(ĐTTCO) - Những ngày cuối tháng chạp, ở Hà Nội và những thành phố lớn, thiên hạ cắm đầu chạy tết. Người về xuôi, kẻ lên ngược. Mặt mũi người nào cũng hối hả, dồn cả vào kiếm tiền tiêu tết, nên trông mặt ai cũng lạnh lùng, rắn đanh. Chả mấy khi trông thấy họ cất tiếng cười đùa thoải mái. Trên các ngả đường Nam Bắc, tàu xe đông như kiến chạy lụt. Hàng hóa dịp này không chỉ có hoa tươi, cành đào Sa Pa, lá dong, gạo nếp, quần áo, giày dép, người ta còn chở cả pháo lậu, rượu giả, bánh kẹo giả, gỗ quý, động vật hiếm… Với họ, việc làm ra tiền lúc nào cũng là mục đích tối thượng. Bất chấp pháp luật nghiêm cấm. Không phải họ không biết điều đó. Nhưng cứ ngửi thấy mùi tiền là họ lao vào như con thiêu thân.
Từ cổ chí kim, đồng tiền có sức mạnh ghê gớm. Đúng nghĩa tiền là bạc. Tiền làm cho con người bạc bẽo với nhau. Bạc nhân phẩm, bạc lương tâm, bạc tình bạc nghĩa. Khổng Tử từng khuyên học trò hãy coi trọng các giá trị tinh thần, đừng nên sa đà vào tiền bạc vật chất. Quả vậy. Nếu con người không biết kiềm chế máu tham, tiền bạc sẽ thiêu đốt sạch sành sanh tòa lâu đài hạnh phúc.
Trong “học thuyết nghịch lý”, nhà kinh tế học Hoa Kỳ Easterlin cho rằng tăng trưởng kinh tế chưa chắc đã khiến cho người ta hài lòng về cuộc sống. Tiền nhiều như lá, không hẳn tỷ lệ thuận với hạnh phúc của con người. Tiền bạc chỉ có thể mua được trò chơi, chứ làm sao mua được hạnh phúc. Thực ra, đồng tiền có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Nó là vị sứ giả trung gian, giúp mọi người trao đổi vật chất một cách dễ dàng. Nhưng khi xã hội phát triển, đồng tiền lập tức phân hóa, chia ra kẻ nghèo người giàu. Một khi trong đời sống có kẻ nghèo người giàu, bao giờ cũng xuất hiện mâu thuẫn xã hội.
Hàng ngày trên đường đi làm, tôi thường xuyên gặp những người nông dân, trạc tuổi ba bốn mươi. Họ từ các vùng nông thôn ra thành phố kiếm việc. Họ bán sức mình kiếm tiền. Họ đứng ở các ngã ba ngã tư xem có ai cần lao công. Năm mười ngàn họ cũng nhận làm. Những đồng tiền ít ỏi này cốt kiếm đủ nồi bánh chưng cho các con. Tôi thấy họ đứng từ mờ sáng đến đêm khuya khoắt. Đứng ngồi ở tư thế luôn luôn sẵn sàng phục vụ. Hễ có người gọi là dăm ba anh cùng nhảy ra như vồ. Rét mướt có là gì. Nắng nôi cũng chả là gì. Họ còn sắn tay áo lên cố ý khoe cơ bắp. Ôi! Những đôi dép tổ ong. Những chiếc mũ cối nhà binh nhàu nát. Những khuôn mặt nhợt nhạt như lá úa. Những tấm lưng mỏng tang như giẻ rách. Những cánh tay sần sùi như củ gừng củ sả. Họ đang mưu cầu hạnh phúc cho con cái. Cả đám người ấy bị chìm vào những dòng xe tất bật xuôi ngược. Ngày lại ngày. Họ bền bỉ như những con cá chuối. Những con cá chuối nhảy lên bờ nằm giả chết. Chờ cho kiến bu đầy mình. Cá mới nhảy tùm về sông. Nó mang theo cả một đàn kiến làm mồi cho những đứa con lít nhít.
Ở quê tôi, người ta chỉ mất nửa buổi lên rừng chặt củi. Còn nửa buổi mang ra chợ bán. Thế là có tiền. Một gánh củi nghiến được năm chục ngàn. Củi mạy puôn ba chục. Củi thường hai chục. Họ yên tâm mua lạng thịt, mấy bìa đậu phụ mang về cho vợ con. Nửa cút rượu tự thưởng cho mình. Thế là hạnh phúc ớ hời la rồi. Nếu cả nhà không ai ốm đau, chả ngày nào họ không có đồ nhắm. Bởi thế, có người cả đời bán củi, đủ nuôi một đàn con, cho tới khi chúng nó trưởng thành. Với họ, kiếm củi chả tốn sức nghĩ ngợi như trồng trọt, chăn nuôi. Nghĩ ngợi nhiều chóng già và xấu người. Thế rồi họ tự đóng lấy một chiếc xe kéo củi bánh gỗ. Có xe, chở được nhiều củi hơn. Một xe củi bổ được cả trăm ngàn. Năm ngày một phiên chợ, kiếm ba bốn trăm dễ như ăn nấm đất.
Nhưng từ ngày có lệnh cấm chặt phá cây rừng. Họ bèn xoay sang đào củ mài. Mỗi cân cũng được năm mười ngàn. Mỗi sáng mang ra chợ tòng tèng một túi nải cũng bằng cả một gánh củi nghiến nặng oằn lưng. Hóa ra cái anh củ mài này lại được giá. Vì nó ngon và dùng làm thuốc chữa bệnh. Nấu chè bằng củ mài ngon không thể tả. Đặc biệt củ mài kết hợp với các vị thuốc khác chữa được bệnh “bất lực” cho cánh đàn ông. Có thể nói, củ mài là vua của các loại khoai. Nhưng đào được nó thì không dễ chút nào. Có khi cả buổi mới đào được một hố sâu tới mét hai, chạm tới cuống củ. Đã có biết bao câu chuyện thương tâm xung quanh việc đào củ mài. Vì cắm đầu xuống hố, mải đào bới tìm củ, mà không ít người bị ngạt thở. Đã thế, nhưng không phải mùa nào cũng tìm được. Cứ đến mùa xuân nắng ấm, cả lũ củ mài rủ nhau đi trốn tiệt. Chúng bận làm tình trong lòng đất. Rõ là cái đồ mất nết!
![]() |
Không khí mua bán nhộn nhịp những ngày cuối năm, cũng là lúc |
Họ lại phải lên lũng tìm hái rau ngót rừng, mà có nơi gọi rau sắng. Rau sắng chùa Hương nổi tiếng. Đây là thứ rau ngọt như nêm mỳ chính. Rau dạ hiến hay còn gọi rau bò khai (vì nó có mùi như nước đái bò). Dùng rau bò khai rất tốt cho những người yếu thận. Nó còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh con, hay người mới ốm dậy. Còn rau khau ka lúc đầu cho vào miệng thấy có vị đắng. Về sau nó có vị ngọt trong cuống họng. Mà vị ngọt nằm ngủ rất lâu trong các cơ quan lục phủ ngũ tạng. Rau khau ka có tác dụng đặc biệt cho những ai bị rối loạn tiêu hóa. Thậm chí nó còn có khả năng cải lão hoàn đồng. Ăn rau khau ka liên tục trong vòng bảy ngày, tóc sẽ đen mượt như nhuộm. Đây toàn những thứ rau siêu sạch, đang là thời thượng. Ai ai cũng tìm mua bằng được mang về ăn và phần để làm quà biếu. Giá cả có thể nhích lên, hạ xuống tí chút, nhưng chắc chắn nó đáng tiền hơn gánh củi, hơn túi nải củ mài. Mà lại dễ kiếm, không tốn nhiều công sức. Mùa xuân là mùa nụ và lá. Chúng cứ mơn mởn, thơm lừng, ngọt ngào như sương mai. Những thứ rau mọc hoang dại ấy, ngày nay đã trở thành hàng đặc sản.
Tết đang đến rất gần. Mai đã là ngày thờ thần lửa, ngày ông Công ông Táo lên trời. Việc kiếm tiền của những người thành phố lại càng tỏ ra ráo riết. Không biết những người thân ở nơi quê nhà, họ lấy gì mang ra chợ đổi lấy quà cáp biếu người già, quần áo đẹp cho trẻ nhỏ. Nghĩ đến tết mà ruột gan chua như hém.