Những chính sách bơm tiền
Các chính sách kinh tế chính của ông Biden cho đến nay gồm: (1) Cung cấp bảo hiểm y tế cho 97% người Mỹ trong 10 năm. (2) Tăng thêm 4.000 tỷ USD tiền thuế bằng cách tăng thuế suất cao nhất lên 39,6%, đánh thuế thu nhập vốn theo thuế suất thông thường và tăng thuế suất doanh nghiệp lên 28%. (3) Xóa nợ các khoản vay sinh viên và miễn phí đại học cho những người có thu nhập từ 125.000 USD trở xuống. (4) Tăng lương tối thiểu lên 15USD/giờ và bãi bỏ các luật về "quyền làm việc". (5) Mở rộng chính sách "Mua hàng Mỹ" thông qua việc mua hàng của chính phủ, đồng thời sử dụng trợ cấp và các ưu đãi để làm cho các sản phẩm của Mỹ trở nên cạnh tranh hơn. (6) Đầu tư 1.300 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trong 10 năm. (7) Chi 2.000 tỷ USD cho năng lượng sạch trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Ông Biden cũng công bố Kế hoạch Giải cứu người Mỹ, thông qua gói hỗ trợ chống Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD. Trong đó, chính phủ sẽ chi 1.000 tỷ USD để hỗ trợ trực tiếp cho người dân, gồm 1.400USD/người (thêm vào ngân phiếu 600USD trước đó); 25 tỷ USD hỗ trợ người thuê nhà và 5 tỷ USD trang trải chi phí điện nước; 5 tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp cho người vô gia cư; tài trợ chương trình thực phẩm và chăm sóc trẻ em, mở rộng tín dụng thuế chăm sóc trẻ em trong 1 năm. Chính phủ cũng chi 400 tỷ USD cho các nỗ lực y tế công cộng và mở lại trường học; hỗ trợ các cộng đồng địa phương 440 tỷ USD và thêm 10 tỷ USD để tăng cường an ninh mạng.
Theo phân tích của Moody, chính sách của ông Biden dự kiến sẽ tạo ra 18,6 triệu việc làm trong 4 năm nhiệm kỳ đầu của ông Biden và nền kinh tế sẽ trở lại trạng thái toàn dụng, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ hơn 4% vào nửa cuối năm 2022; trung bình các hộ gia đình Mỹ có thu nhập thực tế sau thuế tăng khoảng 4.800USD; tỷ lệ sở hữu nhà và giá nhà tăng nhẹ. Giá cổ phiếu cũng tăng, nhưng mức tăng có hạn.
Tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn được nâng lên nhờ các kế hoạch chi tiêu chính phủ tích cực. Thâm hụt ngân sách sẽ tăng mạnh, nhưng chi tiêu chính phủ sẽ cộng trực tiếp vào GDP và việc làm, trong khi gánh nặng thuế cao hơn có tác động gián tiếp thông qua đầu tư kinh doanh, chi tiêu và tiết kiệm của các hộ gia đình có thu nhập cao.
Gây tranh cãi
Gây tranh cãi
Có 2 điểm mấu chốt gây tranh cãi về chính sách của ông Biden: chương trình tăng thuế và chủ trương ủng hộ năng lượng sạch. Hầu hết nghiên cứu của các định chế/tổ chức tư vấn đều cho rằng chương trình thuế của ông Biden sẽ lợi bất cập hại, dù tăng thuế cho ngân sách nhưng gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế và người dân. Báo cáo của Tax Foundation cho rằng kế hoạch thuế của ông Biden sẽ làm giảm quy mô nền kinh tế xuống 1,47% trong thời gian dài; thu hẹp lượng vốn dự trữ hơn 2,5% và giảm mức lương tổng thể xuống hơn 1%, dẫn đến giảm khoảng 518.000 công việc toàn thời gian…
Một nghiên cứu khác của Viện Goodman cho rằng Bidenomics sẽ khiến cổ phiếu vốn của Mỹ giảm gần 6%, trong khi GDP hàng năm của Mỹ bị giảm vĩnh viễn 2% và mức lương của công nhân Mỹ giảm khoảng 2%, trong đó lương của công nhân có kỹ năng cao giảm nhiều hơn. Nghiên cứu khác của Ủy ban Phát triển Thịnh vượng ước tính chương trình thuế của ông Biden làm giảm sản lượng, thu nhập và việc làm trên đầu người. Về lâu dài, khoảng 3 triệu việc làm sẽ mất trong vòng 5-10 năm, GDP thực tế trên đầu người sẽ ít hơn 4-5%, tức khoảng 8.000USD/hộ gia đình mỗi năm trong thời gian dài.
Về chủ trương ủng hộ năng lượng sạch, nghiên cứu của Viện Hoover cho rằng kế hoạch của ông Biden sẽ làm suy yếu hiệu quả kinh tế tổng thể. Mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon của ông Binden sẽ dẫn đến tổng năng suất trên toàn quốc giảm 1-2%. Những thay đổi được đề xuất đối với thủ tục hành chính cũng như chính sách y tế Obamacare sẽ làm tăng thêm nút thắt cho lao động… Nghiên cứu này cho rằng chương trình nghị sự đầy đủ của ông Biden sẽ làm giảm việc làm toàn thời gian mỗi người Mỹ khoảng 3%, vốn đầu người khoảng 15%, GDP thực tế trên đầu người giảm hơn 8% và tiêu dùng thực tế của hộ gia đình giảm khoảng 7%.
Trong những ngày đầu nhậm chức, ông Biden đã cho dừng ngay việc xây dựng đường ống Keystone XL, với lý do nó hỗ trợ việc tiêu thụ năng lượng hóa thạch được cho "không sạch". Nhiều chuyên gia cho rằng lệnh cấm đã làm mất 10.000 việc làm của người Mỹ và lấy đi 2,2 tỷ USD tiền lương của công nhân. Những nỗ lực năng lượng sạch khác của ông Biden cũng đối mặt với phản đối và kiện tụng. Trong một lệnh hành pháp ký hôm 27-1, Tổng thống Biden cho dừng các hợp đồng thuê dầu khí mới ở ngoài khơi, đồng thời sẽ đánh giá toàn diện và xem xét lại việc cho phép và cho thuê khai thác dầu khí của liên bang. Liên minh Năng lượng miền Tây (WEA) đại diện cho 200 công ty trong lĩnh vực năng lượng, đã nộp đơn kiện lệnh hành pháp này.
Cuộc chiến tiền lương
Cuộc chiến tiền lương
Kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã nỗ lực phối hợp để tăng mức lương tối thiểu liên bang, vốn đã bị kẹt ở mức 7,25USD/giờ kể từ năm 2009. Gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD của ông bao gồm điều khoản tăng gần gấp đôi lên 15USD theo lộ trình. Những người ủng hộ việc tăng lương tối thiểu cho rằng nó sẽ mang lại lợi ích kinh tế, bao gồm tăng thu nhập khả dụng cho người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu cao, giảm bớt áp lực lên mạng lưới an toàn của chính phủ và thu hẹp chênh lệch kinh tế chủng tộc.
Song nhiều ý kiến khác cho rằng việc này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Jason Furman, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Barack Obama, nói tăng nhanh mức lương tối thiểu trong thị trường lao động yếu kém sẽ tạo rủi ro nhiều hơn so với tăng dần dần.
Trong khi nhiều thành phố và tiểu bang chấp thuận việc tăng lương tối thiểu, hầu hết đảng viên Cộng hòa vẫn phản đối đề xuất này. Mối quan tâm chính của họ là trong khi các công ty lớn có thể thu được mức lương cao hơn, các doanh nghiệp nhỏ vốn đang nghiêng ngả trong thời kỳ đại dịch, sẽ bị ảnh hưởng. Rick Scott, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ Florida, cho rằng tăng lương tối thiểu có thể "giết chết doanh nghiệp nhỏ".