Doanh thu tăng trưởng
Theo báo cáo của Wall Street Journal, xịt khử mùi, chất làm trắng răng, kem chống nắng, nước hoa, son môi, đồ bơi, tuxedo… là những mặt hàng đang mang lại doanh thu tăng vọt cho các cửa hàng ở Mỹ. Tất cả các xu hướng bán hàng đều hướng đến đối tượng người tiêu dùng hậu đại dịch - những người đã sẵn sàng ra ngoài và ăn mừng “mùa hè vaccine”.
Trước đây, vào thời kỳ cao điểm của đại dịch, người tiêu dùng đã có xu hướng mua sắm các sản phẩm chăm sóc da và spa, nhưng không phải cho nhu cầu đi lại, mà chủ yếu để “xóa bỏ” những hậu quả mà việc ở nhà toàn thời gian mang lại. Còn hiện nay, theo Eric O’Toole, Chủ tịch Bắc Mỹ của Edgewell Personal, nam giới chi nhiều tiền hơn để mua những loại kem giúp giảm ngứa cho những bộ râu mới mọc. Cũng theo báo cáo của Công ty sản xuất dao cạo Schick, cả nam giới và nữ giới đều chi nhiều cho các sản phẩm dao cạo để tỉa bớt lông thừa trên mặt và chân của họ.
Ngày 13-5, CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh) Mỹ đã đưa ra thông báo những người được tiêm chủng đầy đủ ở Mỹ có thể ngừng đeo khẩu trang trong hầu hết trường hợp. Điều này dẫn đến một số tiểu bang gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang, các cửa hàng bán lẻ cũng xóa bỏ yêu cầu về khẩu trang dành cho khách hàng và nhân viên. Theo Insider, sự thay đổi về quy định khẩu trang sẽ tạo ra làn sóng trong ngành công nghiệp làm đẹp, đặc biệt là các sản phẩm dành cho son môi. CNN Business dẫn số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường IRI, doanh số bán son môi đạt 34,2 triệu USD trong quý đầu tiên, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi năm 2020, với quy định đeo khẩu trang đã khiến doanh số bán hàng sụt giảm ngay lập tức, ngày 11-4-2020, Amazon đã chứng kiến doanh thu đối với các sản phẩm son môi giảm 15%, kéo theo giá cả giảm xuống 28%.
Bên cạnh doanh thu son môi, doanh thu từ những sản phẩm làm đẹp khác cũng cho thấy người tiêu dùng đang đầu tư nhiều hơn cho vẻ ngoài của mình. Hiện tại, một số sản phẩm làm đẹp cao cấp như xịt khử mùi Native Deodorant dù có giá 12USD, cao gấp đôi mức giá của các sản phẩm khử mùi thông thường nhưng vẫn đang cháy hàng.
Không nằm ngoài xu hướng tăng trưởng của ngành mỹ phẩm và làm đẹp, ngành may mặc và thời trang cũng đã bắt đầu phục hồi vào khoảng đầu tháng 2, khi người tiêu dùng lần đầu tiên mua quần jeans, áo sơ mi và váy sau gần 1 năm “đóng băng” trên kệ. Giám đốc điều hành Brian Cornell của Target cho biết, doanh số bán hàng may mặc trong quý I này đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuỗi cửa hàng bán lẻ Walmart cho biết đã đạt được doanh thu vượt xa kỳ vọng trong quý đầu tiên, trong số đó doanh thu may mặc chiếm phần không nhỏ. Cụ thể, thu nhập hoạt động của Walmart đã tăng 32,3%, đạt 6,91 tỷ USD trong quý đầu tiên, tổng doanh thu tăng 2,7%, đạt 138,31 tỷ USD.
Tập đoàn sản phẩm thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới LVMH đã ghi nhận doanh thu 14 tỷ EUR trong quý đầu tiên, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Theo báo cáo của LVMH, Mỹ và châu Á có mức tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi châu Âu vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng do các chính sách đóng cửa liên quan đến đại dịch. Nhóm sản phẩm thời trang và đồ da (Louis Vuitton, Christian Dior, Fendi, Celine…) đã đạt mức tăng trưởng doanh thu 52% trong quý đầu tiên, so với cùng kỳ năm 2020, và 37% so với cùng kỳ năm 2019. Nhóm sản phẩm nước hoa và mỹ phẩm (Christian Dior, Guerlain, Benefit…) đạt được mức tăng trưởng doanh thu 18% trong quý đầu tiên, so với cùng kỳ năm 2020. Nhóm sản phẩm đồng hồ và trang sức (Maison, Tiffany & Co., Bvlgari, TAG Heuer…) ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 35% trong quý đầu tiên, so với cùng kỳ năm 2020.
Dự báo ngành làm đẹp phục hồi nhanh nhất
Các chuyên gia dự đoán rằng, lĩnh vực làm đẹp, một trong những lĩnh vực tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch, sẽ phục hồi nhanh nhất. Audrey Depraeter-Montacel, trưởng nhóm làm đẹp toàn cầu tại Accenture, lý giải: “Làm đẹp là một ngành công nghiệp được dẫn dắt bởi sự đổi mới, đó là lý do tại sao nó có thể thích ứng nhanh hơn”. Theo ResearchAndMarket.com, thị trường mỹ phẩm tại Mỹ được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian sắp tới. Chi tiêu bình quân đầu người ngày càng tăng cho ngoại hình cũng là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu thị trường mỹ phẩm trong vòng 5 năm tới.
Theo Công ty tư vấn McKinsey, thị trường làm đẹp toàn cầu, tạo ra doanh thu 500 tỷ USD mỗi năm, sẽ vượt qua doanh thu năm 2019 bất chấp những thất bại trong đại dịch. Trái lại, ngành thời trang được dự đoán sẽ không phục hồi cho đến năm 2022. Tuy vậy, sự phục hồi của ngành làm đẹp sẽ không đồng đều giữa các ngành, các sản phẩm chăm sóc tóc, chăm sóc da và chăm sóc cá nhân được dự đoán sẽ tăng vào năm 2021, trong khi doanh số mặt hàng mỹ phẩm có màu và mùi hương sẽ giảm với tốc độ trung bình hàng năm lần lượt 12% và 2% trong năm nay.
Nhìn chung, các gói kích thích kinh tế và việc triển khai tiêm phòng vaccine sẽ có thể kéo Mỹ khỏi khủng hoảng kinh tế để tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Larissa Jensen, Phó Chủ tịch kiêm Cố vấn ngành làm đẹp tại Công ty Nghiên cứu thị trường NPD Group, nói: “Tôi thực sự tin vào điều này, rằng khi gỡ bỏ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang, chúng ta sẽ thấy sự tăng vọt doanh thu đối với sản phẩm trang điểm từ năm 2021 đến năm 2022”.