Kyle Biedermann, một nhà lập pháp bang Texas, cho biết ông đang lên kế hoạch chuẩn bị một sáng kiến lập pháp cho một cuộc trưng cầu dân ý tại tiểu bang để người dân quyết định có nên ly khai khỏi Mỹ hay không.
“Chính phủ liên bang mất kiểm soát và không đại diện cho các giá trị của người Texas. Đó là lý do tại sao tôi cam kết đệ trình dự luật trong phiên họp này, sẽ cho phép tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mà người dân Texas bỏ phiếu cho bang Texas để khẳng định lại địa vị độc lập của mình như một quốc gia”, Hạ nghị sĩ Kyle Biedermann cho biết trong một tuyên bố trên Twitter.
Mặc dù các cơ quan lập pháp của tiểu bang sắp có kỳ nghỉ Giáng sinh dài ngày, không tiếp tục công việc cho đến tháng 1/2021, ông Biedermann vẫn sẵn sàng xúc tiến các kế hoạch của mình, trích dẫn Điều 1 Phần 2 của trong Hiến pháp Texas có nội dung: “Tất cả quyền lực chính trị vốn có trong dân chúng và tất cả các chính quyền tự do được thành lập dựa trên thẩm quyền của họ và được thiết lập vì lợi ích của họ”.
Chính trị gia từ Texas tiếp tục nhấn mạnh rằng niềm tin của người Texas “kiên định bảo tồn một hình thức chính phủ cộng hòa” nhấn mạnh rằng người dân tại đây “luôn có quyền bất khả nhượng trong việc thay đổi, cải cách hoặc bãi bỏ chính phủ của họ” theo cách mà họ cho là hợp lý.
Từ lâu đã có các nhóm trong chính trường Texas ủng hộ ý tưởng ly khai, chẳng hạn như Phong trào Dân tộc Chủ nghĩa Texas.
Ý định ly khai khỏi “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ” đã hiện diện ở Mỹ gần như ngay từ khi đất nước thành lập. Trong vụ “Texas kiện White” năm 1869, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết rằng đơn phương ly khai trái với Hiến pháp.
Những nỗ lực tương tự trong lịch sử đạt được kết quả đáng chú ý nhất là vào những năm 1860-1861 khi 11 bang miền Nam, bao gồm cả Texas, từng tuyên bố ly khai khỏi chính quyền liên bang, và liên kết với nhau để thành lập “Liên bang miền Nam Hoa Kỳ”. Liên minh này sụp đổ vào năm 1865 sau khi bị Quân liên bang đánh bại trong Nội chiến, và các bang ly khai sau đó đã được chuyển lại cho liên bang.