Mặc dù phần lớn báo chí Mỹ chỉ nêu tên Trung Quốc và Mexico, nhưng chúng ta cũng cần biết rằng Việt Nam là nước xếp hạng thứ 3 mà Mỹ bị thâm hụt thương mại. Nếu vấn đề thâm hụt thương mại trở thành tâm điểm của các chính trị gia Mỹ, thì Việt Nam cũng cần có những đề phòng nhất định.
Vì sao Mỹ bị thâm hụt kỷ lục trong năm 2021?
Lý do khiến kim ngạch nhập khẩu của Mỹ tăng mạnh trong năm 2021 là do nền kinh tế bắt đầu hồi phục sau những lần giãn cách xã hội trong năm 2020 và đầu năm 2021 bởi đại dịch Covid-19. Theo đó nhu cầu chi tiêu tăng vọt, cùng với giá cả hàng hóa tăng do chi phí vận chuyển đường biển tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng đã như thêm dầu vào lửa làm cho giá hàng hóa nhập khẩu tiêu thụ tăng mạnh.
Sở dĩ nhu cầu chi tiêu tăng là vì trong giai đoạn dịch bệnh, Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ nền kinh tế gần 6.000 tỷ USD, phần lớn là đến trực tiếp người dân hay người lao động. Và vì buộc phải ở nhà, hạn chế di chuyển nên nhiều nhu cầu chi tiêu bị hoãn lại.
Đến khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu bị kiềm nén và có sẵn khả năng tài chính nên nhu cầu chi tiêu tăng vọt là điều dễ hiểu.
Nguồn: Wichart
Giá trị thương mại thâm hụt là 859,1 tỷ USD, nhưng riêng hàng hóa thâm hụt là 1.100 tỷ USD. Bởi Mỹ là nước thường thặng dư thương mại phần dịch vụ, và phần dịch vụ luôn có vai trò giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ.
Phần lớn hàng hóa nhập khẩu là phụ tùng công nghiệp, nguyên liệu. Ngoài ra, Mỹ cũng nhập khẩu nhiều thực phẩm, máy tính, điện thoại, đồ chơi, quần áo, giày dép và phụ tùng y tế như khẩu trang.
Khi phải ở nhà và có trợ cấp của Chính phủ, người dân Mỹ chi tiêu nhiều hơn cho đồ nội thất, máy vi tính, thiết bị điện tử, và nhiều đồ dùng khác thay vì chi tiêu cho du lịch, nhà hàng, giải trí như đi xem phim. Và đặc biệt khi mùa lễ cuối năm cùng với lúc giãn cách được tháo dỡ, hoạt động mua sắm cuối năm được đẩy rất mạnh, cả từ phía người dân và các cửa hàng.
Việt Nam cần cẩn trọng
Việt Nam cần cẩn trọng
Thâm hụt thương mại của Mỹ đứng đầu là Trung Quốc, tiếp đến là Mexico và … Việt Nam, với thâm hụt thương mại ròng của Mỹ với Trung Quốc là 355,30 tỷ USD, Mexico là 108,24 tỷ USD và với Việt Nam là 90,96 tỷ USD. |
Các mặt hàng hiện nay Việt Nam xuất khẩu nhiều đi Mỹ là máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (17,82 tỷ USD), máy vi tính và linh kiện (12,76 tỷ USD), hàng dệt may (16,09 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (8,77 tỷ USD), giầy dép (7,42 tỷ USD), điện thoại và linh kiện (9,69 tỷ USD). Đây là các mặt hàng mà như đã đề cập ở trên, Mỹ đã nhập khẩu nhiều và tăng giá trị trong năm 2021 vừa qua, góp phần làm cho thâm hụt thương mại của Mỹ trầm trọng hơn.
Vấn đề thâm hụt thương mại của các nền kinh tế là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cũng như các chính trị gia.
Cụ thể nhất là vấn đề việc làm, vì những người phản đối thâm hụt thương mại của một nền kinh tế lớn như Mỹ chủ yếu nhấn mạnh vào vấn đề việc làm: Nếu nhập khẩu nhiều từ nước ngoài, đồng nghĩa với việc việc làm bị mất đi, rơi vào tay các nước xuất khẩu, người dân bản xứ không có việc làm.
Tuy nhiên, vấn đề thâm hụt thương mại tốt hay xấu hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi, hay thậm chí thâm hụt thương mại hoàn toàn có thể chấp nhận đến một con số nào đó. Ngay cả trong giới cố vấn chính sách của Mỹ như người ở Viện Peterson, cho rằng thâm hụt thương mại của Mỹ lúc này là một tín hiệu tốt, vì nó phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Trước đây, Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ, cũng như đưa vào danh sách theo dõi về điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng hóa, bởi vì Việt Nam nằm trong top các nước xuất siêu vào Mỹ.
Chính vì vậy, nếu Việt Nam không khéo léo và theo dõi chặt chẽ số liệu xuất siêu sang Mỹ, có những động thái hài hòa và giữ mức xuất siêu ở mức mà Mỹ chấp nhận được trong khi vẫn đảm bảo kim ngạch thương mại giữa 2 nước tăng lên, thì nhiều khả năng sẽ gặp không ít khó khăn, như vấn đề bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ có thể quay trở lại, hay vướng vào các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp hàng hóa.
Việt Nam phải khéo léo và theo dõi chặt chẽ số liệu xuất siêu sang Mỹ, có những động thái hài hòa và giữ mức xuất siêu ở mức mà Mỹ chấp nhận được, nếu không nhiều khả năng sẽ lại bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, hay vướng vào các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp hàng hóa. |