Nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức

(ĐTTCO) - Năm 2016, Việt Nam hội nhập sâu rộng mở ra nhiều cơ hội cùng những thách thức mới, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ gặt hái những thành quả mới nếu chúng ta nắm bắt cơ hội, nỗ lực vượt khó vươn lên.

(ĐTTCO) - Năm 2016, Việt Nam hội nhập sâu rộng mở ra nhiều cơ hội cùng những thách thức mới, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ gặt hái những thành quả mới nếu chúng ta nắm bắt cơ hội, nỗ lực vượt khó vươn lên.

Đối mặt 5 thách thức

Thách thức đầu tiên của năm 2016 là phải tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới việc giảm thâm hụt ngân sách và nợ công. Thâm hụt ngân sách lớn, nợ công lớn sẽ làm giảm khả năng can thiệp chính sách của Chính phủ đối với các nút thắt của nền kinh tế, đặc biệt nút thắt về kết cấu hạ tầng.

Thách thức tiếp theo đến từ quá trình tái cơ cấu đầu tư công. Nếu không quyết liệt trong tái cơ cấu đầu tư công hướng đến giảm chi phí sẽ dẫn đến hệ quả chi phí sử dụng kết cấu hạ tầng quá đắt đỏ, trở thành rào cản tăng trưởng. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu hệ số sử dụng vốn ICOR của Việt Nam đạt mức bình quân thế giới là 4, chỉ cần đầu tư khoảng 30% GDP hàng năm sẽ đạt được mức tăng trưởng 7,5%. Ngược lại nếu vẫn giữ hệ số ICOR 5,18 như hiện nay, khi đầu tư khoảng 30% GDP chỉ đạt được mức tăng trưởng khoảng 6%. Thí dụ, khi đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, với một xe container di chuyển trên tuyến phải trả 840.000 đồng/lượt, chi phí này vượt qua lợi ích tiết kiệm được về mặt thời gian và xăng dầu, doanh nghiệp (DN) sẽ không sử dụng, trong khi Chính phủ vẫn bỏ tiền ra đầu tư một kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh. Như vậy cho thấy chúng ta duy trì một mô hình đầu tư công quá đắt đỏ có nguy cơ sẽ đẩy lùi quá trình tăng trưởng kinh tế.

Thách thức thứ 3 là nguy cơ về tỷ giá. Cuối năm 2015, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) nâng lãi suất tham chiếu lên 0,25%. Do tăng ít nên không ảnh hưởng về tỷ giá với các đồng tiền khác và Việt Nam cũng chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý. Tuy nhiên, nhiều khả năng trong năm 2016, FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất tham chiếu. Điều này sẽ đẩy đồng USD mạnh lên so với các đồng yen của Nhật Bản, EUR của EU và nhân dân tệ của Trung Quốc, vốn là các đối tác chính của Việt Nam. Đặc biệt khi đồng nhân dân tệ mất giá sẽ tác động đến Việt Nam thông qua thị trường thứ 3, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu, gây tác động nhiều đến chính sách tỷ giá.

Thách thức thứ 4 đến từ sự sụt giảm nguồn thu. Đó là khi Việt Nam tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm. Thách thức cuối cùng là chính sách tiền tệ và lãi suất. Với tỷ lệ lạm phát 0,63% trong năm nay, lãi suất cho vay 8-9%/năm là rất cao so với sức chịu đựng của DN. Đây là rào cản lớn với DN. Nguyên nhân của tình trạng này do không giải quyết dứt điểm nợ xấu mà chỉ gạt nó sang một bên. Nhốt nợ xấu vào VAMC, nên năm 2016 vấn đề đặt ra là phải giải quyết dứt điểm nợ xấu để làm sao tác động của nó không ảnh hưởng lên lãi suất ngân hàng. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay là lãi suất huy động phải xuống thấp, qua đó tăng khả năng tiếp cận tín dụng của DN. Lạm phát thấp làm cho GDP danh nghĩa thấp, kéo theo nguồn thu thấp. Chẳng hạn những năm tăng trưởng khoảng 5% nhưng lạm phát 6%, GDP danh nghĩa tăng khoảng 11%. Thường GDP danh nghĩa tỷ lệ thuận với nguồn thu, như năm 2015 GDP danh nghĩa gần sát với GDP thực tế vì lạm phát rất thấp, điều này cũng đồng nghĩa với thu bao nhiêu tăng trưởng bấy nhiêu. GDP danh nghĩa thấp cũng cho thấy biểu hiện của sự hụt thu ngân sách nhà nước. 

Một mô hình đầu tư công về hạ tầng quá đắt đỏ sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế (trong ảnh: Đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai).

 Một mô hình đầu tư công về hạ tầng quá đắt đỏ sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế
(trong ảnh: Đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai).

FDI: đầu kéo khu vực tư nhân

Để duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao một phần phải nhờ vào khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Như vậy sự phát triển khu vực tư nhân trong nước cũng có sự đóng góp của dòng vốn FDI. Trong khi chúng ta lo ngại khi FDI vào nhiều nhưng tốc độ phát triển khu vực tư nhân trong nước lại giảm. Nên nhớ con số tăng trưởng GDP chỉ để tham khảo, còn con số quan trọng nhất là tạo việc làm với thu nhập xứng đáng cho người lao động. Khi người dân có thu nhập xứng đáng, Việt Nam mới có cơ hội trở thành nền kinh tế mạnh. Còn nếu người dân vẫn phải lăn lộn trong khu vực phi chính thức không được đóng bảo hiểm với đồng lương thấp, con số tăng trưởng GDP có thể đẹp nhưng nó không nói lên bản chất của quá trình tăng trưởng đó.

Do đó, quan điểm của tôi là không lo ngại dòng vốn FDI vào nhiều, vì DN trong nước vẫn có thể cạnh tranh rất sòng phẳng với khu vực FDI như Viettel, Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai… Việt Nam đi từ chỗ không có DN tư nhân (DNTN) nay đã có những DN mạnh với doanh thu hàng tỷ USD/năm có thể cạnh tranh được, đó là sự phát triển đáng ghi nhận.

DNTN, nhà nước hay nước ngoài phải cạnh tranh sòng phẳng với nhau vì Việt Nam đã tham gia rất nhiều FTA. Trong sân chơi toàn cầu, các DN nước ngoài có lợi thế hơn khu vực DNTN trong việc sử dụng các công cụ pháp luật, thể chế để bảo vệ quyền lợi DN. Vì vậy DN trong nước chịu sự bất bình đẳng ngay trên thị trường Việt Nam. Đây là vấn đề cần được khắc phục.

Các tin khác