Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, ngành gỗ sẽ ứng phó thế nào?

(ĐTTCO)-Theo dự báo, nếu áp thuế theo chính sách mới của Mỹ thì toàn bộ chuỗi sản xuất của ngành lâm sản Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng không nhỏ trong thời gian tới.

Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, ngành gỗ sẽ ứng phó thế nào?

Trước thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố có thể áp thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đại diện hiệp hội gỗ và doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu gỗ sang Mỹ bày tỏ sự lo lắng và kỳ vọng Chính phủ, ngành chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ.

Nguy cơ ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi sản xuất

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, đã chinh phục được các thị trường quan trọng như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng mở rộng tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ... Với dư địa lớn về rừng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh, vươn lên trở thành nước sản xuất gỗ và đồ nội thất lớn thứ 7 và là nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong số các mặt hàng xuất khẩu, gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm thị phần nhiều nhất (55,5%). Mỹ là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ nhiều nhất trong 16,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - ông Trần Quang Bảo cho biết dư địa để phát triển của ngành lâm nghiệp còn rất nhiều. Chuỗi sản xuất của ngành cũng rất đa dạng, không chỉ đơn thuần là gỗ mà còn liên quan tới cành, nhánh và chế biến gỗ có thể sử dụng làm dăm gỗ cũng như viên nén.

Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2025, ngành lâm nghiệp đã trồng được 20.000 ha rừng; khai thác gỗ đạt 2,2 triệu m3; hoạt động xuất khẩu lâm sản trong thời gian qua - chưa ảnh hưởng bởi sắc lệnh áp thuế của Hoa Kỳ, nên đã xuất khẩu được 2,61 tỷ USD và nhập khẩu đạt 400 triệu USD, xuất siêu đạt 2,2 triệu USD.

Vì vậy, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế và có hiệu lực từ ngày 9/4, trong đó Việt Nam chịu mức thuế lên tới 46%, đã trở thành “cú sốc” lớn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu gỗ sang Mỹ.

Ngay sau khi nghe tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa của Việt Nam, trong đó có gỗ và các sản phẩm gỗ, một số doanh nghiệp gỗ cũng bày tỏ sự lo lắng, thậm chí bàng hoàng.

Chia sẻ với báo chí, đại diện một hiệp hội chế biến gỗ ở khu vực phía Nam cho biết mức áp thuế đối ứng 46% là con số quá cao. Hàng xuất khẩu lời lãi được 5 - 7% đã là tốt, nên nếu áp thuế nhập khẩu lên đến 46% thì có thể sức mua sẽ giảm.

Hơn thế, với 60-70% các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam hướng đến thị trường Mỹ, trong đó tỷ lệ này ở các doanh nghiệp như tại Bình Dương lên đến 80%, nên việc Mỹ áp thuế 46% có thể khiến đối tác hủy đơn hàng, giảm số lượng.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nêu quan điểm mức thuế Mỹ đưa ra là “khủng khiếp” và hy vọng Việt Nam có thể đưa ra đàm phán. Bởi theo ông, trong nhiều nhận định trước đó, mức thuế dự kiến thấp hơn, nên với con số 46%, doanh nghiệp gỗ sẽ rất khó khăn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus xoay quanh nội dung trên, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, nói: “Hiện nay họ (Mỹ) mới áp thuế chung, còn mặt hàng sẽ liên quan nhiều loại khác nhau. Do đó, cục đang phải nghiên cứu, chưa thể đưa ra nhận định cụ thể.”

Đối với các doanh nghiệp, ông Bảo cũng cho biết phía Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm đã trao đổi rất kỹ. Do đó, ông lưu ý: “Để khuyến nghị thì cần phải phân tích rất kỹ, chứ bây giờ vội vàng đưa ra nhận định sẽ không phù hợp.”

Tại cuộc họp mới đây của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Bảo cho biết thời gian qua, phía Hoa Kỳ áp thuế đối với Việt Nam cơ bản có lợi (chỉ một số mặt hàng như nội thất là 8%). Trong khi đó, Việt Nam áp thuế cho sản phẩm nội thất từ Hoa Kỳ là 25%. Vì vậy, ông Bảo nêu quan điểm nếu theo thuế đối ứng mà Hoa Kỳ đã ký thì sẽ thiệt hại cho ngành lâm nghiệp Việt Nam từ 2-3 tỷ USD.

“Nếu áp thuế như vậy thì gần như sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi sản xuất của ngành lâm sản,” Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm nói.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Ứng phó ra sao?

Trước thực tế trên, đại diện một số hiệp hội gỗ và doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu gỗ cho rằng chính sách thuế của Mỹ khá phức tạp, nên phía doanh nghiệp cũng đang nghe ngóng phản ứng tiếp theo từ phía các đối tác và rất kỳ vọng Chính phủ, ngành chức năng sớm có ngay giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại cuộc họp mới đây, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm Trần Quang Bảo cho biết cục này cùng với Hiệp hội gỗ và lâm sản đã lập một biểu thuế danh mục về tất cả các sản phẩm để khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể tính áp thuế tương đương.

Ngoài ra, ông Bảo cũng lưu ý tới việc thực thi thỏa thuận về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Vừa qua, cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp cùng với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ cũng đã ký thỏa thuận về chống phá giá. Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Những nỗ lực ứng phó cũng được cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Môi trường thể hiện rõ qua các buổi làm việc, trao đổi với đại diện cơ quan của Chính phủ Mỹ thời gian gần đây để tìm giải pháp phù hợp nhất. “Những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của hai nước có tính bổ trợ, không cạnh tranh lẫn nhau nên Việt Nam rất sẵn lòng mở cửa cho nông sản Hoa Kỳ. Đây là những quyết định có lợi cho cả hai nước,” Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nói.

Về phía doanh nghiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết các doanh nghiệp có thể hạn chế tối đa rủi ro, trong trường hợp thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam áp thuế quan.

Theo đó, một trong những giải pháp được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành đã và đang chuẩn bị sẵn sàng để có thể tham gia các cuộc “điều trần” nếu như phía Mỹ yêu cầu chứng minh quan hệ thương mại trong lĩnh vực gỗ giữa Việt Nam và Mỹ - là “quan hệ bổ trợ cho nhau.”

“Dù khó đoán định, song Tổng thống Mỹ cũng sẵn sàng lắng nghe, đối thoại, nhất là với quốc gia thân thiện, được Mỹ đánh giá cao như Việt Nam,” ông Hoài chia sẻ và nhấn mạnh đây chính là cơ hội, là “khe cửa hẹp” nên ngành gỗ cần nắm lấy để hoạt động xuất khẩu sang thị trường lớn này không bị ảnh hưởng.

Với tinh thần đó, theo ông, các doanh nghiệp phải định vị rõ thị trường, sản phẩm gì bán cho thị trường nào; nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản phẩm đó lấy ở đâu, nếu là rừng trồng trong nước thì phải xác định trồng loại cây gì phù hợp...

Các tin khác