Với những DN đang hoạt động phần lớn phải thu hẹp quy mô sản xuất do đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Nguyên nhân khách quan do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát, lãi suất dù đã hạ nhiệt nhưng đang ở mức cao…khiến nhu cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu giảm. Ở trong nước, với nền kinh tế có độ mở lớn nhưng sức chống chịu thấp đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế và DN, tạo thêm “cú bồi” cho DN đã bị yếu đi nhiều sau 3 năm chống chịu dịch Covid-19.
Nguyên nhân chủ quan chủ yếu đến từ môi trường vĩ mô nội tại và bản thân DN. Đó là khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI (chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, 58% kim ngạch nhập khẩu - số liệu năm 2022). Đặc biệt, bản thân các DN cũng bộc lộ nhiều điểm yếu như năng lực quản trị yếu, dự báo tình hình hạn chế, khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thấp nên dễ bị thay thế, hoặc cắt bỏ đơn hàng trong bối cảnh khó khăn. Các DN cũng thiếu chính sách liên kết giữa DN trong nước và DN FDI, dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu.
Đáng chú ý, về vốn đầu tư, phần lớn DN phụ thuộc vào kênh tín dụng, nhất là trong bối cảnh lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, khiến lợi nhuận suy giảm. Chưa kể nhiều DN sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, đầu tư dàn trải, càng làm gia tăng mức độ rủi ro.
Trong khi đó, kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu (TP) DN vẫn bị thu hẹp (do thị trường cổ phiếu phục hồi chậm, thị trường TPDN tiếp tục trầm lắng trong bối cảnh nhiều yếu tố bất lợi từ cuối năm 2022 vẫn chưa kết thúc). Trong 6 tháng đầu năm, chỉ gần 49.000 tỷ đồng TPDN được phát hành, giảm tới 73,3% so với cùng kỳ 2022.
Không chỉ có DN sản xuất, với lĩnh vực ngân hàng (NH) hiện đang phải đối mặt với 3 khó khăn, thách thức: nợ xấu đang gia tăng, giảm biên lợi nhuận và áp lực tăng vốn vẫn luôn hiện hữu (đặc biệt với các NH có sở hữu vốn nhà nước). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung và DN nói riêng hiện nay đang rất yếu, cần ưu tiên thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp hỗ trợ đồng thời cả phía cung và cầu.
Các chính sách ở tầm vĩ mô (của Quốc hội, Chính phủ ban hành) về cơ bản đã đủ, chỉ cần thực hiện đúng và trúng. Vấn đề cần lưu ý là quá trình thực thi phải rút ngắn độ trễ chính sách và quyết liệt hơn. Yếu tố con người thực thi rất quan trọng. Mọi quyết sách đều cần phân giao trách nhiệm, thời hạn cụ thể, có chế tài nghiêm nếu không thực hiện.
Những quyết sách này mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là giải quyết được tâm lý sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Theo đó, cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, vì cái chung cần sớm được cụ thể hóa và nhất quán, đồng bộ thực hiện.
Đối với chính sách tiền tệ, ngoài việc cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại TP, các gói tín dụng cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay. Đối với chính sách tài khóa, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thuế VAT, các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, xem xét giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho DN.
Đặc biệt, đầu tư công vẫn là trụ cột quan trọng để tháo gỡ điểm nghẽn hiện nay cho nền kinh tế. Theo đánh giá của Viện Đầu tư và Nghiên cứu BIDV, nếu giải ngân được 95% tổng vốn 713.000 tỷ đồng như chỉ đạo của Chính phủ trong năm nay, đầu tư nhà nước có thể tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023.