Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản

Trong 24 mặt hàng xuất khẩu chủ lực nước ta, hàng nông, lâm, thủy sản chiếm gần một nửa. Một số mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ đến trên 3 tỷ USD. Một số mặt hàng đang đứng vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu như hồ tiêu (14,3% thị phần), cà phê vối (40%) và hạt điều (9,5%), gạo (12%)... Tuy nhiên xuất khẩu hàng nông sản vẫn thiếu tính bền vững.

Trong 24 mặt hàng xuất khẩu chủ lực nước ta, hàng nông, lâm, thủy sản chiếm gần một nửa. Một số mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ đến trên 3 tỷ USD. Một số mặt hàng đang đứng vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu như hồ tiêu (14,3% thị phần), cà phê vối (40%) và hạt điều (9,5%), gạo (12%)... Tuy nhiên xuất khẩu hàng nông sản vẫn thiếu tính bền vững.

Hỗ trợ nông dân

Cho đến nay, hàng nông sản Việt Nam có mặt ở trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường các nước châu Á chiếm tới 70% kim ngạch nông sản xuất khẩu Việt Nam. Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ là 3 thị trường lớn, chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản nước ta. Giá trị xuất khẩu hàng nông sản tăng trưởng liên tục trong thời gian qua đã làm tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, tăng thu nhập của người dân. Tuy nhiên, sự biến động với biên độ cao, không ổn định của giá cả hàng nông sản trên thị trường thế giới đã gây bất lợi cho hoạt động sản xuất lẫn xuất khẩu.

Hiện nay giá hầu hết mặt hàng nông sản nước ta đều phụ thuộc vào giá cả thị trường thế giới, kể cả những mặt hàng đứng vị trí thứ nhất, thứ nhì như gạo, cà phê, cao su, điều, hạt tiêu. Bên cạnh đó, đầu tư hàng năm vào khu vực nông nghiệp của Nhà nước chỉ chiếm khoảng 5-6% tổng chi ngân sách, tư nhân chiếm khoảng 15% tổng số đầu tư mới và FDI chiếm dưới 5%..., là những nguyên nhân khiến xuất khẩu nông sản Việt Nam kém bền vững.

Muốn phát triển xuất khẩu hàng nông sản nhanh và bền vững, đòi hỏi phải tạo ra được sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức, đổi mới mạnh mẽ trong tư duy của cán bộ và người dân. Đã đến lúc phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng xuất khẩu theo chiều rộng, coi trọng “số lượng”, “thành tích” sang mô hình tăng trưởng xuất khẩu theo chiều sâu - tức là coi trọng chất lượng tăng trưởng, hiệu quả tăng trưởng xuất khẩu.

Để đảm bảo xuất khẩu các mặt hàng nông sản bền vững trong giai đoạn mới, giải pháp trước tiên cần tiến hành là điều chỉnh các chính sách hỗ trợ nông nghiệp phù hợp với cam kết WTO. Từ đó chuyển dịch cơ cấu hàng nông sản xuất khẩu theo hướng vừa phát huy lợi thế cạnh tranh, vừa nâng cao giá trị gia tăng. Để làm được điều này, Nhà nước cần tăng cường chính sách hỗ trợ phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, có tính đến các cam kết quốc tế.

Theo đó, cần tích cực sử dụng các hình thức hỗ trợ được WTO cho phép như thực hiện các chính sách hỗ trợ “hộp xanh” để khuyến khích đầu tư hơn nữa vào công nghệ mới, công nghệ sạch trong sản xuất kinh doanh hàng nông sản ngay từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và dự trữ để làm tăng chất lượng sản phẩm.

Tăng cường đầu tư cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, thủy lợi, nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi và đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu hướng về xuất khẩu cần phải đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết giữa các vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến, kho dự trữ, chợ đầu mối, sàn giao dịch phục vụ xuất khẩu... Ngoài ra, cần tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn người sản xuất đầu tư theo quy trình thâm canh tiên tiến, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch ở các vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư cho các vùng nguyên liệu này, nên có các biện pháp khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Khai thông thị trường

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản theo hướng căn cơ, cần đổi mới chính sách hỗ trợ xuất khẩu theo hướng linh hoạt và phù hợp với tình hình mới. Trong bối cảnh Việt Nam mở cửa thị trường, thực hiện cam kết gia nhập WTO hiện nay, xu thế bảo hộ gia tăng, diễn biến giá cả thị trường hàng nông sản ngày càng phức tạp và biến động thất thường, khó dự đoán, Nhà nước cần đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông thị trường xuất khẩu. Việc cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin thị trường cho nông dân để đưa ra các quyết định đúng đắn là rất quan trọng.

Chính phủ cần tăng cường đầu tư nghiên cứu để cung cấp thông tin, dự báo về diễn biến giá cả, cung cầu thị trường hàng nông sản, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Bên cạnh đó, cần lựa chọn, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại có giá trị gia tăng cao như kết hợp xúc tiến thương mại với các hoạt động quảng bá du lịch, truyền thông đại chúng, văn hóa ẩm thực... nhằm giúp các doanh nghiệp có được các cơ hội kinh doanh, giảm thiểu rủi ro trên thương trường.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ, phân công rõ trách nhiệm các hoạt động thương mại ở các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở lấy hợp tác và cạnh tranh là cơ sở nền tảng để phát triển mạng lưới xúc tiến thương mại. Cần phân quyền cho các hiệp hội có đủ năng lực cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho doanh nghiệp như đào tạo, cung cấp thông tin, thực hiện tư vấn kinh doanh, chứng nhận chất lượng...

Để mở rộng thị trường xuất khẩu cần tăng cường trách nhiệm cho các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước ngoài trong hoạt động giới thiệu, quảng bá và trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận và thâm nhập thị trường quốc tế, đặc biệt là đối với những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Các thành phần kinh tế cũng cần nỗ lực xúc tiến thương mại, tránh thụ động, trông chờ vào kinh phí và những chương trình xúc tiến thương mại của Nhà nước như hiện nay.

Các tin khác