Các tham luận tại hội thảo cho thấy, quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là quá trình tất yếu đã và đang diễn ra ở TPHCM, ứng với vai trò một thành phố đầu tàu về kinh tế, dịch vụ và tài chính của cả nước.
Anh Nguyễn Văn Thạnh (huyện Bình Chánh) sản xuất lan trên diện tích 8.000m2 đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: THANH HẢI
Tuy nhiên, tốc độ và quy mô của quá trình này vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng, với quy hoạch của chính quyền cũng như với nhu cầu thực tế của người dân. Thực tế tại TPHCM, 1ha đất nông nghiệp chỉ tạo ra giá trị khoảng 500 triệu đồng/ha/năm, nhưng 1ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ đô thị lại tạo ra giá trị trung bình 55 tỷ đồng/ha/năm.
Tuy có mức đô thị hóa cao nhưng TPHCM vẫn còn quỹ đất nông nghiệp khá lớn. Các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, thậm chí TP Thủ Đức, còn được quy hoạch rất nhiều diện tích đất nông nghiệp, dù thực tế với nhu cầu chuyển đổi kinh tế và quy mô phát triển đô thị, TPHCM đang rất cần diện tích đất này để phục vụ sản xuất phi nông nghiệp, dịch vụ.
Các đại biểu cho rằng, TPHCM cần lập và công bố rộng rãi các quy hoạch sử dụng đất đồng bộ và nhất quán giữa các quận, huyện theo quy hoạch phát triển thành phố, có tính đến các yếu tố giá trị tăng thêm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất mang lại, nhằm làm nguồn lực phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn.
Các chính sách liên quan đến quy hoạch như thu hồi dự án quy hoạch treo, giao đất, đấu giá đất, công nhận chuyển đổi mục đích sử dụng đất… cần làm mạnh mẽ và đồng bộ. Thêm nữa, cần đẩy mạnh số hóa và tin học hóa các công tác hành chính công, thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các loại thuế khác, kể cả công tác định giá; xây dựng một cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất và hoàn chỉnh.