Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ tháng 11 tiếp tục xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở ba tiêu chí về: (i) thặng dư thương mại song phương với Mỹ; (ii) thặng dư cán cân vãng lai; và (iii) can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Trong Báo cáo kỳ này, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa 7 nền kinh tế vào Danh sách giám sát, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Singapore, Malaysia và Đài Loan. Thuỵ Sĩ vẫn vượt ngưỡng cả 3 tiêu chí nêu trên và Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục thực hiện tiếp xúc và phân tích nâng cao. Đồng thời, Bộ Tài chính Mỹ kết luận không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ trong khoảng thời gian từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022.
Liên tiếp trong 2 kỳ báo cáo, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng 1 tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ, do đó đã được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra khỏi Danh sách giám sát.
Từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính Mỹ đã tiến hành tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7-2021 nhằm giải quyết các quan ngại của phía Mỹ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá.
Tại kỳ Báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục ghi nhận những bước tiến của Việt Nam. Đồng thời, tại chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài chính Mỹ đến Việt Nam ngày 3-10-2022, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.