Có room nhưng cửa vay vẫn hẹp
Giữa tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1156/CĐ-TTg về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Công điện yêu cầu NHNN có các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các TCTD đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; tiết giảm chi phí để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay.
Đồng thời, tín dụng phải vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân). Sau đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện yêu cầu ngành NH cho vay và giải ngân nhanh chóng đối với doanh nghiệp (DN), dự án bất động sản (BĐS) đủ điều kiện; ưu tiên cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp.
Với mức tăng thêm này, hệ thống các TCTD sẽ có khoảng 240.000 tỷ đồng. Dư địa này khá lớn để các NHTM cung ứng vốn cho các DN, nền kinh tế. Về phía NHNN, lần này nhà điều hành không chia đều miếng bánh mà có sự thận trọng trong việc cấp hạn mức (room) tín dụng cho các NH. Tức tín dụng mới phân bổ cho những NHTM có khả năng thanh khoản dồi dào và thực hiện chính sách giảm lãi suất hiện nay.
Thông tin nới chỉ tiêu TTTD là một tin vui sau nhiều ngày thị trường “ngột ngạt” trong room tín dụng hạn hẹp. Tuy nhiên tại một tọa đàm diễn ra vào ngày 13-12, tức 8 ngày sau khi NHNN thông báo nới chỉ tiêu TTTD, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM chia sẻ: “Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN hỏa tốc cung ứng vốn cho nền kinh tế, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn cần có độ trễ, DN mong muốn từ chỉ đạo này, các NHTM sớm nới room tín dụng để DN có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn, giúp DN vượt qua khó khăn. Bởi lâu nay việc tiếp cận vốn không dễ. Nhiều DN sản xuất kinh doanh vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn NH dù NHNN đã cơi nới room".
Còn TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, để hệ thống NH có thể cung ứng ra nền kinh tế khoảng 300.000 tỷ đồng là rất thách thức, vì nhu cầu vốn của DN và nền kinh tế rất lớn, nhưng TCTD cũng là DN. Họ cho vay trên các điều kiện, điều khoản cho vay, không thể hạ chuẩn cho vay những DN đang lỗ… Tiền cho vay từ huy động của người dân. DN phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được. Và ông Quang cũng thừa nhận trong bối cảnh này, NHTM cũng phải “đốt đuốc” tìm DN tốt. Từ đây có thể thấy, trước đây thiếu room tín dụng nhiều DN không tiếp cận được với nguồn vốn, nay dù có room tín dụng cửa vay cũng chưa rộng mở với DN.
Vốn sẽ chảy đi đâu?
Tháng 12 này, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng tăng từng ngày. Nguyên nhân vẫn từ vấn đề cũ, tăng trưởng huy động vốn chưa theo kịp tốc độ TTTD. Một mặt, các nhà băng phải tìm cách hút vốn để cân đối tỷ lệ giữa số dư tín dụng so với nguồn vốn huy động của NH. Mặt khác, từ tháng 10-2022, các NH cũng phải giảm sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 34%, nên đang trong tình thế phải đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn với lãi suất cao để đáp ứng quy định.
Với lý do “để phục vụ công tác quản lý hoạt động NH và điều hành chính sách tiền tệ”, NHNN đã yêu cầu từ ngày 12-12 các NHTM phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của các giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần. Có thể hiểu, nhà điều hành đang muốn kiểm soát đà tăng lãi suất của các nhà băng. Nhưng trên thị trường, biểu lãi suất niêm yết công khai và lãi suất thỏa thuận ngầm lại không trùng khớp.
Vào ngày 14-12, đã có một NH gửi biểu lãi suất riêng đến khách hàng với lãi suất tiền gửi 6 tháng cho khoản tiền gửi 300 triệu đồng là 10,1%/năm, từ 1 tỷ đồng là 10,5%/năm, từ 3 tỷ đồng là 10,9%/năm, từ 10 tỷ đồng là 11%/năm. Đồng thời, gửi 1 tỷ tặng 1 triệu đồng, gửi 10 tỷ tặng 10 triệu đồng. Trong khi theo biểu lãi suất niêm yết trên website, lãi suất huy động cao nhất chỉ 9,2%/năm. Vậy liệu những thông tin “cộng thêm” hay “quà tặng” nằm ngoài biểu lãi suất niêm yết này có được báo cáo lên NHNN? Nhưng qua đó có thể hình dung được mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó êm ả như công bố của ngành NH.
Đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, NHNN có trần lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ, tức là các DN này có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. Song để được cấp tín dụng, DN đó phải đủ điều kiện, đáp ứng được tiêu chí xét duyệt của NH. Vậy nên lúc này, nếu DN trong lĩnh vực sản xuất đến NH nhưng bị từ chối cho vay cũng không lạ. Vì NH được yêu cầu phải nâng cao chất lượng tín dụng, trong khi DN trong nước hiện nay bị bủa vây trong nhiều khó khăn. Thế nên kể cả gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng của Chính phủ để hỗ trợ DN phục hồi sau dịch đến nay vẫn triển khai chậm.
Ở một phía khác, các DN luôn rất cần vốn nhưng hiện nay họ cũng đã chuẩn bị xong hoặc gần xong nguồn hàng Tết phục vụ trong nước, đơn hàng xuất khẩu cũng bị sụt giảm, việc nhà băng treo một mức lãi suất cao cũng sẽ chặn lại việc vay vốn ngay lúc này để tính chuyện làm ăn xa hơn. Thế nên, chính sách hướng tín dụng vào sản xuất hiện nay cũng chưa hẳn là khả thi và lạc quan như mong muốn của nhà điều hành.
Trong khi đó, thị trường vẫn đang có những đối tượng đang rất cần vốn và chấp nhận trả lãi suất cao. Đó là các DN BĐS, đó là các nhà đầu tư BĐS cá nhân. Việc siết tín dụng BĐS cộng với biến động trên thị trường trái phiếu DN xảy ra cùng một lúc trong thời gian qua đã đẩy DN BĐS vào tình trạng khát vốn trầm trọng. Thậm chí, Hiệp hội BĐS TPHCM còn cho biết, một số tập đoàn, DN BĐS phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang bị “ngộp” vốn đã gấp gáp rao bán BĐS với lý do cắt lỗ, giảm giá, kẹt tiền bán gấp, áp lực trả nợ NH… nhưng vẫn khó ra hàng. Và đây là 2 đối tượng rất cần vốn để giải vây cho dù lãi suất cao.
NH đang có dư địa cho vay nhưng sản xuất kinh doanh khó hấp thụ được hết. Vậy nên dòng tín dụng mới này có bị các bên tìm cách lách hay không vẫn là một câu hỏi mở.