Năm Thân nói chuyện khỉ

Khỉ bay

Khỉ bay

Các nhà khoa học Nam Mỹ đã phát hiện thêm 5 loài khỉ Saki mới tại khu rừng Amazon, nâng tổng số loài khỉ Saki đã phát hiện lên con số 16. Khỉ Saki hay khỉ bay có chiếc đuôi dài, rậm rạp, chiếc đầu tròn, có lông dày ở phần mặt, đầu nhưng lại có khả năng chuyền từ cành cây này sang cành cây khác một cách uyển chuyển như biết bay. Được phát hiện tại Brazil, Peru, Bolivia, 5 thành viên mới của gia đình nhà khỉ Saki là Saki Cazuza, Saki Mittermeier’s Tapajós, Saki mặt hói Rylands, Saki mặt hói Pissinatti và Saki Isabel. Marsh, Giám đốc và người đồng sáng lập Viện Bảo tồn toàn cầu tại Santa Fe, New Mexico, cho biết: "Các chuyên gia đã gặp nhiều khó khăn khi xác định những loài khỉ Saki mới này bởi sự đa dạng về màu sắc và hình dáng. Bởi phần lông mặt của một khỉ đực thiếu niên Saki có màu sắc tương tự như Saki cái trưởng thành".

Khỉ bé nhất thế giới

Khỉ lùn, hay khỉ đuôi sóc, với kích cỡ chỉ bẳng ngón tay, đã chính thức được công nhận là loài khỉ nhỏ nhất thế giới. Loài linh trưởng bé nhỏ này chỉ có chiều dài trung bình 12-15cm, khối lượng khoảng 120-140g, nhẹ hơn cả 1 quả táo. Loại khỉ lùn thường sống trong các vùng rừng rậm nhiệt đới Brazil. Với kích cỡ đặc trưng, chúng còn được gọi là “khỉ ngón tay” hay “sư tử tí hon” vì bộ lông khá giống với bờm sư tử. Khỉ đuôi sóc có tuổi thọ trung bình 11-12 năm trong tự nhiên, nhưng nếu sống trong điều kiện ở vườn thú, chúng có thể sống đến hơn 20 năm. Khỉ đuôi sóc thường sống theo từng nhóm, gồm 1 cặp đôi như vợ chồng và các con, từ 2-6 thành viên. Những khỉ đuôi sóc non sống trong nhóm cho đến 2 kỳ sinh sản tiếp theo, khi có những thành viên mới.

Mẹ tinh tinh cho hổ con  bú sữa

Trong vườn thú Samut Prakan (Thái Lan), khách du lịch được chứng kiến cảnh tượng đặc biệt giữa con tinh tinh Do Do và chú hổ con Aorn, quấn quýt như mẹ con thực sự. Cô nàng tinh tinh Do Do hơn 2 tuổi được đưa về vườn thú Samut 1 năm trước. Bản năng làm mẹ đã thôi thúc cô nàng chăm sóc cho chú hổ con Aorn mới 60 ngày tuổi phải sống xa hổ mẹ từ khi mới lọt lòng. Không xa lánh vì Aorn là loài thú dữ, ngược lại Do Do còn ôm ấp, vuốt ve hay cho hổ con Aorn bú sữa bình rất ân cần và dịu dàng.

Tinh tinh thông minh nhất thế giới

Chú tinh tinh này đang sống tại Trung tâm Bảo tồn và Nhận thức loài khỉ, TP Des Moines, bang Iowa, Hoa Kỳ. Với trí thông minh vượt trội, Kanzi - chú tinh tinh 33 tuổi - được các nhà khoa học mệnh danh "Con tinh tinh thông minh nhất thế giới". Khác với những con tinh tinh khác, Kanzi biết bắt chước theo những hành động của con người. Chú có thể nấu ăn, tạo lửa, vượt qua bàn đầu của trò chơi điện tử Pac Man, chơi nhạc, thậm chí biết trò chuyện qua màn hình điện tử... Kanzi đã gây ấn tượng mạnh với các nhà khoa học ngay từ khi chào đời. Qua các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra chú tinh tinh này sở hữu một vốn từ đủ lớn để hiểu và nói những câu thoại đơn giản. Cụ thể, Kanzi có thể hiểu khoảng 3.000 từ, và nói theo được khoảng 500 từ thông qua máy tính. Kanzi rất thích giao tiếp với nhiều tầng lớp từ trẻ em tới người lớn.

Khỉ lông vàng  giống Tôn Ngộ Không

Tại vườn thú Taronga, Australia, một con tinh tinh cái Melli lông đen đã sinh cậu con trai kháu khỉnh có lông vàng. Do sở hữu bộ lông màu bí ngô khác hẳn bà mẹ nên người ta gọi nó bằng tên Nangua. Nhân viên sở thú, bà Jane chia sẻ Nangua thuộc giống khỉ Francois Leaf Monkey quý hiếm. Trên thế giới chỉ còn 500 cá thể, hiện được bảo tồn ở vài quốc gia. Tangora là sở thú duy nhất tại Australia bảo tồn loài khỉ Francois Leaf Monkey này. Sau khi thông tin được công bố rộng rãi, vườn thú Tangora đã thu hút hàng ngàn lượt khách tới chiêm ngưỡng chú khỉ sở hữu bộ lông vàng đặc biệt này.

Khỉ xấu nhất thế giới

Những con khỉ Uakari sở hữu một chiếc đầu đỏ rực, thêm bộ lông đỏ khiến hình dạng của chúng càng thêm phần quái dị. Theo tờ Animaldiversity, với cái đầu trọc và khuôn mặt đỏ rực, bộ lông dài, rậm, khỉ Uakari có thể khiến những người yếu bóng vía cảm thấy sợ hãi lần đầu bắt gặp. Đây là loài khỉ đuôi ngắn Nam Mỹ, sống tại lưu vực sông Amazon, phía Đông Peru và miền Nam Colombia. Dù có đuôi ngắn 13-18cm nhưng loài khỉ Uakari di chuyển nhanh nhẹn trên cây do sử dụng tay và chân linh hoạt. Mặt đỏ của loài khỉ này được dùng để thu hút bạn tình. Theo các nhà nghiên cứu, màu đỏ trên mặt, đầu khỉ Uakari không phải do sắc tố mà bởi phần này có nhiều mạch máu tập trung ngay dưới da, thể hiện tình trạng sức khỏe của chúng. Do đó, khi bị ốm, những sắc tố này trên da cũng trở nên nhợt nhạt hơn.

Các tin khác