Mục tiêu tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2025 là 8,3 triệu tỷ đồng

(ĐTTCO)-Tác động của dịch COVID-19 là rất nghiêm trọng và có thể kéo dài, vì vậy, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đã được xây dựng với các chỉ tiêu thận trọng để đảm bảo khả thi trong triển khai thực hiện.
Công trình Ga ngầm S12 (Ga Hà Nội) thi công hạng mục tấm mắt mềm đầu tiên của nhà ga. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Công trình Ga ngầm S12 (Ga Hà Nội) thi công hạng mục tấm mắt mềm đầu tiên của nhà ga. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trong phiên họp sáng, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Những mục tiêu cụ thể

Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước sẽ là khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tổng chi ngân sách khoảng 10,26 triệu tỷ đồng; Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó, chi từ nguồn vốn ngoài nước khoảng 300 nghìn tỷ đồng, chi từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khoảng 248 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ bội chi ngân sách bình quân 3,7% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương bình quân 3,4% GDP, bội chi ngân sách địa phương bình quân 0,3% GDP; trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP.

“Quy mô thu ngân sách giai đoạn 2021-2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 1,2 lần giai đoạn trước. Tác động của đại dịch COVID-19 là rất nghiêm trọng và có thể kéo dài, vì vậy, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đã được xây dựng với các chỉ tiêu thận trọng để đảm bảo khả thi trong triển khai thực hiện,” Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết.

Tổng mức vay từ nay đến 2025 là 3,068 triệu tỷ đồng. Chính phủ bảo đảm an toàn nợ công, với mục tiêu trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP.

Với đa số đại biểu tán thành, Nghị quyết đã được thông qua với mục tiêu tổng quát là huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả tổng thể các nguồn lực, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài kết hợp hiệu quả với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, chủ động hội nhập quốc tế.

Các nhiệm vụ khác trong giai đoạn này là tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động của ngân sách địa phương gắn với nâng cao và cá thể hóa trách nhiệm; quản lý chặt chẽ nợ công, giữ vững an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính quốc gia.

Tăng tỷ trọng chỉ đầu tư phát triển lên 29%

Trước ý kiến đại biểu đề nghị trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, cần có giải pháp quyết liệt giảm tỷ lệ chi thường xuyên xuống 60%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc cắt giảm chi thường xuyên cần có lộ trình tương ứng với việc thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, điều chỉnh giá, phí dịch vụ sự nghiệp công.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân đối ngân sách tích cực hơn nữa, tiếp tục phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên để tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 29%, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Để có thể đạt được những mục tiêu như vậy, Quốc hội cho rằng cần khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách thu để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, thúc đẩy tăng thu hợp lý kết hợp nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Đẩy mạnh các biện pháp khai thác dư địa thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, mở rộng cơ sở thuế.

Nghị quyết nêu rõ giải pháp là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước, nợ công, quản lý tài sản công, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; đảm bảo kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước được sử dụng làm căn cứ phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương cấp tỉnh, thành phố hàng năm.

“Đẩy mạnh việc phòng chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có các vi phạm theo quy định của pháp luật,” Nghị quyết nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận định rằng việc thu ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 đã không đạt kế hoạch đúng như ý kiến đại biểu đã nêu. Thực tế này là do các nguồn thu đang được phân cấp cho ngân sách Trung ương hưởng 100%, gồm thu dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, có xu hướng giảm mạnh so với các giai đoạn trước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến các vị đại biểu để quy định các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong giai đoạn tới nhằm tăng vai trò chủ đạo của Ngân sách trung ương và cải thiện cơ cấu thu vào Dự thảo Nghị quyết.

“Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có các giải pháp hiệu quả để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh, khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời tích cực khai thác các dư địa thu, chống thất thu và tăng thu ngân sách,” ông Nguyễn Đức Hải cho biết.

Các tin khác