(ĐTTCO) - Khép lại năm 2015, tạp chí The Economist đã chọn Myanmar là “đất nước của năm”. Danh hiệu này không phải vì quốc gia đó chiếm nhiều tít báo nhất trong năm trên bình diện toàn cầu, mà vì tạp chí xem xét dưới góc độ “một quốc gia có động thái giúp đưa thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn”.
Cách đây 5 năm Myanmar còn nằm dưới sự cai trị của quân đội với những luật lệ hà khắc, và những bức ảnh của thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi bị cấm đăng trên báo. Dưới thời Tổng thống đương nhiệm Thein Sein, tiến trình dân chủ hóa diễn ra quyết liệt và thực chất. Trong cuộc bầu cử tháng 11-2015, đảng của bà Suu Kyi giành 77% số phiếu. Quân đội và Tổng thống Thein Sein cam kết hợp tác và chuyển giao quyền lực cho đảng được bầu theo nguyện vọng người dân. Sự chuyển dịch của Myanmar tới một nền dân chủ trong hòa bình diễn ra nhanh chóng hơn bất kỳ ai có thể hình dung, được cộng đồng quốc tế ủng hộ và đánh giá rất cao.
Theo kế hoạch, một Quốc hội mới do Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) chiếm đa số sẽ được thành lập sau ngày 31-1-2016. Tiếp đó, một tổng thống mới sẽ được lựa chọn trước tháng 3 để thay thế cho Tổng thống đương nhiệm Thein Sein.
Ngày 4-1-2016, nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Myanmar giành độc lập từ đế quốc Anh, bà San Suu Kyi, thủ lĩnh NLD, phát biểu trước công chúng, tuyên bố: Chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình với các nhóm thiểu số là ưu tiên số 1, là mục tiêu quan trọng nhất khi đảng của bà lập chính phủ mới. Các nhóm dân tộc thiểu số vũ trang đã xung đột với quân đội Myanmar suốt nhiều thập niên qua. Ngoài việc giành quyền tự trị khu vực họ kiểm soát, cuộc xung đột kéo dài còn xoay quanh việc thâu tóm các nguồn tài nguyên đất nước: các mỏ ngọc, vàng, than đá, kẽm… Dân chúng là người gánh chịu hậu quả, cuộc sống đầy bất trắc, tai ương.
Myanmar có diện tích 678.500km2 (hơn 2 lần Việt Nam), nước lớn thứ 40 trên thế giới nhưng chỉ khoảng 54,5 triệu dân. Trong gần 50 năm cầm quyền của quân đội, từ một nước giàu có nhất vùng Đông Nam Á, Myanmar trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới, bị cô lập, cấm vận thương mại và đầu tư. Hiện nay Myanmar thiếu trầm trọng hệ thống khách sạn, trung tâm thương mại, hội nghị đẳng cấp quốc tế và các cơ sở hạ tầng thiết yếu, năng lượng, công nhân trình độ cao… Myanmar rất đa dạng về chủng tộc, 89% dân số nước này theo Phật giáo, nên đi đâu ta cũng thấy chùa chiền. Chùa chiền trở thành trung tâm đời sống văn hóa của người dân, các nhà sư được sùng kính. Do cấm vận lâu năm, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, Myanmar vẫn giữ được vẻ mộc mạc, thuần khiết đời sống xã hội; cảnh quan môi trường vẫn mang đậm nét hoang sơ, trở thành địa điểm lôi cuốn khách du lịch quốc tế những năm gần đây.
Năm cũ, Myanmar khép lại trang sử cũ đầy bi thương, mở ra triển vọng xán lạn trong việc phát triển đất nước, nâng cao mức sống người dân. Myanmar hiện nay đang trở thành tâm điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các chuyên gia dự báo đất nước này sẽ đi rất nhanh trên con đường kiến tạo ấm no, hạnh phúc; góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
Thiếu nữ Myanmar. |
Chùa Phật nằm lớn nhất Myanmar, địa điểm tham quan đông đảo của du khách. |
Ngổn ngang các công trình hạ tầng trên đường phố thủ đô. |
Bán hàng rong trên đường phố. |
Người dân bản địa - mặc váy, ăn trầu phục vụ khách tại các điểm du lịch. |
Nhà sư khất thực. |
Ngôi chùa có bức tượng Phật bằng đá cẩm thạch lớn nhất Myanmar. |
Chùa Vàng rực rỡ buổi hoàng hôn, công trình Phật giáo lớn nhất Myanmar. |
Người dân chiêm bái trước tượng Phật. |