Nâng cấp “phần cứng và phần mềm” cho logistics

(ĐTTCO)-Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam và đà tăng trưởng vẫn tiếp tục, logistics chính là huyết mạch của hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại đang cần một sự nâng cấp mạnh mẽ, cấp bách. Ví như một cỗ máy bao gồm phần cứng và phần mềm, phần cứng của logistics là hệ thống hạ tầng và phần mềm chính là các chính sách. Nhưng bên cạnh đó, quan trọng cũng không kém là những người thực thi.
Từ “phần cứng” hạ tầng yếu và thiếu
Gần đây, có rất nhiều diễn đàn lớn về logistics cho thấy vấn đề ngày càng trở nên quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Điểm chung đúc kết từ các diễn đàn này là sự thiếu và yếu của hạ tầng nên hiệu quả không cao của ngành logistics.
Cụ thể chi phí vận tải chiếm tỷ trọng cao, lên đến 30-40% giá thành sản phẩm, thị phần vận tải đường bộ chiếm áp đảo nhưng tỷ lệ xe hàng chạy rỗng ở mức cao, phụ thuộc vào tàu hàng của nước ngoài.
Rõ ràng phần cứng của hệ thống logistics Việt Nam cần cải thiện nhiều, nhưng phần mềm như chính sách và việc thực thi được đề cập rất hạn chế, nếu không nói là rất dè dặt. Những người làm trong ngành vận tải, thông quan hàng hóa dĩ nhiên hơn ai hết biết rõ các loại phụ phí không minh bạch.
Theo báo cáo “Doing Business 2020” của Ngân hàng Thế giới (WB), điểm số về thương mại xuyên biên giới của Việt Nam xếp 70,8/100, đứng thứ 104/190. Trong đó đáng chú ý điểm số ở mục chi phí xuất, nhập khẩu liên quan đến thủ tục giấy tờ đều dưới mức điểm số 70. Đây rất có thể là minh chứng của những loại phụ phí không minh bạch.
Năm 2014, WB đã công bố một báo cáo có tựa đề “Hệ thống logistics hiệu quả, một yếu tố quan trọng cho khả năng cạnh tranh của Việt Nam”, đã nhấn mạnh 3 nhóm vấn đề chính mà Việt Nam cần giải quyết, đó là hạ tầng (cảng biển, đường cao tốc, đường nối giữa các đầu mối); hoạt động vận chuyển (các sân bay lớn, các công ty vận tải, hệ thống kho chứa); và chính sách (hải quan, các cơ quan bộ ngành có liên quan).
Có lẽ vì vậy việc đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đường bộ, trong đó có hệ thống đường cao tốc đã được chú ý và đầu tư mạnh hiện nay. Tuy nhiên vẫn phải kiểm soát việc đầu tư có trọng điểm, ưu tiên tập trung cho những tuyến đường đầu mối quan trọng.
Song có một điều cũng cần được quan tâm nhiều hơn là tại sao hệ thống giao thông đường bộ dường như bỏ rơi hệ thống vận tải đường sắt? Xét về độ an toàn và hiệu quả ở cự ly dài và vừa, đường bộ không thể nào là đối thủ của đường sắt.
Nhóm nghiên cứu Ishida, Le và Ikebe năm 2019 đã công bố kết quả khảo sát chi phí logistics ở Việt Nam, cho thấy vận tải đường sắt với tình trạng hiện nay đã thấp hơn đường bộ từ 10-20%. Dĩ nhiên đầu tư đường sắt sẽ tốn kém hơn, nhưng xét về hiệu quả dài hạn hàng chục năm sau hoàn toàn khả thi.

Đến “phần mềm” chính sách thiếu thực thi
 Phần cứng của hệ thống logistics Việt Nam cần cải thiện nhiều, nhưng phần mềm như chính sách và việc thực thi được đề cập rất hạn chế, nếu không nói là rất dè dặt.
Trong khi phần cứng chỉ cần vốn là dễ dàng nâng cấp, thì phần mềm và ý thức của người thực thi lại có nhiều thách thức. Như các vấn đề liên quan đến chính sách dễ vấp phải sự xung đột về lợi ích giữa các nhóm có liên quan. Rồi sự không rõ ràng chồng chéo gây thiệt hại cho nhóm này nhưng lại là lợi ích của một số ít nhóm khác. Nhưng dĩ nhiên, về tổng thể là lợi ích âm cho toàn xã hội.

Vậy thì phần mềm nên được nâng cấp như thế nào?
Trước hết là sự minh bạch, rõ ràng để thấy rõ được sự chồng chéo bất hợp lý (nếu có) trong các chính sách. Từ đó, ở các cấp điều hành cao hơn cần có trách nhiệm và sự mẫn cán để thay đổi hay điều chỉnh cho phù hợp vì lợi ích số đông, lợi ích của cả xã hội. 
Tiếp đến là cần thực hiện số hóa mạnh mẽ các quy trình thủ tục liên quan đến thuế xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, theo hướng hậu kiểm và xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Việc giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người với người trong quy trình thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực khác cho thấy có hiệu quả trong việc kiểm soát tham nhũng.
Quy trình rõ ràng, minh bạch về các yêu cầu cũng như thời hạn xử lý, đồng thời cũng là chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc của công viên chức sẽ góp phần tăng đáng kể hiệu quả của số hóa.
Với những vị trí công việc khá nhạy cảm như kiểm tra, thanh tra, cơ chế kiểm soát và xử lý nghiêm sai phạm là rất cần thiết để đảm bảo sự liêm chính của lực lượng thi hành công vụ. Trong một số dịch vụ công, việc công bố đường dây nóng đã chứng minh hiệu quả.
Hạ tầng đường bộ đã trở nên quá tải vì xe container, dẫn đến hiệu quả không cao của ngành logistics Việt.
Số hóa cũng sẽ mang lại lợi ích trong trường hợp hệ thống vận tải có được một nền tảng dữ liệu mở. Một thí dụ như nền tảng kết nối thị trường vận chuyển hàng hóa giữa bên có nhu cầu và các đơn vị vận tải sẽ làm giảm tỷ lệ xe hàng chạy rỗng, nhưng muốn được vậy phải khuyến khích một lượng nhất định các bên tham gia.
Như vậy, nhu cầu đối với ngành logistics Việt Nam là cần nâng cấp cả phần cứng, phần mềm và ý thức của công viên chức thực thi. Cụ thể cần cập nhật nghiên cứu phương án vận tải đường sắt, theo hướng đường ray kích cỡ chuẩn quốc tế và hệ thống đường song song.
Đối với hệ thống đường bộ, ưu tiên các tuyến cao tốc trọng điểm, hệ thống đường nối giữa các đầu mối. Hệ thống vận tải biển cũng cần các đội tàu mạnh, bài học Vinashin vẫn còn đó vì chính sách đúng nhưng bị bóp méo.
Ở các thành phố lớn, cần có quy hoạch hệ thống kho bãi ở vùng ven, kết nối với các trục giao thông chính. Chuyển đổi số cũng sẽ là một động lực quan trọng để ngành logistics phát triển. Quan trọng không kém là đảm bảo hệ thống công viên chức thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình, đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm. 
------------
(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

Các tin khác