2022: 1 năm nhìn lại
Vào cuối năm 2021, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cảnh báo lạm phát sẽ gia tăng. Điều này tương tự thông điệp họ sẽ thắt chặt chính sách để chống lại lạm phát từ đầu năm 2022. Diễn biến này lập tức đẩy trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 17% trong tháng 1 lên 2%, khiến tỷ giá vàng/đô (XAU/USD) có tương quan nghịch mất gần 2% trên cơ sở hàng tháng. Đến ngày 24-2-2022, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt với Ukraine. 2 ngày sau (26-2), phương Tây công bố các biện pháp trừng phạt đối với Nga và loại Nga khỏi các hệ thống thanh toán toàn cầu. Điều này khiến vai trò của vàng như tài sản trú ẩn an toàn leo thang, đẩy giá kim loại quý này lên hơn 2.000USD/oz vào đầu tháng 3.
Việc Fed quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên khoảng 0,25-0,5% sau 2 năm kiềm chế ở mức 0-0,25% đã khiến XAU/USD mất đi phần lớn mức tăng nó đạt được hồi tháng 3. Tiếp đó, Fed liên tục siết chính sách lãi suất với tốc độ ngày càng nhanh (tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 5 và 75 điểm cơ bản vào các tháng 6, 7, 9 và 11), trong khi lạm phát thậm chí còn mạnh hơn và dai dẳng hơn so với ước tính ban đầu. Sự thắt chặt mạnh mẽ của Fed đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng mạnh, cao nhất 15 năm ở mức trên 4,3% vào tháng 10. Vì luôn có tương quan nghịch với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, vàng đã chịu áp lực giảm giá liên tục.
Khi Fed tăng lãi suất chưa từng có trong quý II và III, nới rộng cách biệt chính sách giữa Mỹ và các NHTW lớn khác, đặc biệt là NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Nhật Bản (BoJ), USD đã trở thành tài sản được các nhà đầu tư lựa chọn, trong khi vàng lại giảm giá trị. Chỉ số USD (USD index), theo dõi tỷ giá của USD so với rổ 6 loại tiền tệ chính, đã tăng từ 95,65 vào đầu tháng 1 lên mức cao nhất nhiều thập niên 114,78 vào cuối tháng 9 (tăng gần 20%).
Sau cuộc họp chính sách tháng 11, Fed phát đi thông điệp khiến thị trường dự báo NHTW này sẽ giảm tần suất và biên độ tăng lãi suất của mình, với mức tăng nhỏ hơn ở 50 điểm cơ bản. Do đó, USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm và giúp giá vàng tăng mạnh trong tháng 11. Sức mạnh của USD trong 2022 khiến vàng đắt giá hơn, đặc biệt ở Ấn Độ và Trung Quốc, 2 nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Trên thực tế, đồng rupee của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với USD vào tháng 10 khi USD/INR tăng trên 83. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc chậm mở cửa trở lại đã kiềm hãm đà tăng của giá vàng, khi các nhà đầu tư nghi ngờ về sự phục hồi nhu cầu đối với kim loại quý.
Triển vọng 2023
Kể từ ngày 19-12-2022, công cụ theo dõi Fed (FedWatch) của Tập đoàn tư vấn CME, cho thấy các thị trường đang định giá xác suất 52,4% rằng Fed chọn tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 2 và tháng 3. Nếu điều đó xảy ra, lãi suất chính sách sẽ là 4,75-5%, thấp hơn một chút so với dự báo lãi suất cuối cùng của 2022. Phát biểu sau cuộc họp vào tháng 12, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận có thể giảm tăng lãi suất nếu dữ liệu lạm phát tiếp tục yếu đi. Tuy nhiên, Powell lưu ý lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ phi nhà ở vẫn ở mức cao khó chịu. Cuối cùng, Powell nói thẳng, Fed “không nghĩ đến” việc cắt giảm lãi suất chính sách vào năm 2023.
Trong quý đầu tiên của năm 2023, dữ liệu lạm phát tiền lương và lạm phát tiêu dùng sẽ được thị trường theo dõi chặt chẽ. Báo cáo việc làm mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy thu nhập trung bình mỗi giờ trong tháng 11-2022 đã tăng lên 5,1% từ mức 4,9% hồi tháng 10. Nếu lạm phát tiền lương bắt đầu ở mức vừa phải vào đầu năm 2023 và chỉ số CPI tiếp tục giảm, thị trường có thể bắt đầu xem xét khả năng Fed “xoay trục chính sách” và chọn cắt giảm lãi suất vào cuối năm. Trong kịch bản đó, giá vàng có thể tăng và USD có khả năng suy yếu. Điều đó cũng có thể giúp cải thiện nhu cầu vàng ở Trung Quốc và Ấn Độ do tỷ giá hối đoái hợp lý hơn. Mặt khác, lạm phát tiền lương cao liên tục và lạm phát tiêu dùng yếu đi hoặc tăng lên không đạt yêu cầu, sẽ ảnh hưởng đến XAU/USD.
Hiệu suất của nền kinh tế Mỹ sẽ là một yếu tố khác cần xem xét khi đánh giá triển vọng chính sách của Fed. Tóm tắt Dự báo Kinh tế (SEP) tháng 12-2022, dự báo tăng trưởng GDP Mỹ năm 2023 đã giảm xuống 0,5% từ mức 1,2% trong dự báo hồi tháng 9. Chủ tịch Powell và một số nhà hoạch định chính sách của Fed từng khẳng định ưu tiên của NHTW này là kiềm chế lạm phát và sẵn sàng hy sinh tăng trưởng để đạt được điều đó. Trong cuộc suy thoái 2007-2008, giá vàng đã tăng 16% và tăng gần 6% trong cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra vào năm 2020. Nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ có thể bắt đầu giảm, khiến các nhà đầu tư chọn vàng làm nơi trú ẩn an toàn. Mặt khác, Fed có thể duy trì chính sách thắt chặt của mình lâu hơn dự kiến, nếu nền kinh tế tránh được suy thoái và hạn chế mức tăng của XAU/USD.
Tóm lại, giá vàng có khả năng tăng mạnh vào năm 2023 nhưng có những rủi ro giảm giá đáng kể. Lạm phát tiêu dùng và tiền lương giảm ở Mỹ trong quý I sẽ cho phép các thị trường duy trì hy vọng về một chính sách xoay trục của Fed vào cuối năm và để ngỏ khả năng giá vàng tăng hơn nữa. Kết hợp với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh các bước mở cửa trở lại sau Covid, sẽ giúp triển vọng nhu cầu về kim loại màu vàng được cải thiện và hỗ trợ giá. Cuối cùng, phía cung có thể hỗ trợ giá Vàng trong trường hợp tăng trưởng sản lượng khai thác vẫn dưới mức trung bình.
Ngược lại, giá vàng có thể giảm xuống nếu nền kinh tế Mỹ tránh được suy thoái và Fed tăng gấp đôi triển vọng chính sách thắt chặt với lạm phát không giảm như mong muốn. Ngoài ra, việc khôi phục các hạn chế Covid-19 ở Trung Quốc có thể buộc những người tham gia thị trường phải đánh giá lại triển vọng nhu cầu và khiến giá vàng khó đạt được lực kéo. Trong khi đó, USD sẽ có động lực tăng giá.