Một trong những cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc đó chính là nâng cấp sản phẩm xuất khẩu, vì khi xuất khẩu sản phẩm cấp trung bình chỉ có thể nhập nguyên liệu trung bình, giá rẻ như của Trung Quốc.
Lệ thuộc khá lớn
![]() |
Trước hết là dệt may, xuất khẩu năm 2013 của ngành này đạt hơn 20 tỷ USD nhưng tổng nhập khẩu 13,5 tỷ USD, chiếm khoảng 67%, tức nếu chúng ta xuất được 100 đồng phải nhập khẩu 67 đồng. Ngành dệt may chủ yếu nhập khẩu 3 nguyên liệu chính. Thứ nhất là bông, lượng bông nhập khẩu từ Trung Quốc không đáng kể chỉ chiếm chưa đến 1%.
Các doanh nghiệp Việt Nam nhập bông chủ yếu từ Hoa Kỳ với tỷ lệ khoảng 49,9%. Đây cũng là cơ sở để chúng ta được hưởng lợi nếu TPP được ký kết. Thứ hai là sợi, được nhập chủ yếu từ Đài Loan với tỷ lệ 77,6% và Trung Quốc 10,9%. Đây chính là một thách thức trong TPP cho ngành dệt may nếu áp dụng theo quy tắc từ sợi trở đi. Thứ ba là vải, chúng ta nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc với khoảng 48% trong tổng mức nhập khẩu 8 tỷ USD.
Việc đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ không còn là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, chủ quyền. Xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chính là thể hiện lòng yêu nước thiết thực. |
Với ngành da giày, kim ngạch xuất khẩu da giày và túi xách trong năm 2013 đạt 10,3 tỷ USD, nhưng phải nhập khẩu hơn 4 tỷ USD nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Về da, mức nhập khẩu từ 1,4-1,6 tỷ USD. Trung Quốc hiện đứng thứ năm trong số các nước Việt Nam nhập khẩu da sau Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Italia, do khi nâng phẩm cấp xuất khẩu, nhất là các sản phẩm túi xách, da của Trung Quốc không đáp ứng được nhu cầu của nhà nhập khẩu.
Tuy nhiên, cũng như dệt may, ngành da giày còn phụ thuộc nhiều vào việc nhập vải từ Trung Quốc với mức nhập khoảng 1 tỷ USD (vải và nguyên phụ liệu).
Như vậy, trong năm 2013 dệt may và da giày phải nhập khẩu với kim ngạch lên tới hơn 17 tỷ USD, trong đó tổng nhập từ Trung Quốc là 6,38 tỷ USD. Những con số này cho thấy mức lệ thuộc của 2 ngành vào Trung Quốc khá lớn.
Có một số nguyên nhân tác động đến việc chúng ta bị lệ thuộc vào Trung Quốc. Trước hết, phải nhìn nhận thực tế nguồn nguyên phụ liệu của Trung Quốc bạt ngàn, rất dễ tìm, dễ mua. Thậm chí, có thể không cần mua nguyên phụ liệu sản xuất, chỉ cần mua các chi tiết về ráp lại cũng ra sản phẩm.
Điều này chưa thể tìm thấy ở Việt Nam. Thứ hai, chúng ta xuất khẩu hàng phẩm cấp trung bình nên chỉ sử dụng nguyên liệu phẩm cấp trung bình, không thể sử dụng những nguyên liệu cao cấp như của Hàn Quốc… Ngoài ra, sự ưa chuộng hàng giá rẻ, việc thực thi chính sách còn chậm trễ (như chính sách hỗ trợ xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ) hay khả năng cạnh tranh… tất cả khiến chúng ta còn phải phụ thuộc.
Nhận định và giải pháp
Trước việc 2 ngành hàng dệt may, da giày còn phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc, chúng tôi có một số nhận định. Thứ nhất, về tiêu cực với mức độ lệ thuộc như vậy, giả sử trường hợp xấu nhất xảy ra là Trung Quốc ngưng giao thương với Việt Nam, sẽ có những tác động nguy hiểm.
Thực tế có những mặt hàng chúng ta phải nhập khẩu gần như 100% từ Trung Quốc, như hóa chất nhuộm hoặc nguyên phụ liệu trang trí và cả những thiết bị chức năng đơn giản do giá thành thấp.
Thứ hai, về tích cực, có thể thấy hiện nay hầu hết các đơn hàng dệt may, da giày của Trung Quốc đang chuyển dịch sang Việt Nam, vậy đầu ra cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc ở đâu? Họ vẫn cần chỗ để bán và chắc chắn vẫn phải bán sang Việt Nam vì Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nguyên liệu nhiều nhất.
Mặt khác, nếu ngưng giao thương họ cũng gặp khó khi thiếu hàng tiêu dùng cũng như nguyên liệu từ Việt Nam. Nhìn một cách lạc quan, Trung Quốc nếu ngưng giao thương sẽ tạo cơ hội cho nước khác nhảy vào thị trường Việt Nam. Dĩ nhiên, nói dễ chứ thực tế còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhìn theo hướng tích cực, đây chính là cơ hội để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ vốn được nói đến từ rất lâu nhưng nay vẫn chưa làm gì cả vì chưa thực sự đầu tư.
Thực tế, một số dự án về vùng nguyên phụ liệu cho dệt may, da dày đã được manh nha từ rất sớm nhưng dần trôi vào quên lãng. Điển hình, năm 2004 sau khi được UBND TPHCM đồng ý giao quỹ đất với diện tích 7,5ha tại quận 9, ngành dệt may lại không có khả năng chi trả tiền đền bù.
Tiếp đó, TPHCM cho ngành chọn địa điểm 5ha tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức để triển khai dự án Trung tâm nguyên phụ liệu dệt may và da giày, nhưng khi Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cùng các doanh nghiệp đang triển khai phần thiết kế, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã bất ngờ ra thông báo thu hồi đất của dự án để sử dụng vào mục đích khác.
Hay như trường hợp Công ty Da giày Liên Anh đã mạnh dạn bỏ ra 100 tỷ đồng để đầu tư trung tâm nguyên phụ liệu hơn 8ha tại Dĩ An, Bình Dương vào năm 2009 nhưng rồi hoạt động không hiệu quả.
Cuối cùng, dưới góc nhìn công bằng, cả Trung Quốc và Việt Nam đều lệ thuộc vào nhau vì Việt Nam đang là nước nhập khẩu vải lớn nhất của Trung Quốc. Theo số liệu của Trung Quốc, mỗi năm Việt Nam nhập 9 tỷ USD tiền vải. Sẽ có một số kịch bản xảy ra: Nếu trì hoãn trong việc giao hàng khiến chúng ta bị trễ nải, ở mức cao hơn là những cản trở mang tính kỹ thuật.
Trước thực tế này chúng ta có những giải pháp gì? Trước tiên, chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp nên thực hiện giao dịch bằng pháp lý, vì trước nay nhiều doanh nghiệp hay giao dịch miệng dựa trên sự tin tưởng là chính. Nếu có tình huống xấu có thể tìm nước thứ 3 để tiếp tục nhập khẩu trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, về lâu dài phải tìm đến những giải pháp căn cơ hơn.
Có thể thấy, dù tình hình thế nào Trung Quốc cũng không thể ngăn giao thương vì chúng ta thiệt thì họ cũng thiệt. Với riêng từng ngành, từng doanh nghiệp, chúng tôi không thể nói cụ thể, nhưng trên tổng thể, theo tôi sẽ không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, đây là cơ hội lớn để chúng ta cấu trúc lại nền kinh tế, vì thời điểm này người dân đang ủng hộ nhiều nhất và nếu không làm sẽ không còn lúc nào để làm.