có thể được xem xét cho vay, không nhất thiết phải có tài sản thế chấp. Còn vay tiêu dùng tại các NH thủ tục nhiều hơn như phải chứng minh được khả năng trả nợ, các khoản vay lớn phải có tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay tiêu dùng của CTTC khá cao, chính vì vậy nhiều ý kiến cho rằng cần khống chế bằng việc áp trần đối với lãi suất cho vay tiêu dùng. Về vấn đề này, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nhấn mạnh, đừng nhầm lẫn khi so sánh lãi suất vay tại các CTTC với lãi suất NH, vì đặc thù các sản phẩm vay của 2 kênh này hoàn toàn khác nhau.

Nếu so sánh  với các CTTC tương tự tại các nước trên thế giới, mức lãi suất của các CTTC tại Việt Nam tương tự hoặc thấp hơn. Nếu xét đúng theo nhu cầu vay, mức lãi suất tại các CTTC so với các lãi suất phi NH khác không cao. Vì vậy, cần có sự so sánh công bằng hơn khi bàn về lãi suất.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (NHNN), cũng cho rằng bản chất của lãi suất cho vay là mức độ rủi ro, khách hàng càng rủi ro lãi suất càng cao. Các NHTM tập trung cho vay nhóm khách hàng đạt chuẩn và chủ yếu cho vay những khoản vay lớn hoặc cho vay qua thẻ, nên rủi ro thấp và đương nhiên lãi suất cũng thấp. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tiếp cận những khoản vay này. Trong khi đó, các CTTC lại hướng vào nhóm khách hàng không đủ tiêu chuẩn tiếp cận vốn NH, nên chịu rủi ro nợ xấu cao hơn và tất nhiên lãi suất cho vay sẽ cao hơn. Vì vậy, nếu áp trần lãi suất vừa thiếu thực tế vừa phi thị trường và khiến nhiều người khó tiếp cận vốn hơn.  

Có nên áp trần lãi suất?

Một khi người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không thể tiếp cận vốn tại NH cũng như các CTTC, tín dụng đen sẽ có cơ hội tăng trưởng và kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực về kinh tế-xã hội. Bài học thực tế ở Anh đã cho thấy điều đó. Trước đó, các CTTC ở Anh cho vay tiêu dùng với lãi suất 20%/năm, tức gấp 10 lần so với NH (thường cho vay thế chấp với mức 2-3%/năm), song nhu cầu vốn của khách hàng vẫn tăng và CTTC vẫn khai thác được.

Cho vay tiêu dùng là hoạt động vay mượn khá đặc thù, dựa trên tín chấp là chủ yếu và các thủ tục giấy tờ khá đơn giản, vì vậy độ rủi ro cao hơn so với các hình thức tín dụng thông thường, nên lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ cao hơn so với mặt bằng lãi suất chung. Do đó, để quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng, không nên áp trần lãi suất mà phải dựa trên thỏa thuận giữa khách hàng và bên cho vay, nếu khống chế trần lãi suất sẽ gây rủi ro, làm méo mó thị trường.

TS. Cấn Văn Lực

Thế nhưng sau đó Chính phủ Anh đã điều chỉnh, đưa ra mức lãi suất trần để khống chế lãi suất trong cho vay tiêu dùng. Chính quy định này đã gây khó khăn cho các CTTC trong hoạt động kinh doanh và mở rộng hoạt động cho vay rộng rãi để đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng của khách hàng. Trong khi đó, người dân Anh vẫn có nhu cầu tiêu dùng nhưng nhiều người không đủ tài sản thế chấp và không thể tiếp cận vốn từ các NH và CTTC. Do đó, tín dụng đen gia tăng và có cơ hội tham gia kinh doanh lĩnh vực cho vay một cách bất hợp pháp, khiến mọi thứ tệ hại hơn trước đó. Họ không cho vay ở mức 20%/năm mà là 300-400%/năm.

Chính phủ Anh khi đó phải đối mặt với vô vàn khó khăn, không chỉ vấn đề về các băng đảng xã hội mà còn nổi lên nạn thất nghiệp, mức thu từ thuế doanh nghiệp cũng giảm đáng kể. Nước Anh sau đó đã thay đổi, mở cửa trường cho vay tiêu dùng để thu hút các CTTC trở lại, đồng thời bỏ việc áp trần lãi suất. Ở Việt Nam dù có tín dụng đen, nhưng không quá nghiêm trọng như Anh. Tuy nhiên, theo ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các CTTC hoạt động hiệu quả để cung cấp các khoản vay có lợi cho người tiêu dùng. Mặt khác, khi thị trường được mở và có nhiều đối thủ cạnh tranh, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, vì một khi cạnh tranh gay gắt lãi suất sẽ tự động giảm.

Ủng hộ quan điểm khuyến khích cho vay tiêu dùng khi xu hướng này đang ngày càng phát triển, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính-NH, cũng cho rằng cần có cơ chế khuyến khích phát triển nhiều hơn nữa các CTTC tiêu dùng. Có như vậy mới có thể tạo nên sự cạnh tranh, buộc các CTTC đưa ra các sản phẩm tín dụng lãi suất bằng 0% thông qua việc kết hợp tiêu thụ các sản phẩm thương mại trong liên kết kinh doanh của mình với các nhà sản xuất. Từ đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn khi có nhu cầu vay tiêu dùng, thay vì phải trả 40-45%/năm như hiện nay hoặc tìm đến tín dụng đen. Vì vậy, CTTC là cần thiết nhằm giúp các đối tượng khách hàng không được NH phục vụ tiếp cận các dịch vụ tài chính được pháp luật bảo vệ, cũng như giúp giảm vấn nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

Công khai, minh bạch

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN TPHCM, cho hay việc gần đây xuất hiện các trường hợp khiếu kiện liên quan đến CTTC thực ra không phải mới, mà chẳng qua trước đây người vay không có chỗ để kiện những người cho vay tín dụng đen. Hơn nữa, nếu có khởi kiện những người cho vay tín dụng đen họ lại không bị quy vào hành động cho vay trái phép mà là kinh doanh trái phép, vì trong luật của chúng ta hiện nay không có cụm từ “cho vay trái phép”. Do vậy, khi CTTC phát triển và chịu sự kiểm soát của NHNN, việc kiện tụng, tranh chấp bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.

Theo ông Minh, thời gian qua NHNN đưa ra rất nhiều ràng buộc với các TCTD cũng như CTTC, đòi hỏi công khai minh bạch trong việc niêm yết lãi suất. Còn tín dụng đen, hoạt động này thường không công khai lãi suất, chỉ thỏa thuận miệng, không có cơ sở pháp lý. Trong khi đó, nhu cầu vốn tiêu dùng tăng trưởng khá nhanh khi cuộc sống của người dân thay đổi.

Thống kê của NHNN TPHCM cho thấy trong 3 năm qua tín dụng tiêu dùng tăng gấp 3 lần; dư nợ tín dụng tiêu dùng tính đến cuối tháng 9-2015 chiếm 6,8% tổng dư nợ (tương đương 80.000 tỷ đồng, gấp đôi tổng dư nợ tín dụng của một số TP lớn như Đà Nẵng, Cần Thơ). Vì vậy, để kiểm soát những rủi ro trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, ông Minh cho rằng các TCTD cung ứng dịch vụ tài chính tiêu dùng, mà cụ thể là các CTTC phải công khai minh bạch hơn. Một phần, do trình độ người đi vay còn hạn chế nên đòi hỏi đơn vị cung ứng vốn cần rõ ràng thông tin từ cả bên vay và cho vay.

Tại một điểm giới thiệu hình thức cho vay tiêu dùng của CTTC.

Tại một điểm giới thiệu hình thức cho vay tiêu dùng của CTTC.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, ở các nước phương Tây hoạt động cho vay tiêu dùng rất phổ biến, đặc biệt qua hình thức cho vay “payday”, là những khoản cho vay tiêu dùng nhỏ và ngắn hạn (xem bài “Bẫy payday”, đăng trên trang Nhìn ra thế giới, ĐTTC ngày 5-11). Để kiểm soát hoạt động này, tại Canada chính phủ áp trần lãi suất cho vay 60%/năm.

Tuy nhiên, vào năm 2006 chính quyền liên bang cho phép các tỉnh có thể “cởi trói” các nhà cho vay payday khỏi mức trần lãi suất đó nếu phù hợp. Vì vậy, vấn đề trần lãi suất đã bị vô hiệu hóa. Thay vào đó, giới phân tích cho rằng cần yêu cầu các nhà cho vay payday niêm yết công khai lệ phí của họ dưới hình thức lãi suất theo năm. Theo giới chuyên gia, dù thời hạn vay có thể không kéo dài đủ năm, nhưng cần tính theo lãi suất năm để khách hàng dễ so sánh và có cái nhìn rõ ràng hơn về những rủi ro lãi suất họ có thể phải chịu.

Các tin khác