Mục tiêu kép GDP 7%, CPI 4% có khả thi?

(ĐTTCO) - Trước đà phục hồi kinh tế vượt mong đợi trong quý II (đạt 6,42%), Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm nay ở mức 7%, đồng thời kiểm soát lạm phát dưới 4%. Vậy mục tiêu kép này có khả thi? ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), xung quanh vấn đề này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
PHÓNG VIÊN: - Ông bình luận thế nào khi tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt mức 6,42%, trong khi cả thế giới đang lo lắng lạm phát và kiềm chế tăng trưởng?
 TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ: - Việc GDP trong quý II tăng trưởng 7,72%, cao hơn rất nhiều so với mức 5,03% trong quý I, cho thấy nền kinh tế đã có bước phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng bước nhảy vọt về tăng trưởng này chủ yếu nhờ khu vực dịch vụ được phép hoạt động trở lại sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Còn khu vực nông nghiệp và công nghiệp, tính chung 6 tháng đầu năm đều có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ 2021. Điều này hàm ý rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn chờ đợi quá trình phục hồi ở phía trước, đặc biệt từ phía cầu.
Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, thu nhập bình quân tháng của 1 người trong năm 2021 chỉ đạt 4,205 triệu đồng, thấp hơn mức 4,25 triệu đồng năm 2020 và 4,295 triệu đồng năm 2019.
Việc nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại cũng sẽ ảnh hưởng đến cầu xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm và có thể trong cả năm 2023, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quá mạnh và kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. 
- Việc Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm nay ở mức 7%, theo ông có khả thi?
- Theo đánh giá của tôi, mục tiêu này hoàn toàn khả thi, thậm chí có phần quá thận trọng. Trong nửa đầu năm 2021 tăng trưởng GDP đã đạt mức 5,74%. Tuy nhiên, sự bùng phát dịch bệnh cùng các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến GDP trong quý III-2021 bị sụt giảm 6,3%, từ đó tạo nên khoảng trống giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng  khoảng 12% GDP của quý này.
Với các số liệu về tăng trưởng khả quan trong quý II năm nay, chúng ta có thể kỳ vọng nền kinh tế sẽ không chỉ lấp được khoảng trống sản lượng nói trên trong quý III, còn tăng trưởng thêm 5-8%, tức GDP quý III có thể tăng trưởng khoảng 17-20% so với cùng kỳ. Nếu kịch bản này xảy ra, tăng trưởng GDP cả năm 2022 có thể xoay quanh mức 9%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP cao trong năm nay không có nghĩa nền kinh tế Việt Nam phục hồi hoàn toàn, mà chỉ là so sánh với nền thấp của năm ngoái. Bởi vậy, nếu nền kinh tế trong năm nay có thể tăng trưởng 9% hay thậm chí 10%, tính trung bình giai đoạn 2020-2022 tốc độ tăng trưởng GDP cũng chỉ ở khoảng 5%, thấp hơn đáng kể mức trung bình 6,3% của giai đoạn 2010-2019.
Nói cách khác, dù tăng trưởng năm 2022 cao, nhưng đến cuối năm nay nền kinh tế nhiều khả năng vẫn chưa đạt được mức sản lượng tiềm năng của mình.
- Nhưng trong cuộc họp mới đây Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô?
- Theo số liệu của TCTK, lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức 2,44%, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 6-2022 đạt mức 3,37%. Các con số này cho thấy dư địa kiểm soát lạm phát trung bình trong năm nay ở mức dưới 4% còn khá lớn.
Để lạm phát trung bình cả năm nay vượt 4%, lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức trong giai đoạn còn lại của năm 2022 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi trong 6 tháng đầu năm, bất chấp giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu tăng mạnh, CPI chỉ tăng 0,52%/tháng. 
Nếu tốc độ tăng giá này vẫn tiếp tục trong 6 tháng cuối năm, lạm phát trung bình cả năm sẽ khoảng 3,65%. Tuy nhiên, nhiều khả năng CPI trong 6 tháng cuối năm nay sẽ chỉ tăng trung bình dưới 0,5%/tháng. Lý do chính là Fed đang tăng lãi suất rất nhanh và mạnh, đồng thời nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại.
Những yếu tố này sẽ khiến nhu cầu về xăng dầu, và nguyên vật liệu sụt giảm, từ đó kiềm chế đà tăng của giá hàng hóa trên thế giới. Đó là chưa kể thời gian qua giá hàng hóa tăng mạnh còn do hiện tượng đầu cơ tích trữ của các doanh nghiệp, thậm chí ở tầm quốc gia.
Nhưng khi các kho hàng đã đầy, nhu cầu trên thị trường sẽ giảm. Thực tế hiện nay giá nhiều hàng hóa cơ bản đã đạt đỉnh và đang trong xu hướng giảm.
Tôi cho rằng kịch bản nhiều khả năng xảy ra là CPI trong 6 tháng cuối năm chỉ tăng trung bình 0,2-0,4%/tháng. Với kịch bản này, lạm phát trung bình cả năm 2022 sẽ ở mức 3-3,5%.
- Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn ở mức dưới tiềm năng, đồng thời Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, theo ông các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ được điều chỉnh thế nào trong thời gian tới để đạt được mục tiêu kép?
- Với việc khả năng lạm phát trung bình trong cả năm 2022 được kiểm soát dưới 4% là khá cao, các chính sách tài khóa và tiền tệ có thể sẽ không có nhiều thay đổi so với hồi đầu năm. Các gói kích thích kinh tế như gói đầu tư công, gói hỗ trợ lãi suất nhiều khả năng sẽ vẫn được thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. 
Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay, nhưng sẽ không quá cao so với mức mục tiêu ban đầu là 14%. Vừa rồi, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra đề xuất giảm thuế đối với xăng dầu.
Đây là chính sách cần thiết để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, bởi dịch bệnh Covid-19 đã khiến thu nhập của người dân bị suy giảm trong 2 năm qua. Do vậy, bất cứ hỗ trợ nào của Nhà nước đều rất cần thiết để cải thiện sức mua và tổng cầu.
- Xin cảm ơn ông.
 Phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức 7%, cũng như khả năng lạm phát trung bình được kiểm soát dưới 4% khá cao, cho thấy việc thực hiện 2 mục tiêu này hoàn toàn khả thi.

Các tin khác