PHÓNG VIÊN: - Vậy theo ông ngành logistics cần xác định và bổ sung những gì?
Ông HUỲNH PHƯỚC NGHĨA: - Trước hết cần xác định vị trí của TPHCM trong toàn vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó TP sẽ là đầu tàu trong cả 3 vị trí: Là trung tâm tài chính, dịch vụ (đặc biệt là dịch vụ công nghiệp và logistics) và là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và sáng tạo.
Bởi tương lai TPHCM sẽ là cửa ngõ của vùng Đông Nam bộ - nơi chiếm hơn 50% kinh tế cả nước, để tương tác với thế giới. Như vậy có thể thấy bài toán logistics phải nhìn trong một không gian rộng dựa trên kết nối vùng, chứ nếu chỉ bó hẹp trong hơn 2.000km2 của TP sẽ rất khó phát triển.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào không gian đó, những gì chúng ta đang có từ hạ tầng đường bộ, quy hoạch cảng và kết nối vùng… vẫn còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được sự phát triển. Logistics là nền tảng hạ tầng cho các dịch vụ công nghiệp và cho tổng thể nền kinh tế. Nhưng nhìn từ dịch vụ công nghiệp trước đây phát triển các nhánh về miền Đông như Đồng Nai với lợi thế gần cảng Cát Lái nay sự phát triển cũng đã tới hạn.
Còn nhánh miền Tây (13 tỉnh) hiện nay gần như không có giải pháp gì cho quy hoạch đường, kho… dẫn đến chi phí rất cao. Và toàn bộ vùng Đông Nam bộ cũng chưa có giải pháp kết nối với TPHCM, nên các luồng kinh tế đều đổ về TP khiến TP đang bị quá tải.
Thực tế TPHCM cũng không dự báo được vài trò của mình trong tổng thể bài toán logistics cho toàn vùng Đông Nam bộ. Trước nay chúng ta nhìn logistics là cho hàng hóa thực, nhưng nay khi thương mại điện tử phát triển, kinh tế số phát triển thì mọi thứ cũng khác đi. Tức logistics cũng phải áp dụng công nghệ nhiều hơn, thông minh hơn phải kết nối được các thành phần trong chuỗi logistics.
Những đặc điểm này buộc đề án hiện nay phải giải được những bài toán: Thứ nhất, định nghĩa lại nhu cầu, vai trò của kết nối vùng trong logistics.
Thứ hai, phải xem xét vai trò của các thành phần trong logistics, như vai trò của hàng không rất quan trọng nhưng chưa phát triển mạnh; đường sắt bị tê liệt một cách đáng tiếc; khai thác các kênh rạch trong vận tải hàng hóa nhỏ vẫn chưa tốt; các kho hàng logistics tiêu chuẩn cao đang thiếu, đó là chưa kể đến các kho hàng dành cho thương mại điện tử; thiếu các phân luồng đặc thù…
Ảnh minh họa.
- Vậy việc đầu tư hơn 95.800 tỷ đồng theo như đề án có quá nhiều và bài toán đầu tư có phải của riêng TPHCM?
- Theo tôi, chúng ta nên tạm quên câu chuyện ngân sách mà nên nhìn từ góc độ về nhu cầu và sự phát triển trong tương lai. Khi chúng ta quy hoạch lại toàn bộ không gian của cả vùng Đông Nam bộ, thì Chính phủ phải nghĩ tới nguồn lực giải quyết cả vấn đề này trong tương lai, chứ không thể chỉ lấy ngân sách của TPHCM hay bất cứ tỉnh nào.
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa của các tỉnh/thành rất nhanh, không nên để hạ tầng logistics là rào cản cho sự phát triển. Chúng ta cũng cần nhìn động lực phát triển kinh tế toàn vùng trong tương lai sẽ thấy Mê Kông sẽ là phần về sản xuất nông nghiệp, sân sau của TP để TP đi ra thế giới; cụm phía Đông là công nghiệp còn TPHCM sẽ là luồng dịch vụ, tài chính, con người.
TPHCM muốn đầu tư logistics phải tư duy trên nền tảng đó, tương tự các tỉnh cũng phải tư duy như vậy. Cách đây chưa lâu trong hội thảo về phát triển kinh tế Mộc Bài, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải nói rằng khi nhìn về vùng Đông Nam bộ thì phải thấy được bức tranh chung, chứ logistics mà chia nhỏ sẽ cản trở nền kinh tế.
- Như chia sẻ của ông, TPHCM là một trong những đầu tàu về nhân lực và sáng tạo. Nhưng thực tế hiện nay nguồn nhân lực cho ngành logistics vẫn còn rất thiếu. Vậy tương lai nên được giải quyết như thế nào?
- Nếu nhìn vào tình hình chung hiện nay không có tỉnh/thành nào có thể đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nhân lực cho logistics nói riêng tốt hơn TPHCM. Khá nhiều trường đại học trong TP đã có chuyên ngành về logistics.
Tất nhiên trước nhu cầu lớn về nhân lực của ngành, hiện các trường vẫn chưa đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng. Nói về chất lượng, do thời gian sinh viên được tiếp xúc với thực tế vẫn còn quá ít, chủ yếu học qua mô phỏng nên khi đi làm cần có thêm thời gian để hoàn thiện mình.
Song cũng có những tín hiệu tích cực đó là các phòng mô phỏng đang ngày càng gần với thực tiễn nên việc dạy học sẽ không còn xa vời với thực tế. Tôi tin rằng chỉ khoảng 5 năm nữa sẽ có những thế hệ nhân sự ngành logistics được đào tạo chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông.