Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam nhập siêu 1,47 tỷ USD.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập siêu 1,47 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD và đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng gia tăng khá mạnh và giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng cao.
“Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nội địa. Trong khi giá nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất trong 6 tháng đầu năm nay cũng tăng so với cùng kỳ năm trước. Nếu không có giải pháp hạn chế nhập siêu thì nhập siêu lâu dài, nhất là nhập siêu hàng tiêu dùng sẽ gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế như lãng phí ngoại tệ hoặc tác động đến sản xuất trong nước”, ông Nguyễn Việt Phong nhấn mạnh.
Lạc quan hơn khi nhìn nhận về kim ngạch nhập siêu 6 tháng qua, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, mức độ nhập siêu của Việt Nam vẫn là con số khá nhỏ. Từ trước đến nay, Việt Nam là quốc gia đang phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn.
“Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp nên phải nhập khẩu nhiều linh phụ kiện, nguyên phụ liệu. Bởi vậy, nhập khẩu vượt xuất khẩu một chút không phải vấn đề lớn. Đáng chú ý, khi nhìn vào cơ cấu sản phẩm dễ thấy Việt Nam chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất, nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng tăng mạnh song chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu nói chung”, chuyên gia Lê Quốc Phương nói.
Theo phân tích của Bộ Công Thương, hiện nay nhiều quốc gia đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine cùng với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam. Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là những yếu tố tích cực cho tăng kim ngạch xuất khẩu từ nay đến cuối năm.
Tuy nhiên, thương mại toàn cầu hiện vẫn còn ảm đạm và vẫn khó dự đoán, phụ thuộc vào diễn biến dịch và việc triển khai tiêm vaccine phòng chống Covid-19. Ngoài ra, xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn âm ỉ, diễn biến khó lường sẽ tiếp tục có tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục và tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ủy ban châu Âu (EC) siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu; áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT) cũng như các quy định về truy xuất nguồn gốc...
Tập trung xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao
Trên cơ sở những phân tích, nhận định về cơ hội thuận lợi và khó khăn thách thức năm 2021, Bộ Công Thương đánh giá trong trường hợp các yếu tố tác động ở mức như hiện tại hoặc thuận lợi hơn, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt khoảng 308 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020. Về nhập khẩu, căn cứ tiến độ nhập khẩu trong những tháng đầu năm, khả năng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 306 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2020. Cán cân thương mại xuất siêu ở mức khoảng 2 tỷ USD.
Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mức tăng trưởng như kì vọng và ngày càng bền vững, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, điều quan trọng nhất là xuất khẩu phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định cán cân thương mại. “Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, cùng với đó tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại...”, ông Hải cho biết.
Về xuất khẩu bền vững trong thời gian tới, ông Hải cho tằng, điều này được thể hiện qua các yếu tố như quy mô xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tính ổn định trong tăng trưởng xuất khẩu… Quan trọng nhất là xuất khẩu nhưng không đánh đổi những vấn đề về lao động, môi trường. Xuất khẩu phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định cán cân thương mại.
"Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới. Các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này”, ông Trần Thanh Hải nói.
Song hành với phát triển xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cũng phải làm tốt việc điều hành nhập khẩu thông qua các vấn đề như quy tắc xuất xứ, chống các biện pháp lẩn tránh, phát triển công nghiệp hỗ trợ thay thế hàng nhập khẩu…
Bộ Công Thương cũng cho biết, để tăng trưởng xuất khẩu, thời gian tới sẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác và tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Tòan diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Duơng (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA)...